Chuyên gia giải mã "bí ẩn tự diệt" của COVID ở Nhật Bản, Châu Phi và hy vọng cho Việt Nam

24/11/2021 08:04 AM | Xã hội

Virus không tự nhiên yếu và mất đi. Ở bất cứ giai đoạn biến thể nào, nếu "thả lỏng" các biện pháp phòng chống dịch sẽ dẫn tới việc xuất hiện các biến thể kế tiếp mạnh hơn.

Những ngày gần đây, trong khi dịch bệnh COVID-19 ở châu Âu bùng phát mạnh thì ở Nhật Bản và Châu Phi số ca nhiễm mới thấp một cách bất ngờ. Để lý giải cho hiện tượng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y học Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM.

Virus không tự nhiên yếu và mất đi

PV: Thưa ông, tại Nhật Bản số ca mắc mới COVID-19 hiện tại đã giảm ở mức "đáng mơ ước" với chỉ hơn 100 ca mỗi ngày. Ông đánh giá như thế nào về khả năng biến chủng Delta đã bị tiêu diệt ở đất nước này?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Tôi chỉ đọc báo quốc tế, số liệu gốc mình chưa biết được. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Tại Nhật, tỷ lệ dân số đã bị nhiễm bệnh lớn, cộng với phần trăm dân số đã được tiêm vaccine COVID-19 ở mức rất cao nên có miễn dịch chống lại chủng Delta và "tạo sức ép có chọn lọc" cho chủng virus này khiến chúng khó có thể tồn tại trong quần thể người Nhật và phải tăng cường đột biến. Tuy nhiên, khi đột biến chúng bị lỗi nhân bản, dẫn tới những chủng mới yếu hơn.

Các nhà khoa học đã tìm ra quá nhiều đột biến trên "protein sửa chữa" của nó gọi là nsp14. Kết quả là virus không kịp "vá lỗi" trong quá trình phân chia trong cơ thể người bệnh và dẫn đến "tự tiêu diệt".

Virus không tự nhiên yếu và mất đi. Kể từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện, bắt đầu với chủng nguyên bản ở Vũ Hán rồi đến các biến thể Alpha tại Anh, Beta tại Nam Phi và Delta tại Ấn Độ, ở bất cứ giai đoạn biến thể nào, nếu chúng ta "thả lỏng" các biện pháp phòng và chống dịch thì sẽ dẫn tới việc xuất hiện các biến thể kế tiếp mạnh hơn.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, đất nước Nhật Bản đã nỗ lực chống dịch rất tốt và đạt các kết quả đáng tự hào với chủ trương không kiểm soát chặt chẽ mà kêu gọi ý thức phòng dịch từ chính người dân. Có những ngày, số ca mắc mới cao ở mức kỷ lục, lên tới 20.000 ca nhưng với tỷ lệ dân số đã được tiêm chủng cao, hệ miễn dịch tự nhiên đã tạo "sức ép" cho biến chủng Delta.

 Chuyên gia giải mã bí ẩn tự diệt của COVID ở Nhật Bản, Châu Phi và hy vọng cho Việt Nam - Ảnh 1.

Biến thể Delta ở Nhật Bản đã bị yếu đi

PV: Có người lo ngại và cho rằng không nên quá vội vui mừng vì có thể virus đang "ẩn" và chuẩn bị biến đổi thành một chủng khác kháng vaccine hiện tại. Điều này có khả năng xảy ra không?

PGS Đỗ Văn Dũng: Đây là điều hoàn toàn không có khả năng xảy ra. Ở những người chưa được tiêm chủng, virus sẽ càng nhân bản nhanh, xuất hiện các đột biến lạ. Khi biến chủng này ra đời mà không có miễn dịch chống lại nó thì khả năng nhân bản chắc chắn sẽ xảy ra. Còn khi virus bị hệ miễn dịch chống lại, nó sẽ nhân bản sai lệch, tạo ra các chủng lỗi, lệch lạc và chủng mạnh nhất đã bị tiêu diệt lúc sẽ bị chuyển sang dạng khác.

