Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh: Lướt sóng ngắn hạn không dành cho NĐT nghiệp dư, gợi ý 4 cách nhận diện lừa đảo

13/09/2020 09:26 AM | Kinh doanh

Ông Minh Chánh lưu ý, dù là loại hình hay công cụ nào, nhà đầu tư cũng cần học và hiểu biết về nó rồi mới quyết định rót tiền vào. Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng để tận dụng “quyền năng” của lãi suất kép, mọi người nên thực hiện tiết kiệm - đầu tư ngay hôm nay, càng sớm càng tốt.

Đầu tư như thế nào cho hiệu quả và an toàn luôn là mối quan tâm của nhiều người, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thiếu ổn định như hiện nay. Nếu như một số người tìm đến các tài sản an toàn thì không ít chuyên gia cho rằng khủng hoảng là cơ hội để bắt đáy và thu về lợi suất cao.

Tại sự kiện “Ra mắt phiên bản ứng dụng Finhay 4.0” được tổ chức bởi startup Finhay, bên cạnh việc giới thiệu các tính năng mới như phân bổ cấu trúc vốn theo mức độ rủi ro hay tự chọn quỹ đầu tư, các diễn giả còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm và bài học dành cho các nhà đầu tư không chuyên.

Lướt sóng ngắn hạn, bắt đáy không dành cho người nghiệp dư

Theo chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh, quan điểm “khủng hoảng là cơ hội để đầu tư thu về lợi suất cao hơn bình thường” chỉ đúng với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, lão luyện.

Ví dụ, khủng hoảng kinh tế - tài chính khiến giá cổ phiếu hay bất động sản giảm xuống, nếu ai bắt đáy tốt thì sau đó, khi thị trường hồi phục, nhà đầu tư sẽ thu được lợi suất tốt.

“Nhưng với những nhà đầu tư nghiệp dư, chúng ta không đủ sức và khả năng để làm việc này. Nếu làm thì rủi ro rất cao", ông Chánh khẳng định.

Đầu tư ngắn hạn, lướt sóng chỉ dành cho các nhà đầu tư lão làng, chuyên nghiệp chứ không phải là sân chơi phù hợp với những người đang đi làm văn phòng hay không chuyên, không hiểu biết sâu sắc về đầu tư. Dù có lướt sóng thành công lần này thì lần sau sẽ “chết”.

Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh: Lướt sóng ngắn hạn không dành cho NĐT nghiệp dư, gợi ý 4 cách nhận diện lừa đảo - Ảnh 1.

Các nhà đầu tư không chuyện nên sử dụng 5 công cụ đầu tư - phòng thủ, cho lãi suất từ 6-11%, bao gồm: tiết kiệm ngân hàng, vàng (theo dài hạn), bảo hiểm nhân thọ, trái phiếu và chứng chỉ quỹ. Bên cạnh đó còn có các công cụ đầu tư - tăng trưởng như bất động sản và cổ phiếu.

Ông Minh Chánh lưu ý, dù là loại hình hay công cụ nào, nhà đầu tư cũng cần học và hiểu biết về nó rồi mới quyết định rót tiền vào. Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng để tận dụng “quyền năng” của lãi suất kép, mọi người nên thực hiện tiết kiệm - đầu tư ngay hôm nay, càng sớm càng tốt.

Nhận biết những kênh đầu tư lừa đảo

Dịch bệnh bùng phát, kinh tế lao đao cũng là lúc các loại hình đầu tư lừa đảo, mang danh nghĩa app công nghệ hay mạng xã hội,... mọc lên như nấm, khiến không ít người mất tiền và rơi vào cảnh khốn đốn.

Theo ông Lâm Minh Chánh, để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ và nhận diện những vấn đề sau:

* Tính pháp lý: Các ứng dụng (app) đó thuộc doanh nghiệp nào và đã đăng ký kinh doanh tại quốc gia nào chưa. Nếu app thuộc công ty nước ngoài nhưng hoạt động ở Việt Nam thì cũng phải đăng ký văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Rất nhiều app được dựng lên nhưng không có tính pháp lý, không được đăng ký kinh doanh, đến tài khoản công ty cũng không có, chính là những biểu hiện của lừa đảo.

* Độ uy tín: Lấy ví dụ từ vụ lừa đảo của công ty Địa ốc Alibaba, đây là một doanh nghiệp còn “trẻ măng”, không có tên tuổi trên thị trường nhưng đã thực hiện những dự án lên đến vài chục nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều người tự gắn mình những danh xưng như “tỷ phú đầu tư”, cũng là một dấu hiệu không đáng tin cậy.

Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh: Lướt sóng ngắn hạn không dành cho NĐT nghiệp dư, gợi ý 4 cách nhận diện lừa đảo - Ảnh 2.

* Phương thức tạo ra tiền: Trước khi quyết đinh rót vốn, nhà đầu tư phải hiểu được cách thức vận hành và tạo ra tiền của doanh nghiệp, tổ chức ấy. Làm thế nào mà họ có thể tạo ra lợi suất đến vài chục phần trăm?

Ví dụ, ngân hàng vận hành bằng cách huy động tiền gửi của người dân rồi đem cho vay, trong khi giá cổ phiếu thì phụ thuộc vào tình hình, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các tổ chức lừa đảo thường không giải thích được cách họ tạo ra doanh thu, lợi nhuận hoặc giải thích một cách bâng quơ, thiếu logic.

* Cam kết lợi suất cao: Những ứng dụng hay mô hình cam kết mang về lợi suất vài chục đến vài trăm phần trăm là hoàn toàn sai.

Trái phiếu cũng chỉ chi trả lãi suất 8-12% là tối đa. Doanh nghiệp làm ăn tốt và có tiếng như Thế giới di động, Vinamilk,... có thể trả cổ tức 15-20% một năm nhưng họ cũng không bao giờ cam kết lợi suất với cổ đông từ trước.

Theo vị chuyên gia, cuộc đời không bao giờ cho ta bữa trưa miễn phí. Những tổ chức cam kết lãi suất cao bất thường thì khả năng cao là lừa đảo.

Startup Finhay được Nghiêm Xuân Huy sáng lập từ năm 2017. Đây là ứng dụng fintech cung cấp các sản phẩm tài chính cá nhân giúp người dùng tích lũy và đầu tư từ nguồn vốn nhỏ lẻ (từ 50.000 đồng). Startup này đã nhận được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm quỹ H2 Ventures từ Australia, quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partner, Công ty Cổ phẩn Chứng khoán Thiên Việt.

Finhay đã đạt được một số thành tựu như Top 100 Fintech Thế giới năm 2019 theo báo cáo của KPMG, Giải Nhì Fintech Summit 2019 tổ chức bởi Vietnam Silicon Valley Accelerator.

Founder Nghiêm Xuân Huy cũng là một trong 100 người Việt tại nước ngoài được chính phủ kêu gọi về đóng góp cho đất nước thông qua chương trình Innovation Network Program và có mặt trong danh sách 30 Under 30 do Forbes bình chọn năm 2020.

T.D

Cùng chuyên mục
XEM