Chuyên gia kinh tế trưởng World Bank: Bẫy thu nhập trung bình không phải là định mệnh của Việt Nam!

08/06/2019 08:28 AM | Kinh tế vĩ mô

Việt Nam có tiềm năng để thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam nói tại Toạ đàm "Hướng tới tăng trưởng chất lượng cao giai đoạn 2021 – 2030: Định hướng ưu tiên chính sách".

Những ngã rẽ của Việt Nam

"Khi hướng đến những thập kỷ sắp tới, tôi nhìn thấy nhiều cơ hội và cả những rủi ro cho Việt Nam", ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia World Bank Việt Nam nói và nhấn mạnh nền kinh tế 94 triệu dân có thể bị tụt lại phía sau nếu không nắm bắt được thời cơ.

Theo ông, châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng và dự kiến sẽ trở thành trung tâm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới. Các thị trường tiêu dùng châu Á đang trỗi dậy mang đến những cơ hội lớn cho Việt Nam.

Đồng thời, việc áp dụng ngày càng nhiều các công nghệ tiên tiến trong sản xuất - như robot, in 3D, sản xuất thông minh - tại các nền kinh tế khan hiếm lao động và ở Trung Quốc có thể thách thức khả năng Việt Nam tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu.

"Nhưng điều này cũng có thể tạo ra những cơ hội mới để bắt kịp công nghệ nhanh hơn và thậm chí nhảy vọt", ông nói.

Ở trong nước, Việt Nam sẽ phải đối mặt với dân số già hóa nhanh chóng, tăng năng suất chậm lại và tăng trưởng đầu tư thấp, ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam. Điều này dẫn đến nhiều động lực thúc đẩy sự tăng trưởng trước đây sẽ giảm dần trong thập kỷ tới…

Ông Ousmane Dione cho rằng những quyết sách mà Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị là cơ hội vàng vì nó sẽ định hình lộ trình cho phát triển đất nước trong thập kỷ tới.

"Chúng ta không thể bỏ lỡ những cơ hội này. Thập kỷ này là thời điểm quan trọng đối với Việt Nam khi phải đương đầu với những thách thức mới và tìm con đường hiện thực hoá tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045", ông nói.

3 khuyến nghị của World Bank

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank cho biết Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách với các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, ông nhấn mạnh "cần cố gắng thêm".

Bởi lẽ, các nước thu nhập trung bình đang phải đối mặt với các thách thức mới. Đó là tầm quan trọng của chuyển đổi cơ cấu giảm, chi phí lương tăng nhanh hơn mức tăng năng suất dẫn đến giảm tính cạnh tranh các ngành thâm dụng lao động...

Tuy nhiên, đại diện World Bank nhấn mạnh: "Bẫy thu nhập trung bình không phải là định mệnh".

Dù vậy, Việt Nam phải hành động rất nhanh bởi thời gian dân số vàng của nền kinh tế này chỉ còn khoảng 22 năm, theo ông Sebastian Eckardt. Ông nhấn mạnh: "Bây giờ hoặc không bao giờ!".

Mặt khác, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, theo World Bank đang thấp hơn các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Và mức này sẽ giảm dần nếu không có cải cách sâu rộng.

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra các vấn đề mà nền kinh tế này đang gặp phải như thiếu vốn, năng suất tổng thể tăng chậm...

Để thúc đẩy đầu tư và đẩy mạnh tăng trưởng, ông Sebastian Eckardt đưa ra 3 khuyến nghị cho Việt Nam.

Thứ nhất là nâng cao hiệu quả trung gian tài chính. Cụ thể, Việt Nam cần nâng cao chất lượng và sự ổn định, giảm tính tổn thương của khu vực ngân hàng để bảo vệ khu vực kinh tế thực thông qua cải thiện khung pháp lý, khả năng giám sát, xử lý nợ...

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phát triển chiều sâu thị trường vốn để tạo thêm nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp.

Thứ hai là giải quyết các cản trở đối với khu vực sản xuất. Theo đó ông cho rằng cần phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cải cách DNNN thông qua cổ phần hoá, cạnh tranh công bằng. Việt Nam cũng cần cải cách môi trường kinh doanh thế hệ 2 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh và tăng trưởng. Ngoài ra càn thực thi các thị trường cạnh tranh và hoàn thiện thị trường đất đai.

Thứ ba là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Đại diện World Bank đặc biệt lưu ý đến việc thực thi hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bởi điều này, như Tổng thống Mỹ Abraham Loncoln nhận định là "dầu tiếp vào ngọn lửa ham muốn của tài năng".

Một số vấn đề khác cũng cần được giải quyết như khung pháp quy, chính sách về cạnh tranh, hệ sinh thái khuyến khích khởi nghiệp...

Theo N.Dương

Cùng chuyên mục
XEM