Chuyên gia ngoại: Thương vụ sáp nhập Vingroup - Masan khẳng định thị trường M&A tại Việt Nam đang dần trưởng thành hơn
Theo ông Ben Gray, Giám đốc Thị trường Vốn tại Cushman & Wakefield, thương vụ sáp nhập giữa 2 ông lớn Vingroup với Masan Consumer Holdings là một bước tiến chiến lược và mạnh mẽ để đi trước đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng. Thỏa thuận này nhấn mạnh thị trường Việt Nam đang mở rộng nhanh chóng và M&A đang dần trưởng thành hơn.
Mục tiêu của việc sáp nhận này là thành lập một tập đoàn bán lẻ lớn nhất Việt Nam.
Giám đốc Thị trường Vốn tại Cushman & Wakefield cho rằng: “Mảng bán lẻ và nông nghiệp của Vingroup có quy mô và phạm vi tiếp cận rất lớn trên thị trường: gồm 2.600 siêu thị và cửa hàng Vinmart & Vinmart + tại 50 tỉnh thành, và hệ thống 14 nông trường công nghệ cao. Điều này mang lại cho Tập đoàn Masan một hệ sinh thái hàng tiêu dùng nhanh, tiềm năng khách hàng tiếp cận các sản phầm của họ lớn hơn, tối đa hóa lợi ích từ việc đầu tư của Vingroup vào lĩnh vực bán lẻ”.
Ông Ben Gray chia sẻ: “Đây là một ví dụ tuyệt vời về sự hợp nhất chiến lược giữa hai gã khổng lồ tại thị trường Việt Nam. Cả hai đã có một tầm nhìn rõ ràng và chiến lược mạnh mẽ để đi trước đón đầu những thay đổi trong cách người tiêu dùng đang trưởng thành hơn, đang tìm kiếm sự tiện lợi và chất lượng cao hơn trên thị trường, và tìm kiếm những sản phẩm với thương hiệu mà họ yêu thích”.
Thỏa thuận này được xem là một cột mốc quan trọng khác trong lĩnh vực M&A tại thị trường Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Đây cũng là một phần trong xu hướng đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế của Việt Nam: Tập đoàn SK của Hàn Quốc sở hữu 9.5% cổ phần của Masan và 6,1% cổ phần của Vingroup, tương đương khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD vào năm 2019.
Vị giám đốc này cũng cho biết, năm 2018 chứng kiến dòng vốn hơn 35,4 tỷ USD vào Việt Nam, quý 1 năm 2019 cho thấy mức tăng đáng kể gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Thị trường hàng tiêu dùng nhanh và bất động sản đã chứng kiến những thương vụ M&A thành công nhất, chiếm phần lớn trong 49 tỷ USD tổng giao dịch trong vòng 10 năm qua. Trong khi đó, thị trường thực phẩm và đồ uống đã và đang trở thành lĩnh vực mục tiêu đối với nhiều nhà đầu tư nhờ sự tăng trưởng và bùng nổ GDP ổn định cùng với tầng lớp trung lưu trẻ của Việt Nam.
“Thị trường đang dần quen thuộc hơn với xu hướng chuyển nhượng cổ phần và mua tách công ty ra (carve-outs and spin-outs) điều này có thể ngày càng được áp dụng bởi các tập đoàn lớn trong nước hoạt động đa ngành nghề tập trung vào mảng kinh doanh chính và đang bán các nhánh lợi nhuận cho khách hàng mục tiêu”, đại diện Cushman & Wakefield nhấn mạnh.