Chuyên gia nói về việc lì xì cho trẻ dịp Tết: Mệnh giá 50 ngàn hay 500 ngàn cũng không quan trọng bằng làm được điều này

03/02/2021 21:33 PM | Sống

Lì xì bao nhiêu, mục đích thế nào đó là quyền của mỗi người. Chính những người lớn cứ chăm chăm vào mệnh giá của tờ tiền ẩn dưới hồng bao, còn tự đứa trẻ thường chẳng có một khái niệm gì cả.

Những ngày cuối năm, ai nấy đều xôn xao chuyện đổi tiền lì xì Tết. Hầu hết mọi người đều đổi vài triệu tiền mừng tuổi, có người sang hơn thì đổi đến cả chục triệu đồng. Lạ lùng thay, những năm gần đây hầu hết mọi người đều đổi tiền 100, 200 nghìn thay vì 10 nghìn, 20 nghìn như trước.

Hỏi ra mọi người ai nấy đều bảo thời nay ai còn mừng tuổi 10 nghìn, 20 nghìn đồng nữa. Mừng tuổi ít không được cảm ơn có khi lại bị con nít mắng khéo là bủn xỉn.

Ngày xưa, người lớn chỉ lì xì cho trẻ con một số tiền tượng trưng, hàm ý mừng chúng lớn thêm một tuổi, và cầu chúc chúng luôn mạnh giỏi, khoẻ khoắn. Ngày nay, nhiều người cho rằng, phong tục mừng tuổi này không những chẳng còn giữ được giá trị như xưa mà còn bị biến tướng, gây bao cảnh dở khóc dở cười cho người lì xì lẫn cha mẹ của đứa trẻ được nhận lì xì.

Chuyên gia nói về việc lì xì cho trẻ dịp Tết: Mệnh giá 50 ngàn hay 500 ngàn cũng không quan trọng bằng làm được điều này  - Ảnh 1.

Ngày xưa, người lớn lì xì cho trẻ con một số tiền tượng trưng, hàm ý mừng chúng thêm một tuổi.

Đứa bé lớn hơn, biết xài tiền hơn thì so sánh người này ít hơn người kia, năm nay ít hơn năm trước. Người lớn thì nhỏ to: Mình mừng tuổi cho con họ nhiều vậy, mà họ mừng lại cho con mình ít quá, lỗ vốn mất rồi. Một sự tị nạnh ngầm như thế làm mất đi vẻ tự nhiên của cuộc vui ngày Tết.

Đặc biệt, lì xì còn dẫn đến mức mâu thuẫn không đáng có giữa những đứa trẻ với nhau. Người lớn không giải thích, đứa nhận ít tiền hơn sẽ ngầm hiểu rằng mình không được yêu quý bằng em trai/chị gái mình hay tưởng nhầm bố mẹ phân biệt giới tính.

"Tôi thấy mệt với kiểu lì xì trao đi đổi lại. Tôi nghĩ lì xì chỉ nên 10-20 nghìn đồng cho vui vẻ, con cháu trong nhà có thể nhiều hơn. Trẻ bé thì chưa biết tiêu tiền, bố mẹ đưa con đi chơi mà mang hai đứa cũng ngại, vì ai gặp cũng phải lì xì, còn trẻ lớn hơn cầm tiền đòi tiêu lung tung, không cho cầm thì chúng dỗi.

Thà chỉ lì xì 10-20 nghìn, chỉ tốn vài trăm thôi đỡ phải nghĩ nhiều. Bản thân mình cũng đỡ phải băn khoăn khi người ta lì xì con mình 100 nghìn mà mình mừng con người ta có mỗi 50 nghìn đồng", một phụ huynh bày tỏ.

Của cho không bằng cách cho

Theo phong tục, tiền lì xì được bọc vào giấy hay vải màu đỏ tươi - màu tượng trưng cho điều tốt lành, tài lộc dồi dào. Bởi trên thực tế, bản chất lì xì là lời chúc may mắn của người lớn đến trẻ con và lời chúc sức khỏe của người trẻ đến người già. Tục lì xì nguyên thủy của nó, vì thế không coi nặng số tiền bên trong mà quan trọng nhất là ý nghĩa đi kèm.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển hòa nhập Diệp Quang - An Giang) cho rằng, việc cân nhắc số tiền bao nhiêu, mục đích thế nào đã đi xa khỏi mục tiêu ban đầu của chuyện lì xì.

Với những đứa trẻ, số tiền trong bao thư chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, chúng không để mình nhận được bao nhiêu tiền (nếu bố mẹ không gieo vào đầu trẻ khái niệm tiền nhiều – ít). Vậy nên, chính cách trao lì xì cho trẻ mới chính là "công đoạn" quan trọng nhất.

Chuyên gia nói về việc lì xì cho trẻ dịp Tết: Mệnh giá 50 ngàn hay 500 ngàn cũng không quan trọng bằng làm được điều này  - Ảnh 2.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng, việc cân nhắc số tiền bao nhiêu, mục đích thế nào đã đi xa khỏi mục tiêu ban đầu của chuyện lì xì.

"Nhiều người cho rằng lì xì nhiều có thể khiến trẻ em nhìn nhận sai về giá trị tiền bạc, lầm tưởng tiền là biểu tượng của yêu thương và sức mạnh, ai cho mình nhiều tiền thì yêu mình hơn. Tuy nhiên, bản chất tờ tiền không có lỗi, và việc lì xì 50 ngàn hay 500 ngàn là quyền của mỗi người, lỗi là ở cách cho và thái độ của người lớn. 

Của cho không bằng cách cho. Khi lì xì thì bố mẹ, người thân phải hỏi thăm, khen ngợi, động viên trẻ, sau đó mới tặng trẻ phong bao lì xì. Đứa trẻ sẽ hiểu việc lì xì là được tặng sự may mắn, an yên chứ không phải so bì "sức nặng" của hồng bao".

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, thay vì chỉ coi trọng số tiền, phụ huynh nên dạy trẻ ý nghĩa của lì xì. Ngoài ra, cũng nên tập thói quen chu đáo hơn, đừng đưa thẳng tiền mà hãy cẩn thận bỏ vào phong bì đỏ. Như thế, trẻ mới cảm nhận được sự trân trọng. Khi trẻ hỏi về mệnh giá thì có thể giải thích cho chúng nghe lì xì không quan trọng mệnh giá mà mang ý nghĩa mừng tuổi, chúc may mắn.

Chuyên gia nói về việc lì xì cho trẻ dịp Tết: Mệnh giá 50 ngàn hay 500 ngàn cũng không quan trọng bằng làm được điều này  - Ảnh 3.

Bên cạnh đó thì bố mẹ cũng nên dạy con cả cách lễ phép khi nhận lì xì. Khi các cháu được học ngay từ đầu thì về ý nghĩa của lì xì thì sẽ không có những hành động vòi vĩnh hay so sánh số tiền khiến người lớn mất mặt. Cần thường xuyên dạy cho con biết lợi ích lâu dài của việc tiết kiệm và cách tiêu tiền hợp lý, đặc biệt là thời điểm tiêu tiền, khi nào con được phép sử dụng tiền.

"Tóm lại, đã đến lúc để người lớn chúng ta nhìn nhận lại ý nghĩa thực sự của phong tục lì xì, nhìn nhận lại vấn đề thực tế mà nó đang bị biến tướng. Đã đến lúc chính người lớn chúng ta phải trả lại giá trị nhân văn của tập tục này", chuyên gia này nêu ý kiến.

Theo Hiểu Đan

Cùng chuyên mục
XEM