Chuyên gia đoạt giải Nobel hiến kế giúp các nước đang phát triển có tiền cứu nền kinh tế

14/04/2020 09:47 AM | Xã hội

Trong khi Mỹ, Nhật cùng nhiều nước Châu Âu tung gói cứu trợ hàng nghìn tỷ USD cứu nền kinh tế thì những nước đang phát triển lại chẳng thể học theo do ngân sách có hạn. Vậy họ có thể lấy tiền ở đâu để hỗ trợ nền kinh tế của mình?

Mới đây, chuyên gia kinh tế từng đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz đã chia sẻ những lo ngại về nền kinh tế của các nước đang phát triển trước đại dịch Covid-19.

Theo đó, chuyên gia Stiglitz cho rằng những nước đang phát triển và mới nổi sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn các nền kinh tế khác bởi người dân của các quốc gia này thường tụ tập gần nhau hơn. Do đó, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh chóng hơn trong cộng đồng.

Ngoài ra, hệ thống y tế yếu kém cũng khiến các đại dịch gây thảm họa nhiều hơn tại những nước đang phát triển so với các quốc gia giàu có.

Trong báo cáo ngày 30/3 của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển, các chuyên gia đã chỉ ra những thách thức mà các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt. Những nước mới nổi dựa vào tăng trưởng xuất khẩu giờ đây sẽ chịu ảnh hưởng suy thoái do kinh tế toàn cầu đi xuống. Đầu tư nước ngoài suy giảm, giá các hàng hóa xuất khẩu hạ sẽ khiến cho hàng loạt nước xuất khẩu tài nguyên phải chịu thiệt hại.

Chuyên gia đoạt giải Nobel hiến kế giúp các nước đang phát triển có tiền cứu nền kinh tế  - Ảnh 1.

Chuyên gia Joseph Stiglitz

Tồi tệ hơn, cuộc khủng hoảng kinh tế này diễn ra trên toàn thế giới nên chính phủ của các nước đang phát triển sẽ gặp khó trong việc phát hành trái phiếu mới để trả nợ cho trái phiếu cũ, hay còn gọi đảo nợ.

Thêm nữa, chính phủ những nước mới nổi sẽ ngày càng có ít lựa chọn hơn trong việc chống dịch Covid-19. Việc cách ly khiến họ mất nguồn thu nhập và dẫn đến đói nghèo.

Trớ trêu thay, các nền kinh tế này chẳng thể tung những gói kích thích lớn đến 2 nghìn tỷ USD như của Mỹ và khiến ngân sách thâm hụt 10% GDP để cứu trợ người dân.

Nhận thức được tình hình, các nhà lãnh đạo những nước phát triển G20 ngày 26/3 đã cam kết làm mọi thứ có thể để giảm thiệt hại về kinh tế, xã hội gây ra bởi dịch Covid-19, khôi phục tăng trưởng toàn cầu, ổn định thị trường.

Với mục tiêu đó, chuyên gia Stiglitz cho rằng các nền kinh tế đang phát triển có thể tận dụng được 2 phương pháp sau trong việc tìm kiếm nguồn vốn cứu trợ người dân.

Đầu tiên, quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) có thể là một lựa chọn. Đây là một hình thức "tiền toàn cầu" (Global Money) mà tổ chức này được ủy quyền khi thành lập.

Trong hội nghị Bretton Woods năm 1944, ý tưởng về SDR được đưa ra bởi John Maynard Keynes. Theo đó, do mọi quốc gia đều muốn bảo vệ công dân cũng như nền kinh tế của mình trong thời khủng hoảng nên IMF cần có một công cụ tài chính để giúp đỡ những nước nghèo để họ không bị thiệt hại nặng về ngân sách.

Theo Stiglitz, một đợt phát hành SDR tiêu chuẩn với khoảng 40% ngân sách dành cho những nước đang phát triển cùng mới nổi có thể tạo nên hiệu quả. Tất nhiên, sẽ tuyệt vời hơn nếu những nền kinh tế như Mỹ quyên góp hoặc cho vay (theo những điều khoản ưu đãi) nguồn vốn SDR của họ cho các quỹ tín thác nhằm giúp đỡ những nước nghèo. Những khoản vay này có thể đi kèm các điều kiện như chúng không được phép dùng để cứu các con nợ ngân hàng mà phải dùng để hỗ trợ những hộ nghèo...

Chuyên gia đoạt giải Nobel hiến kế giúp các nước đang phát triển có tiền cứu nền kinh tế  - Ảnh 2.

Biện pháp tiếp theo mà những nước giàu có thể giúp các nền kinh tế đang phát triển là giãn nợ. Hãy nhìn vào nền kinh tế Mỹ để hiểu tại sao điều này quan trọng. Tháng trước, Bộ Phát triển Nhà và Đô thị Mỹ tuyên bố sẽ không tịch thu các bất động sản thế chấp trong vòng 60 ngày khi chủ nợ trễ hạn thanh toán. Đây chỉ là một trong số những biện pháp hỗ trợ người dân của chính phủ Mỹ chống dịch Covid-19.

Dẫu vậy, chính sách này cho thấy một quan điểm khá rõ ràng. Hiện lao động đang phải ngồi nhà, hàng quán và nhiều ngành nghề phải đóng cửa. Vậy tại sao những chủ nợ lại có thể thản nhiên thu lời như bình thường, nhất là khi mức lãi suất cao của họ đã bao gồm các rủi ro phát sinh? Trừ phi những chủ nợ này nới lỏng thời hạn thanh toán, nếu không các con nợ sẽ ngập đầu trong nợ nần và không có khả năng thanh toán.

Trên tầm quốc tế, việc giãn nợ cũng tương tự. Với tình hình hiện tại, nhiều nền kinh tế đơn giản là không có tiền để trả nợ và nếu không được giãn nợ, một cuộc khủng hoảng vỡ nợ sẽ xảy ra trên toàn cầu.

Tại nhiều nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, lựa chọn duy nhất của họ để thanh toán nếu không được giãn nợ là tăng thu nhập cho các chủ nợ nước ngoài hoặc để ngày càng nhiều người chết vì dịch mà không có hỗ trợ nhằm tiết kiệm ngân sách.

Rõ ràng, phương án mặc kệ người dân là không thể chấp nhận với phần lớn chính phủ nên các nước giàu cần giãn nợ cho các quốc gia nghèo hơn. Điều đáng bàn ở đây là liệu cộng đồng quốc tế sẽ cho giãn nợ một cách có trật tự hay vô tổ chức bởi việc giãn nợ bừa bãi có thể dẫn đến khủng hoảng và gây thiệt hại nhiều hơn cho kinh tế toàn cầu.

Tất nhiên, chuyên gia Stiglitz cho rằng một biện pháp nữa có thể sử dụng là tái cấu trúc nợ công trên toàn cầu. Năm 2015, cộng đồng quốc tế đã từng cố gắng làm điều này khi Liên Hiệp Quốc cố gắng đạt một thỏa thuận chung. Tuy vậy, chương trình này lại thiếu vắng sự hợp tác từ các chủ nợ lớn.

Chuyên gia đoạt giải Nobel hiến kế giúp các nước đang phát triển có tiền cứu nền kinh tế  - Ảnh 3.

Hiện nay, việc xây dựng lại một chương trình toàn cầu như vậy có lẽ đã quá muộn khi đại dịch đang hoành hành. Tuy nhiên trong tương lai, con người có lẽ sẽ phải đối mặt với nhiều khủng hoảng tương tự và một chương trình tái cấu trúc nợ công toàn cầu có lẽ nên được xem xét sớm.

Nhà thơ John Donne đã từng nói không có ai trên thế giới này là người cô đơn khi có sự liên kết với xã hội. Tương tự, không có một quốc gia nào có thể tồn tại tách biệt với thế giới và dịch Covid-19 đã cho thấy rõ điều đó. Chuyên gia Stiglitz hy vọng cộng đồng thế giới cũng nhận ra điều này để có thể đoàn kết trợ giúp lẫn nhau chống dịch Covid-19.

Chuyên gia đoạt giải Nobel hiến kế giúp các nước đang phát triển có tiền cứu nền kinh tế  - Ảnh 4.

AB

Cùng chuyên mục
XEM