Chuyên gia Phú Hưng: “Nhà đầu tư nên giữ chặt cổ phiếu, đừng để bị văng khỏi đà tăng thị trường khi VN-Index có thể cán mốc 1.400 điểm”
Theo ông Winston Lu, trong năm 2021, chỉ số VN-Index có thể sẽ đạt đến 1.400 điểm, tương ứng P/E 20.x. Trong vài năm tới, TTCK Việt Nam với nền tảng kinh tế vững mạnh, dòng tiền dồi dào và câu chuyện nâng hạng thị trường sẽ giúp chỉ số VN-Index tăng lên mức cao "ngoài tưởng tượng".
Tại buổi hội thảo triển vọng đầu tư năm 2021 do CTCK Phú Hưng (PHS) tổ chức, ông Winston Lu – TGĐ CTCP Quản lý quỹ Phú Hưng đã có những chia sẻ về triển vọng kinh tế và TTCK Việt Nam.
Theo đánh giá của ông Winston Lu, kinh tế Việt Nam trong năm qua đã xác nhận mô hình phục hồi chữ "V". Ngoại trừ ngành du lịch lữ hành, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 như sản xuất và bán lẻ đã nhanh chóng hồi phục trở lại.
Hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do và làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc. Ước tính thặng dư thương mại Việt Nam trong năm 2020 đạt 19,1 tỷ USD, là mức cao kỷ lục trong 5 năm gần đây.
Có thể nói, Chính phủ Việt Nam đã thành công với mục tiêu kép, vừa ngăn chặn dịch bệnh và từng bước phục hồi nền kinh tế. Về vĩ mô, lạm phát Việt Nam được kiểm soát và tỷ giá duy trì ổn định. Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, lãi suất liên ngân hàng qua đêm ở mức thấp kỷ lục, chỉ quanh 0,1%/năm. Tuy nhiên, lạm phát vẫn được kiểm soát dưới 4% và tỷ giá VND/USD chỉ tăng dưới 2% trong năm 2020.
Năm 2021, ông Winston Lu cho rằng Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt hơn các quốc gia khác. Tuy nhiên con đường hồi phục sẽ có nhiều điểm đáng chú ý. NHTW các quốc gia có thể sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ cho nền kinh tế, tuy nhiên lạm phát có thể sẽ chịu áp lực lớn hơn năm trước.
Nhà đầu tư nên giữ chặt chứng khoán, đừng để bị lung lay và văng khỏi đà tăng thị trường
Sự tăng trưởng của TTCK trong năm 2020 phần nào đã phản ánh được sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Tính từ đáy tháng 3, TTCK Việt Nam đã hồi phục khoảng 70% trong năm 2020 và nằm trong số các quốc gia hồi phục mạnh nhất Thế giới.
Bên cạnh yếu tố nội tại kinh tế vững chắc, yếu tố dòng tiền với lãi suất thấp đã hỗ trợ tích cực cho thị trường trong năm qua. Dòng tiền nội đã bù đắp hoàn toàn cho sự rút vốn của khối ngoại. Dòng tiền mạnh từ NĐT trong nước đã giúp TTCK Việt Nam hồi phục.
Theo ông Winston Lu, dù đã tăng mạnh trong năm 2020 nhưng TTCK Việt Nam vẫn có định giá hấp dẫn hơn các quốc gia trong khu vực nhờ ROE cao, nhưng P/E thấp nhất. Với triển vọng kinh tế tích cực cùng định giá hấp dẫn, Việt Nam đang trở thành "ngôi sao" trong nhóm FM, EM. Chuyên gia Phú Hưng cũng cho rằng trong năm 2021, dòng vốn NĐT nước ngoài vào TTCK Việt Nam sẽ tích cực hơn vì không có nhiều lựa chọn tốt như Việt Nam.
Năm 2021, TTCK Việt Nam cũng được hỗ trợ bởi câu chuyện nâng tỷ trọng trong các rổ chỉ số cận biên khi Kuwait lên thị trường mới nổi. Theo ước tính sẽ có hàng chục triệu USD từ khu vực cận biên tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Ông Winston Lu cho rằng cho đến khi dòng "tiền rẻ" đảo chiều thì TTCK vẫn sẽ được hỗ trợ. Năm 2021, tăng trưởng thu nhập tại các công ty niêm yết dự kiến đạt 10-15% (từ mức tăng trưởng âm 7% ước tính cho năm 2020), giúp P/E Forward duy trì ở mức hấp dẫn 13-15x.
Cũng theo ông Winston Lu, trong năm 2021, chỉ số VN-Index có thể sẽ đạt đến 1.400 điểm, tương ứng P/E 20.x. Trong vài năm tới, TTCK Việt Nam với nền tảng kinh tế vững mạnh, dòng tiền dồi dào và câu chuyện nâng hạng thị trường sẽ giúp chỉ số VN-Index tăng lên mức cao "ngoài tưởng tượng".
Dù vậy trong ngắn hạn, ông Winston Lu đánh giá VN-Index sẽ sớm đối diện ngưỡng kháng cự mạnh tại vùng 1.200 điểm, sau đó có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy trước khi chinh phục cột mốc cao hơn 1.400 điểm. Ông Winston Lu cũng cho rằng nhà đầu tư nên giữ chặt chứng khoán của mình, đừng để bị lung lay và văng khỏi đà tăng của thị trường.
Khối phân tích Phú Hưng nhận định 2 ngành nhiều tiềm năng để NĐT lưu ý trong năm 2021 là ngân hàng và BĐS. Ngành ngân hàng có triển vọng tốt nhờ vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm có thể đạt từ 13 đến 14% và hệ số NIM có thể phục hồi dựa vào các khoản vay cá nhân khi nền kinh tế hồi phục. BĐS cũng trở nên hấp dẫn hơn khi gia tăng dân số dẫn đến tăng trưởng nhu cầu nhà ở và cơ sở hạ tầng phát triển sẽ là bệ phóng tốt cho ngành.