Có thể ví như một con cọp đã bị mất đi bộ móng của mình. Và khi nó không còn móng thì việc đối phó với nó quá dễ dàng. Tuy nhiên, nếu không chống lại nó thì có thể nó sẽ mọc thêm cánh và việc tiêu diệt nó sẽ trở nên khó khăn hơn nữa. Không chỉ virus, bất cứ sinh vật nào nếu để phát triển tự do thì sẽ phát triển rất nhanh nhưng khi bị chúng ta tấn công lại thì chúng sẽ chuyển sang dạng khác, thoái hoá đi.

Hoặc như kháng sinh, nếu dùng không đúng có thể gây ra đột biến kháng kháng sinh, còn vaccine thì chỉ có hiệu quả hoặc không có hiệu chứ không có kháng vaccine.

PV: Vậy còn hiện tượng "lạ"ở Châu Phi thì sao, thưa ông?

PGS Đỗ Văn Dũng: Hiện nay các thông tin dịch ở Châu Phi vẫn chỉ là suy đoán và chúng ta chưa được biết rõ ràng. Có nhiều lý thuyết đưa ra như do chủng tộc của họ, ví dụ họ có hệ miễn dịch tốt, mức độ được bảo vệ tốt hơn và tử vong ít hơn. Ngoài ra, mật độ dân số ở Châu Phi khá rộng rãi, mật độ tiếp xúc chưa đủ gần và không có sự giao tiếp nhiều với bên ngoài.

 Chuyên gia giải mã bí ẩn tự diệt của COVID ở Nhật Bản, Châu Phi và hy vọng cho Việt Nam - Ảnh 2.

PGS Đỗ Văn Dũng.

Về nguyên nhân tại sao ở châu Phi có tỉ lệ nhiễm COVID-19 thấp đã được viết trong một bài viết đăng trên Tạp chí Y khoa Anh Quốc như sau:

- Dân số trẻ: chỉ có 6% dân số trên 60 tuổi và 3% dân số trên 65 tuổi, do đó, khả năng mắc bệnh ít hơn và nếu có mắc, bệnh sẽ ở thể nhẹ nên không báo cáo.

- Đa số sống ở vùng nông thôn với 58% dân số.

- Người dân có thói quen sống ở ngoài trời, không dùng máy lạnh, không đóng kín cửa.

- Chủng Delta chỉ mới xâm nhập sâu rộng vào khu vực này hồi tháng 9 vừa qua.

- Yếu tố di truyền: biểu hiện của thụ thể ACE2 ở người Phi Châu ít hơn.

- Có hệ miễn dịch đã được huấn luyện (trained immunity) do đã trải qua nhiều dịch bệnh khác.

PV: Như ông nói, virus sẽ bị lỗi nhân bản và tự tiêu diệt, đây có phải tín hiệu mừng cho Việt Nam trong thời gian tới không?

PGS Đỗ Văn Dũng: Nếu chúng ta có tỷ lệ tiêm vaccine cao thì virus cũng có khả năng bị tiêu diệt. Các biến chủng lớn có thể bị vaccine đánh trực diện và sẽ biến đổi thành các chủng yếu ớt hơn, có khả năng "biến mất" như bức tranh ở Nhật Bản hiện tại. Cái chúng ta cần đó là miễn dịch chống lại nó.

Nguyên tắc của sự tiến hoá, cái gì mạnh hơn sẽ tồn tại nhưng biến chủng Delta đã không thể tồn tại được trong quần thể người Nhật. Vì vậy, người Việt Nam cũng tương tự. Virus đã bị yếu đi và sẽ không còn nguy cơ tạo ra làn sóng mới. Điều chúng ta lo ngại đó là 1 biến chủng ngoại lai khác xuất hiện. Vì vậy, người ta vẫn khuyến cáo người Nhật Bản chưa thể chủ quan và vẫn phải tăng cường phòng chống dịch. Để Việt Nam có kịch bản như Nhật Bản trong tương lai thì chúng ta vẫn cần hai mũi nhọn là vắc xin và 5K.

PV: Vâng xin cảm ơn ông!

Theo Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM