Chuyên gia nhân sự: Đây là 5 cách trả lời phỏng vấn để "bán mình với giá hời nhất", tôi từng thành công với mức lương 1,4 tỷ đồng
Đừng chỉ nhận mình có kĩ năng này hay kĩ năng khác. Hãy nêu các ví dụ cụ thể để gián tiếp khẳng định giá trị của bản thân
Về nhân vật tôi: Natalie Fisher đã đạt được mức lương 60.000 USD (1,4 tỷ đồng) trong một lần tìm kiếm việc làm nhờ những kỹ năng trả lời phỏng vấn xuất sắc của mình. Từng là một chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, giờ đây, cô là một huấn luyện viên nghề nghiệp, chuyên giúp đỡ những người tìm việc có thể truyền đạt giá trị của bản thân và giành được những vị trí công việc có thu nhập hàng trăm ngàn USD.
Tham gia một cuộc phỏng vấn xin việc không chỉ bao gồm việc liệt kê các kỹ năng và kinh nghiệm trực tiếp từ sơ yếu lý lịch, mà bạn phải vẽ một bức tranh về thành tích của mình thông qua các ví dụ cụ thể, chi tiết.
Để làm điều đó thành công, bạn phải biết cách giao tiếp hiệu quả. Là một huấn luyện viên nghề nghiệp đã giúp hàng trăm người có được công việc với mức lương lên đến hàng trăm nghìn USD, tôi nhận thấy rằng có một số cách diễn đạt nhất định sẽ tạo được ấn tượng với người phỏng vấn, thậm chí có thể khiến họ muốn tuyển dụng bạn ngay lập tức. Đó là 5 cách diễn đạt sau đây:
1. “Trước đây, tôi đã được chú ý vì đã giúp các nhóm làm được [điều X] nhờ vào [kỹ năng Y] mà tôi có.”
Khi sử dụng cách diễn đạt này, bạn muốn thể hiện rằng trình độ kỹ năng của bản thân rất cao, và những người làm việc cùng bạn cũng đã được hưởng lợi từ điều đó.
Ví dụ:
Đừng nói: “Tôi là một người giao tiếp xuất sắc.”
Thay vào đó nên nói: “Trước đây, tôi được chú ý vì giúp các thành viên trong nhóm giao tiếp hiệu quả hơn. Tự tôi đã cài đặt một kênh nhắn tin giữa các nhóm dịch vụ khách hàng và kỹ sư phần mềm để khắc phục sự cố trang web nhanh hơn.”
2. “Trong một buổi họp đánh giá hiệu quả làm việc, giám đốc đã nêu rằng tôi đặc biệt giỏi ở [kỹ năng X].”
Sau mỗi lần đánh giá hiệu quả làm việc, hãy ghi lại những nhận xét của cấp trên để làm cơ sở cho các cuộc phỏng vấn việc làm trong tương lai.
Ví dụ:
Đừng nói: “Tôi có kỹ năng tổ chức tốt.”
Thay vào đó nên nói: “Trong lần đánh giá hiệu quả làm việc gần đây nhất, giám đốc đã thể hiện sự ấn tượng về khả năng của tôi trong việc hoàn thành một số dự án và thời hạn của nhóm. Và nhiều lãnh đạo cấp trên đã ủng hộ việc thăng chức cho tôi nhờ quy trình quản lý sản phẩm mà tôi đã triển khai.”
3. “Các đồng nghiệp sẽ luôn nhận xét về khả năng làm [điều X] của tôi, nhờ vào [kỹ năng Y] mà tôi có.”
Cách diễn đạt này sẽ chứng tỏ rằng bạn rất thành thạo một khía cạnh nào đó, nó đã trở thành một cảm nhận chung mà người khác luôn nghĩ về bạn.
Ví dụ:
Đừng nói: "Tôi vững vàng kể cả trong cơn khủng hoảng."
Thay vào đó nên nói: "Các đồng nghiệp sẽ luôn đánh giá cao khả năng xây dựng một kế hoạch đối phó với khủng hoảng hiệu quả của tôi, vì tôi luôn biết cách giữ bình tĩnh và tập trung. Có lần, khách hàng của đồng nghiệp tôi phàn nàn về sự cố trang web. Người đó thậm chí đe dọa sẽ hủy tài khoản nếu vấn đề không được giải quyết càng sớm càng tốt. Người đồng nghiệp gọi cho tôi ngay lập tức, và chúng tôi đã cùng tìm ra được một kế hoạch giúp xóa tan những lo lắng của khách hàng kia"
4. "Tôi được biết đến với việc cải thiện văn hóa làm việc nhóm, nhờ vào [kỹ năng X] của tôi.
Các nhà tuyển dụng muốn có những ứng viên mà họ biết sẽ có tác động tích cực đến văn hóa công ty. Đó là lí do cách diễn đạt này sẽ phát huy hiệu quả trong buổi phỏng vấn.
Ví dụ:
Đừng nói: "Mọi người cảm thấy thoải mái khi bên cạnh tôi."
Thay vào đó nên nói: "Tôi nổi tiếng là một trưởng nhóm tuyệt vời nhờ vào kỹ năng cộng tác của mình. Tôi đã tổ chức một buổi ăn trưa kết hợp học hỏi cho nhóm dịch vụ khách hàng để tìm hiểu thêm về trang web của chúng tôi từ các nhà phát triển phần mềm. Sự kiện đó thành công đến nỗi nhóm thiết kế của chúng tôi cũng đã yêu cầu được tham gia vào buổi tiếp theo."
5. "Tôi có một vài người bạn thân đã cùng sát cánh suốt cuộc đời."
Cách nói này đặc biệt hữu ích đối với vị trí công việc có liên quan nhiều đến các mối quan hệ. Hãy đưa ra các ví dụ cụ thể để cho thấy kỹ năng kết nối của bạn đã phát huy vai trò hiệu quả trong các mối quan hệ (trong cả cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp) của bạn như thế nào.
Ví dụ:
Đừng nói: "Tôi có kỹ năng kết nối mọi người tuyệt vời."
Thay vào đó nên nói: "Tôi có những người bạn thân đã luôn ở bên tôi trong suốt cuộc đời. Tôi luôn cố gắng để đảm bảo rằng họ cảm thấy được trân trọng và được nhìn nhận. Tôi cũng sử dụng các kỹ năng tương tự để tạo mối quan hệ chân chính và lâu dài với khách hàng. Nhiều người trong số họ thậm chí vẫn giữ liên lạc với tôi sau khi tôi đã chuyển công ty.