Chuyên gia nước ngoài hiến kế giúp du lịch Việt hút khách quốc tế: Nhân viên sân bay, khách sạn cần biết mỉm cười
Vị chuyên gia cho rằng việc nhân viên đeo khẩu trang không phải điều khách du lịch muốn thấy tại khách sạn. Bởi nhiều khi tín hiệu gửi cho khách du lịch được thể hiện qua nét mặt, khẩu trang cản trở điều này.
Ngành du lịch Việt Nam đang chứng kiến sự khởi sắc sau đại dịch với số lượng khách nội địa tăng trưởng cao. Song sự phục hồi ở dòng khách quốc tế vẫn còn chậm, trong khi bộ phận này lại cấu thành một tỷ trọng doanh thu lớn của toàn ngành. Làm thế nào để thu hút khách nước ngoài đến với Việt Nam cũng là chủ đề được bàn luận trong hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức sáng 22/3.
Tại đây, ông Martin Koerner - Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn Đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã đưa ra những nhận định, góp ý thẳng thắn nhằm cải thiện trải nghiệm của khách quốc tế khi du lịch tại Việt Nam. Nổi bật là trải nghiệm xuất nhập cảnh ngay ở các sân bay.
Theo ông Martin, có rất nhiều phản hồi của khách du lịch không chỉ về các hãng lữ hành mà còn về các hàng không, thời gian chờ đợi ở sân bay quá lâu. Có những người bay từ châu Âu, từ Mỹ mất cả chục tiếng đồng hồ, họ mệt lắm rồi mà khi tới cảng hàng không, họ phải trải qua quá trình nhập cảnh kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ.
Dĩ nhiên điều này sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ khách du lịch quay trở lại. Nếu khách du lịch tới Việt Nam một lần và ngay tại điểm nhập cảnh đã mất nhiều thời gian như vậy thì trải nghiệm của họ ngay ở đó đã không được vui, không được đón chào. Về sau, khi chọn điểm đến du lịch, họ sẽ chọn nơi khác, có thể là Bali, Thái Lan, Philippines nhưng sẽ không quay lại Việt Nam nữa.
"Có lẽ cần bồi dưỡng cho các cán bộ tại sân bay biết mỉm cười. Điều này có nghĩa rằng họ gửi tín hiệu hoan nghênh khách du lịch nước ngoài tới. Ngay từ điểm đầu và điểm cuối của trải nghiệm khách du lịch đến sẽ để lại ấn tượng rất mạnh, cho họ thấy rằng "Chúng tôi sẵn sàng chào đón quý vị".", ông Martin hiến kế.
Cũng liên quan đến câu chuyện mỉm cười, vị chuyên gia cho rằng việc nhân viên đeo khẩu trang không phải điều khách du lịch muốn thấy tại khách sạn. Bởi nhiều khi tín hiệu gửi cho khách du lịch được thể hiện qua nét mặt, khẩu trang cản trở điều này. Theo ông Martin, đã đến lúc bỏ lại khẩu trang - một phần của lịch sử ở đằng sau.
Trên thực tế, nụ cười cũng đã từng là chủ đề chính trong chiến dịch quảng bá du lịch của tỉnh Quảng Ninh từ năm 2014. Chương trình “Nụ cười Hạ Long” kêu gọi mỗi người dân Quảng Ninh nở nụ cười một cách chân thành nhất, nụ cười cởi mở, nụ cười thân thiện, nụ cười mến khách, nụ cười lịch thiệp, nụ cười rạng rỡ, nhằm xây dựng thương hiệu vững mạnh cho tỉnh Quảng Ninh về một mảnh đất mến khách, thân thiện và lịch thiệp.
Với cách làm này, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng thương hiệu du lịch, thu hút sự quan tâm của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư...
Đến năm 2015, Quảng Ninh còn ban hành Bộ Quy tắc ứng xử Nụ cười Hạ Long. Với quyết định này, tỉnh là địa phương thứ 2 trong cả nước (sau TP Đà Nẵng) ban hành được một bộ quy tắc ứng xử, nhằm điều chỉnh các hành vi trong cán bộ, công chức, cộng đồng dân cư, du khách.
Hay nước láng giếng Thái Lan, nhờ sự thân thiện, nhiệt tình với du khách mà cũng được mệnh danh là "đất nước của những nụ cười".
Ngoài sự thay đổi trong trải nghiệm, ông Martin cho rằng Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với khối tư nhân, đẩy mạnh truyền thông, marketing cho ngành du lịch. Ông lấy ví dụ về một khách sạn mới tại Mũi Né, đã được Bloomberg, SCMP đưa phóng sự.
"Chúng tôi làm được điều này là vì có một đội ngũ PR chuyên nghiệp, tại Chicago, trả nhiều tiền hằng tháng để họ làm việc với truyền thông thế giới, để có thể quảng bá khách sạn này cho giới truyền thông quốc tế. Tại sao Việt Nam không thể làm được điều tương tự, với đủ ngân sách. Nếu muốn hút khách du lịch Nhật Bản thì chúng tôi sẽ thuê một đội PR của Nhật Bản, tương tự tại châu Âu, Mỹ,.... Cần phải phân bổ đủ ngân sách cho các nỗ lực PR như vậy", ông Martin nhấn mạnh.