Chuyên gia HSBC: Cùng với Ấn Độ, Việt Nam đang củng cố vị thế là nguồn lực sản xuất bổ sung thay Trung Quốc
Mexico, Việt Nam và Ấn Độ đang củng cố vị thế như những nguồn lực sản xuất bổ sung thay thế cho Trung Quốc, đặc biệt là sản xuất hàng hóa. Họ đang chứng kiến nhiều công ty chuyển phân khúc chuỗi cung ứng sang thị trường của mình, theo chuyên gia từ HSBC.
“Các thị trường mới nổi có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và theo đuổi chiến lược không liên kết sẽ được hưởng lợi khi thương mại gia tăng trong bối cảnh đa cực”, ông Surajit Rakshit - Giám đốc Toàn quốc Khối Giải pháp Thương mại Toàn cầu của HSBC Việt Nam – cho biết.
Theo ông Rakshit, những thị trường mới nổi như Mexico, Việt Nam và Ấn Độ đang củng cố vị thế như những nguồn lực sản xuất bổ sung thay thế cho Trung Quốc, đặc biệt là sản xuất hàng hóa. Các quốc gia này đang chứng kiến nhiều công ty chuyển phân khúc chuỗi cung ứng sang thị trường của mình.
Ở Trung Đông, những quốc gia như UAE và Saudi Arabia đang tận dụng vị thế chính trị đứng giữa tương đối trung lập và vị trí địa lý trung tâm cũng như vai trò xúc tiến thương mại giữa hành lang Đông – Tây và khu vực Nam Bán cầu.
Ông Rakshit nhận định ba xu hướng mới đang xuất hiện và được kỳ vọng sẽ tái định hình thương mại trong những năm tới. Một trong số đó là “Khu vực hóa”.
“Đại dịch COVID-19 đã thay đổi thế giới này theo nhiều hướng, một trong số đó chính là sự đảo ngược xu hướng toàn cầu hóa vốn đã diễn ra hàng thập kỷ qua”, Giám đốc Toàn quốc Khối Giải pháp Thương mại Toàn cầu của HSBC Việt Nam cho biết.
Ông Rakshit nhìn nhận trong bối cảnh toàn cầu hóa giảm bớt, xu hướng khu vực hóa đang trở nên phổ biến do các yếu tố địa chính trị chia cắt thế giới thành những khối thương mại dọc hành lang Tây-Đông và Bắc-Nam. Kỷ nguyên đa phương mới này sẽ chứng kiến sự xuất hiện của nhiều khối và hành lang thương mại khắp châu Á lẫn Bắc Mỹ.
Chuyên gia từ HSBC Việt Nam cho rằng trong vài năm tới, xu hướng friendshoring sẽ gia tăng. Theo đó, các mạng lưới chuỗi cung ứng sẽ tập trung ở các quốc gia được coi là đồng minh về chính trị và kinh tế.
Xu hướng thương mại thứ hai là tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Ông Rakshit cho rằng hệ quả của xu hướng khu vực hóa chính là các tập đoàn coi trọng sự ổn định hơn tiết kiệm chi phí và hiệu suất của chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp sẽ giảm bớt rủi ro cho mạng lưới logistics bằng cách chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột, bảo hộ thương mại và biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, những diễn biến leo thang tiềm ẩn trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo theo sự sụt giảm trong thương mại toàn cầu. Nhiều thị trường mới nổi đã lấp đầy khoảng trống này như một nguồn lực sản xuất hàng hóa bổ sung.
Những quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc và Mexico nổi lên như những nơi được hưởng lợi chính trong xu hướng dịch chuyển trọng tâm thay thế cho xuất khẩu từ Trung Quốc.
Xu hướng thương mại thứ ba là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) . AI nắm giữ sức mạnh chuyển đổi có thể ảnh hưởng đến đối tượng, phương thức và giá cả của thương mại.
Bình minh của kỷ nguyên AI báo trước một tương lai trong đó thương mại được thúc đẩy bởi số hóa, được tiếp thêm sức mạnh nhờ những tiến bộ trong công nghệ chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (big data) và sản xuất bồi đắp (công nghệ in 3D) diễn ra trên nhiều lĩnh vực.
Trong quá trình biến đổi và tiến hóa, bối cảnh chuỗi cung ứng châu Á xuất hiện những điểm đến mới. Các nước trước đây đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng của khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chứng kiến sự tham gia của nhiều gương mặt mới. Chẳng hạn như Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử.
Nhiều công ty như Samsung và Intel đã đầu tư mạnh vào Việt Nam bởi chi phí nhân công cạnh tranh và môi trường chính trị tương đối ổn định ở đây. Theo HSBC, chỉ riêng Samsung đã chiếm gần 20% tổng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023, đưa quốc gia này trở thành một giao điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu.
“Trong vài năm tới, thương mại ít khả năng suy giảm, thay vào chúng ta sẽ chứng kiến một sự chuyển dịch về vị trí diễn ra hoạt động giao thương. Sự điều chỉnh này trong các chuỗi cung ứng toàn cầu thúc đẩy bởi các yếu tố chính trị và kinh tế mở ra nhiều cơ hội cho các tập đoàn đa quốc gia củng cố, tối ưu hóa mạng lưới logistics của mình”.
“Đồng thời, một tiềm năng lớn cũng mở ra cho Việt Nam”, ông Rakshit nói.
Theo dự báo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại sẽ phục hồi khiêm tốn với mức tăng trưởng 2,6% trong năm 2024 và 3,3% trong năm 2025, sau khi sụt giảm 1,2% trong năm 2023.