Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới chỉ ra nhân tố phi y tế giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng!

30/12/2020 08:24 AM | Xã hội

"Tính chất của nền kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng, và trong trường hợp này, Việt Nam là nền kinh tế có khả năng chống chịu cao", bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét.

Chuyên gia kinh tế cao cấp WB, bà Dorsati Madani chỉ mới từ Washington đến Việt Nam làm việc vào ngày 1/11/2020. Trong buổi trò chuyện với Trí Thức Trẻ, bà Dorsati chia sẻ: "Đáng lẽ ra tôi bắt đầu làm việc tại Việt Nam từ tháng 7, tuy nhiên do dịch bệnh, mãi đến tháng 11 tôi mới có cơ hội sang Việt Nam".

 Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới chỉ ra nhân tố phi y tế giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng!  - Ảnh 1.

Báo cáo vừa qua của WB nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà phục hồi vững chắc và trên diện rộng vào năm 2020. Bà có thể đưa ra 3 điểm nhấn là cơ sở cho kết luận trên?

Điểm nhấn đầu tiên mà tôi cho rằng quan trọng nhất trong năm 2020 đó là Chính phủ đã kiểm soát dịch bệnh Covid-19 rất thành công. Ngay thời điểm này, khi đại dịch vẫn tiếp tục lây lan và chưa có dấu hiệu dừng lại trên toàn cầu thì Việt Nam đã đạt được kết quả hoàn toàn trái ngược với những diễn biến đó.

Điều này nhờ những quyết sách nhanh chóng và mạnh dạn của Chính phủ ngay từ khi đại dịch bùng phát vào cuối tháng 1, kết hợp với những biện pháp khoanh vùng và xét nghiệm hiệu quả. Đây là những yếu tố tiên quyết để nền kinh tế có thể phục hồi trở lại mạnh mẽ.

Điểm thứ hai đó là sự phục hồi nhanh chóng của khu vực kinh tế trong nước. Cụ thể, ngay sau đợt cách ly toàn quốc vào tháng 4, khu vực kinh tế này đã nhanh chóng bật dậy sau khi các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng trong những tháng tiếp theo. Tôi cho rằng phản ứng của khu vực kinh tế trong nước hết sức ấn tượng.

Và cuối cùng chính là kết quả xuất sắc về xuất khẩu. Trong bối cảnh dòng lưu chuyển thương mại toàn cầu suy giảm mạnh, Việt Nam lại vẫn có thể tăng thị phần thương mại toàn cầu đã khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế về xuất khẩu.

 Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới chỉ ra nhân tố phi y tế giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng!  - Ảnh 2.

Theo bà, đâu là nguyên nhân then chốt tạo nên kết quả tăng trưởng dương của Việt Nam năm 2020? Là do phòng dịch Covid-19 tốt hay đến từ nhân tố phi y tế nào nào khác?

Tôi cho rằng để đạt được những kết quả này là do cả hai yếu tố. Không thể phủ nhận rằng việc kiểm soát tốt khủng hoảng y tế của Việt Nam đã góp phần tạo nên những thành tựu của ngày hôm nay. Nhưng đồng thời, tôi cũng cho rằng bản thân nền kinh tế Việt Nam đã có khả năng chống chịu cao, có thể thấy rõ qua diễn biến các hoạt động kinh tế trong nước như tôi vừa đề cập.

Sau 3 tuần cách ly toàn quốc hồi tháng 4, hầu hết các hoạt động công nghiệp và dịch vụ đã được khôi phục. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng. Vì vậy, tôi tin rằng tính chất của nền kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng, và trong trường hợp này, Việt Nam là nền kinh tế có khả năng chống chịu cao.

Năm 2020, Việt Nam ký RCEP và EVFTA có hiệu lực. Theo bà, làm thế nào để có thể biến những hiệp định này thành động lực mang lại tối đa hiệu quả phát triển cho nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam cũng đã ký và thực thi rất nhiều FTA trước đó?

Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn luôn hội nhập vào nền kinh tế thế giới, cũng như đẩy mạnh phát triển kinh thế thông qua các hiệp định thương mại khu vực và toàn cầu.

Đáng chú ý, trong năm nay, Việt Nam ghi nhận hai hiệp định lớn đó là EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU) và RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực). Đây tiếp tục là tín hiệu cho thấy Việt Nam cam kết mạnh mẽ với toàn cầu và khu vực, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy trên toàn cầu.

Đồng thời, đối với hai hiệp định thương mại tự do này, Việt Nam sẽ đạt được những lợi thế nhất định.

Đầu tiên đó là đây đều là các hiệp định thương mại có phạm vi bao phủ lớn, nhờ đó Việt Nam sẽ tiếp cận với nhiều thị trường, nhiều nguồn cung hơn, với giá rẻ hơn. Tiếp theo, Việt Nam có tiềm năng đạt được thị trường xuất khẩu đa dạng hơn. Như vậy, nền kinh tế cũng tăng khả năng phục hồi bằng việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Cuối cùng, bên cạnh các lợi ích rõ rệt, các hiệp định này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác hay đối thủ, nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp.

 Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới chỉ ra nhân tố phi y tế giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng!  - Ảnh 3.

Bà nhận xét gì về dòng chảy vốn FDI vào Việt Nam trong năm vừa rồi. Liệu xu hướng này sẽ thay đổi ra sao trong năm 2021?

Dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam mạnh mẽ, đặc biệt trong thời gian khủng hoảng vừa qua. Tôi nhớ không nhầm thì trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được gần 24 tỷ USD vốn FDI và đây là một con số hết sức ấn tượng. Bởi theo như số liệu của tổ chức Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), ước tính dòng vốn FDI vào khu vực Đông Á sẽ giảm từ 30-45% trong năm nay.

Tôi cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm tới, và không có lý do gì để dự báo xu hướng này sẽ thay đổi.

Việt Nam đã tạo dấu ấn trong việc thu hút vốn FDI là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam, đồng thời củng cố tài khoản vốn. Năng suất lao động, môi trường kinh doanh cũng là những yếu tố thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Thực tế, thời gian vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp thành lập cơ sở, tạo liên kết trên thị trường bởi họ nhìn thấy cơ hội trên thị trường phù hợp cho sản phẩm của mình.

 Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới chỉ ra nhân tố phi y tế giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng!  - Ảnh 4.

Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có vai trò rất lớn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong xuất khẩu. Theo bà, với định hướng vươn lên trở thành một nước công nghiệp hiện đại thì việc dựa nhiều vào doanh nghiệp FDI có khiến mục tiêu này khó thực hiện hay không?

Nhìn chung, doanh nghiệp FDI xuất khẩu cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong nước, khoảng gấp đôi. Tuy nhiên, trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã năng động hơn, từ đó cho thấy khả năng chống chịu tốt hơn đối với các cú sốc trên thị trường.

Điều này chủ yếu do kết nối cung ứng nội địa của các danh nghiệp trong nước tốt hơn, giúp họ linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm nguồn đầu vào thị trường nội địa. Ngược lại, các doanh nghiệp FDI phải dựa nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tác hoặc nhà cung cấp của các doanh nghiệp FDI. Điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước hiểu rõ phương thức vận hành của các doanh nghiệp đa quốc gia. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội phát triển thành những nhà sản xuất độc lập lớn trong tương lai.

Điểm sáng trong xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước cũng như cơ hội từ làn sóng FDI sẽ là cơ sở thúc đẩy Việt Nam đạt được những mục tiêu trên.

Tuy nhiên, để đạt được những điều này, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải liên tục học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đa quốc gia, tăng năng suất để cạnh tranh với các nhà cung cấp Trung Quốc hoặc từ các quốc gia khác.

Bên cạnh xuất khẩu, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam còn có một thị trường nội địa rất rộng lớn, hơn 95 triệu người, với tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển. Như vậy, cơ hội ở hiện tại là rất nhiều.

 Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới chỉ ra nhân tố phi y tế giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng!  - Ảnh 5.

Chuyển đổi số là một cơ hội lớn của Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định như vậy khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Theo bà, cơ hội mà chuyển đổi số đem lại cho Việt Nam năm 2021 là gì?

Đại dịch Covid-19 là chất xúc tác đẩy nhanh tiến trình phát triển số của Việt Nam, với trên một nửa số doanh nghiệp trong nước cho biết đã sử dụng các công cụ và nền tảng số nhiều hơn.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp trong nước đã đẩy mạnh phát triển công nghệ số khi khách hàng của họ chuyển từ bán lẻ trực tiếp sang thương mại điện tử. Ngoài ra, số lượng dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ trên Cổng thông tin Quốc gia cũng tăng đến 11 lần trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 11.

Trong tương lai, chuyển đổi số là mục tiêu quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Khi có nhiều điều kiện hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển tập trung vào chuyển đổi số, trở thành các doanh nghiệp phát triển về cung cấp dịch vụ điện tử, dịch vụ không tiếp xúc, giao hàng không tiếp xúc…

Tiềm năng của thị trường hiện nay là rất lớn. Vì vậy đây chắc chắn là thị trường cần được khám phá. Tôi tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang hướng tới xu hướng này, bởi đây là một việc tốt để thực hiện.

 Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới chỉ ra nhân tố phi y tế giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng!  - Ảnh 6.

Bà có nhận xét gì về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2021?

Trong năm 2021, tôi tin rằng triển vọng kinh tế Việt Nam tương đối khả quan. Song, triển vọng này còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố bất định trong bối cảnh toàn cầu hiện nay. Theo đó, chúng tôi cũng đã đưa ra hai kịch bản của nền kinh tế.

Trong kịch bản cơ sở, GDP 2021 của Việt Nam sẽ đạt 6,8%, sau đó ổn định ở mức 6,5% vào năm 2022 với điều kiện tình hình trong nước và quốc tế thuận lợi. Các lĩnh vực tiếp tục phục hồi nhờ sức cầu tăng lên ở tầng lớp trung lưu trong nước. Các biện pháp cấm du khách quốc tế sẽ được gỡ bỏ, ngành du lịch cũng sẽ dần phục hồi.

Chính sách tiền tệ và tài khoá nới lỏng sẽ chấm dứt từ giữa năm 2021. Lạm phát sẽ được duy trì dưới chỉ tiêu 4%.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể chắc chắn về quy mô và thời gian hoành hành của dịch bệnh, cũng như những tác động lên nền kinh tế. Do vậy, trong kịch bản xấu hơn, Việt Nam phải hứng chịu làn sóng dịch bệnh mới, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ ở mức thấp hơn. Việc đưa nền kinh tế quay trở lại giai đoạn trước Covid-19 cũng diễn ra chậm hơn dự kiến.

Nhìn chung, nếu không gặp phải cú sốc nào nữa và vaccine được phổ biến rộng rãi, tôi tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Quỳnh Lê

Cùng chuyên mục
XEM