Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệp xây dựng LocalG.A.P ở hợp tác xã, cực kỳ hữu ích cho các nông hộ và startup nông nghiệp

14/12/2020 10:15 AM | Kinh doanh

Theo các chuyên gia, trong quá trình tư vấn xây dựng LocalG.A.P thực tế ở các HTX, nhìn đâu cũng thấy vấn đề và đều bắt nguồn từ tính không chuyên nghiệp trong tổ chức cũng như văn hóa mạnh ai nấy làm ăn sâu trong máu của nhiều người nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, tin vui là tất cả đều có thể cải thiện được nếu chúng ta ‘xem đúng bệnh, bốc đúng thuốc’.

LocalG.A.P sẽ là bước đệm để các HTX tại Việt Nam tiến dần lên đạt chuẩn GlobalG.A.P.
LocalG.A.P sẽ là bước đệm để các HTX tại Việt Nam tiến dần lên đạt chuẩn GlobalG.A.P.

Hiện có 10 HTX tại Đồng Tháp – Bến Tre – Lâm Đồng tham gia làm LocalG.A.P

Các nhà bán lẻ trên thế giới bị hạn chế vì những nông dân sản xuất quy mô nhỏ hoặc mới tham gia vào hoạt động nông nghiệp có thể chưa đạt được chứng nhận GlobalG.A.P hoặc chưa tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Trong khi đó, nông dân vẫn muốn sản phẩm của mình có thể xâm nhập vào thị trường nội địa lẫn quốc tế trong điều kiện chưa tuân thủ các tiêu chuẩn chứng nhận. Đó là nguyên do khiến LocalG.A.P ra đời.

Cụ thể, LocalG.A.P sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trên đường hỗ trợ các HTX nông nghiệp Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn. Đây là "BƯỚC ĐỆM" trung chuyển giữa tiêu chuẩn VietG.A.P (ứng dụng trong nước) và tiêu chuẩn quốc tế GlobalG.A.P.

LocalG.A.P (còn có tên chuyên môn là PFA – Chuẩn cho nông trại cơ bản) là một tiêu chuẩn được xây dựng bởi Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN HVNCLC) và GlobalG.A.P để tạo thuận lợi cho nông trại nhỏ, nhóm chiếm hơn 70% trong cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam, có thể tham gia xuất khẩu. Chương trình "HVNCLC-Chuẩn hội nhập" do Hội DN HVNCLC, tiến hành từ năm 2016, sẽ đảm trách tiến hành việc hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn này, hỗ trợ 30% chi phí (khoảng 20 triệu đồng), địa phương hỗ trợ 30% và các HTX tự trang trải phần đối ứng.

Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệp xây dựng LocalG.A.P ở hợp tác xã, cực kỳ hữu ích cho các nông hộ và startup nông nghiệp  - Ảnh 1.

Chương trình "HVNCLC-Chuẩn hội nhập" sẽ đảm trách tiến hành việc hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn LocalG.A.P.

Vậy LocalG.A.P cụ thể là gì? LocalG.A.P là một công cụ để nâng cao năng lực sản xuất và được thiết kế bởi GlobalG.A.P cho chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp tại những thị trường mới nổi và có nền kinh tế đang phát triển.

Tiêu chuẩn này định hướng để hỗ trợ nông dân – đặc biệt nông dân sản xuất quy mô nhỏ và mới tham gia vào sản xuất thực hiện các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để cải tiến hiệu quả quản lý trang trại, giảm thiểu rủi ro về an toàn thực phẩm, tuân thủ các quy định quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Thông qua công cụ này, nông dân có thể đưa sản phẩm của mình xâm nhập vào các thị trường địa phương và khu vực.

Mặt khác, công cụ này cũng có thể giúp nhà nhập khẩu nước ngoài bổ sung vào danh sách khách hàng của mình trong mạng lưới các nhà sản xuất tin cậy để mua hàng khi các nông trại này được những chứng bởi GlobalG.A.P trong tương lai. Theo một thông tin trước đó, để có thể phát triển từ LocalG.A.P lên GlobalG.A.P mất khoảng 5 năm.

Trong sản phẩm thuộc họ LocalG.A.P, GlobalG.A.P cung cấp Chương trình được gọi là Chuẩn cho nông trại cơ bản (PFA). Các tiêu chí của PFA được trích xuất từ tiêu chí của chứng nhận GlobalG.A.P. Chương trình PFA đòi hỏi các tiêu chí ở mức độ cơ bản/thấp nhất tỏng các sản phẩm của GlobalG.A.P và không phải là chuẩn chứng nhận của bên thứ 3 mà chỉ là quá trình đánh giá. Bureau Veritas sẽ là đơn vị đứng ra nhận trách nhiệm đánh giá LocalG.A.P tại Việt Nam.

Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệp xây dựng LocalG.A.P ở hợp tác xã, cực kỳ hữu ích cho các nông hộ và startup nông nghiệp  - Ảnh 2.

Đại diện Bureau Veritas và đại diện Hội DN HVNCLC đang ký kết hợp tác.

Đã có 10 HTX nông nghiệp tiên tiến trồng chanh – nhãn – bưởi da xanh… tại Đồng Tháp – Bến Tre – Lâm Đồng tham gia quá trình xây dựng tiêu chuẩn LocalG.A.P.

Dự kiến, trong năm 2021 sẽ có 2 HTX trồng lúa và nhãn ở Đồng Tháp được cấp giấy chứng nhận LocalG.A.P. Và Hội cũng hy vọng, cuối năm 2021, tất cả các HTX này sẽ là các HTX đầu tiên đạt chuẩn LocalG.A.P được cấp LGN (localgap number) và công bố trên trang chủ của tổ chức LocalG.A.P như tấm giấy thông hành đầu tiên về tiêu chuẩn. Qua đó, các nhà bán lẻ thế giới có thể nhận diện và tin cậy giao tiếp - mua hàng.


Khó khăn lớn nhất là sự thiếu chuyên nghiệp từ tổ chức đến cá nhân trong HTX

Là một người chịu trách nhiệm hỗ trợ các HTX xây dựng LocalG.AP trong vài năm gần đây, Chuyên gia tiêu chuẩn Nguyễn Kim Thanh đã đúc rút ra được rất nhiều kinh nghiệm quý giá, có thể trở thành những bài học thật sự bổ ích cho các HTX tham gia sau này.

Theo bà Nguyễn Kim Thanh, khó khăn lớn nhất là sự thiếu chuyên nghiệp từ tổ chức đến cá nhân trong HTX. Kiểu như đụng đến đâu cũng thấy khó khăn, mà nếu không bình tĩnh có thể khiến chúng ta có cảm giác muốn ‘bỏ của chạy lấy người".

Về phần HTX sẽ có người đứng ra tổ chức HTX, nhóm vận hành QMS, dịch vụ nông nghiệp và phụ trách bán hàng. Về phần xã viên, họ sẽ mua vật tư nông nghiệp, dùng kỹ thuật trồng, tham gia quản lý dịch vụ tổng hợp (IPM), thu hoạch và hồ sơ. 

Nhóm vận hành QMS: được đào tạo IPM (ít nhất là 60 giờ), có kiến thức sử dụng phân bón, kinh nghiệm tối thiểu 2 năm, được đào tạo về hệ thống quản lý chất lượng và thực hành đánh giá, sử dụng vi tính thành thạo.

"Thực tế là, nhiều HTX tại Việt Nam được thành lập mà người đứng đầu thường được các xã viên bầu lên hoặc được chỉ định. Nên thường các Chủ tịch HTX không có chuyên môn về quản lý, không thể tập hợp xã viên, tìm thị trường hay đi vay vốn…Và nếu đã không có tiền thì không thể thuê được chuyên gia giỏi hoặc đào tạo ra các nhân viên vận hành QMS giỏi.

