Chuyên gia khuyến nghị giải pháp khắc phục ‘nghẽn mạng’ khi học trực tuyến
Phó tổng giám đốc VNPT VinaPhone Nguyễn Trọng Nghĩa đưa ra giải pháp khắc phục những bất cập trong những ngày học đầu tiên học trực tuyến như nghẽn mạng, học sinh khó truy cập phần mềm, hoặc đang học thì bị văng ra khỏi lớp học…
Nhiều người cho rằng, xảy ra tình trạng nghẽn mạng, khó truy cập hoặc học sinh đang học bị văng ra khỏi lớp học là do đường truyền Internet. Là một nhà cung cấp cả ứng dụng học trực tuyến (phần mềm VNPT - Elearning) và cung cấp dịch vụ Intenret, ông đánh giá như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Theo một số thống kê, trong đợt dịch vừa rồi người dùng Việt Nam dùng rất nhiều phần mềm nước ngoài. Các phần mềm nước ngoài có yếu tố trải nghiệm người dùng tốt, tuy nhiên đa phần các phần mềm này có máy chủ đặt ở nước ngoài và bị ảnh hưởng rất nhiều yếu tố về đường truyền, phạm vi địa lý nên không đáp ứng được yêu cầu của việc học trực tuyến.
Đặc biệt, khi phần mềm đó kinh doanh trên nền tảng cloud với mục đích chính là hội thảo trực tuyến (video conference). Trong khi nhu cầu của các cơ sở giáo dục là tổ chức các hoạt động quản lý, dạy, học và kiểm tra, đánh giá trực tuyến nên xảy ra nhiều bất cập trong việc sử dụng.
Thêm nữa, người dùng Việt Nam, đặc biệt là trẻ em trong quá trình học, sử dụng những tính năng của phần mềm không thành thạo, ra vào liên tục, cũng là một trong những lý do tạo ra chất lượng không ổn định.
Một phần mềm giáo dục phải đáp ứng được yêu cầu của 5 đối tượng: các nhà quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh thì mới phù hợp trong việc tổ chức các lớp học online.
Chẳng hạn phần mềm VNPT E-Learning của VNPT không những đáp ứng được những yêu cầu quản lý, giám sát của các cơ sở giáo dục mà còn cung cấp cho giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh những tính năng hỗ trợ để đảm bảo việc giảng dạy và học tập được diễn ra một cách chất lượng nhất.
Phần mềm VNPT E-Learning mô phỏng đúng quy trình lớp học bình thường và đảm bảo thời gian giãn cách nhưng học sinh vẫn học có kiến thức, đảm bảo đúng nội dung chương trình, thời khóa biểu, lịch học, thi cử… Ý nghĩa của việc học online phải là như thế.
Hiện những bất cập của việc học trực tuyến như kể trên khiến nhiều phụ huynh học sinh vẫn lo lắng và vẫn chưa được khắc phục triệt để, vậy theo ông đâu là giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này?
Có hai giải pháp. Thứ nhất, để sử dụng các phần mềm giáo dục trực tuyến đầu tiên các trường, các sở giáo dục phải là những đơn vị đưa ra những tiêu chí đánh giá và lựa chọn các phần mềm sẽ sử dụng trong trường mình, trong sở giáo dục của mình để làm sao đáp ứng được nhu cầu, mục tiêu giáo dục của trường, của sở.
Thứ hai trước khi áp dụng vào cũng phải bước hướng dẫn sử dụng và khuyến nghị cho người sử dụng. Người sử dụng có 2 đối tượng, giáo viên thì phải được đào tạo vì quản lý một lớp học online khác với một lớp học tại trường offline. Còn người học, có 2 đối tượng là những học sinh nhỏ, quen tự do và ngồi một mình thì phải có bố mẹ bên cạnh để dạy, và bản thân bố mẹ cũng phải huấn luyện cho con cái sử dụng thành thạo phần mềm.
Đặc biệt, phần mềm giáo dục chạy trên nền tảng Internet và có thể có xung đột, những lỗi xung đột mà trẻ con không thể nhận ra được nên việc hỗ trợ người dùng từ các đơn vị cung cấp dịch vụ là rất quan trọng.
VNPT có lực lượng hỗ trợ trên khắp 63 tỉnh thành phố. Bất kỳ trường nào, thày cô giáo nào gặp vấn đề đều có thể liên hệ với VNPT để làm rõ khúc mắc về sử dụng, cấu hình.
Không còn chuyện học sinh không được tới lớp
Thủ tướng mới đây có chỉ đạo về xây dựng và triển khai Chương trình "sóng và máy tính cho em", trong đó yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo chỉ đạo "các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ các nhà trường, học sinh, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng". Là một đơn vị "sắm nhiều vai" như trên, phát động trên của Thủ tướng có ý nghĩa như thế nào với VNPT, đặc biệt là trong việc triển khai học trực tuyến hiện nay?
Ngay từ khi phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em", VNPT đã tổ chức hàng loạt các chương trình hành động để đồng hành cùng Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ giáo dục và đào tạo như: Tài trợ 37.000 máy tính bảng cho các em học sinh không có thiết bị sử dụng, Miễn phí data di động cho các em học sinh khi sử dụng các nền tảng học tập trực tuyến, Cung cấp miễn phí giải pháp VNPT E-Learning cho các cơ sở giáo dục trong khu vực bị giãn cách theo chỉ thị 16.
Ngoài ra, VNPT cũng đang kết hợp với một số trường đại học như Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức Kênh hỗ trợ giáo dục tiểu học để giúp đỡ giáo viên, phụ huynh, học sinh khi còn bỡ ngỡ tham gia vào các chương trình học tập trực tuyến. Đây là kênh hỗ trợ có sự tham gia của các chuyên gia giáo dục đầu ngành để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của các lớp học trực tuyến.