Tất nhiên, khi 2 điều trên không ổn thì HTX sẽ rất khó để vận động xã viên cùng dùng 1 dịch vụ nông nghiệp như thuê công cụ lao động, mua thuốc bảo vệ thực vật hoặc sử dụng chung hệ thống logistic. Cuối cùng, nếu không bán được hàng với giá tốt cho nông dân thì ai sẽ tình nguyện bán hàng thông qua HTX?", Chuyên gia Nguyễn Kim Thanh nêu vấn đề.

Ở chiều ngược lại, bản thân của các xã viên cũng có những hạn chế riêng của họ, thường mạnh ai nấy canh tác, từ thu hoạch đến bán hàng. Nhiều người nông dân Việt Nam rất tự hào với ‘bí quyết’ nuôi trồng của riêng mình và không tin bất kỳ ai có thể tốt hơn. Họ cho rằng, các nhà khoa học hay kỹ sư nông nghiệp chỉ giỏi nói và thời gian thực hành trên cánh đồng – kinh nghiệm nuôi trồng thực tế không nhiều bằng họ.

Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệp xây dựng LocalG.A.P ở hợp tác xã, cực kỳ hữu ích cho các nông hộ và startup nông nghiệp  - Ảnh 3.

Chuyên gia tiêu chuẩn Nguyễn Kim Thanh

"Thế nên, dù có say quắt cần câu trên bàn nhậu, nhiều nông dân vẫn không chịu tiết lộ kỹ thuật nuôi trồng của mình, cũng như nhãn hiệu phân thuốc, liều lượng mà mình đã sử dụng trên cánh đồng. Đã gọi là thực hành nông nghiệp tốt hoặc làm theo tiêu chuẩn, thì mọi người trong HTX đều phải giống nhau. Tuy nhiên, thật ra, kỹ thuật của người nông dân chỉ tạo ra sản phẩm có thể bán ra thị trường chứ chưa tạo ra được năng suất tốt nhất phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường đòi hỏi.

Trong quản lý tổng hợp, có phòng ngừa dịch bệnh. Nhưng người nông dân của mình ít khi chú trọng chuyện phòng ngừa và quan sát, mà toàn ‘mất bò mới lo làm chuồng’, khi dịch bệnh xảy ra thì can thiệp thô bạo với thuốc bảo vệ thực vật tự mua đâu đó", chị Nguyễn Kim Thanh tiếp lời.

Đến thời điểm thu hoạch, thì nông dân mạnh ai nấy làm và không ít trường hợp, thay vì bán thông qua HTX như cam kết ban đầu, thấy thương lái mua được giá thì ‘bán luôn’. Tất nhiên, với những kiểu thực hành canh tác như trên, người nông dân thường không có hồ sơ để đối ứng về việc sử dụng các dịch vụ nông nghiệp hay sản phẩm của mình sẽ được ai tiêu thụ.

"Trong sản xuất nông nghiệp, nếu chúng ta không tạo được chuỗi giá trị sẽ rất khó để nâng cao giá trị nông sản trên thương trường. Tức là, chúng ta phải kiểm soát được tất cả những thành tố, từ đầu vào đến đầu ra.

Nếu một HTX không biết sản phẩm của mình cuối cùng đi về đâu, sẽ khiến các đối tác đến sau cảm thấy lo lắng không yên tâm. Ngoài ra, nếu bạn là xã viên của một HTX GlobalG.A.P, sản phẩm của bạn chỉ đạt chứng nhận GlobalG.A.P khi bán hàng thông qua HTX, còn nếu bán cho thương lái ở bên ngoài, thì không phải", bà Nguyễn Kim Thanh cho biết thêm.

Tuy khó khăn là thế, nhưng theo bà Nguyễn Kim Thanh, không phải là không có giải pháp. Đầu tiên là phải tìm được nhà quản lý tốt và có uy tín cho các HTX và người này sẽ chịu trách nhiệm gầy dựng nên nhóm vận hành, có thể hợp tác thêm với các nhà khoa học và các trường đại học, tìm thị trường tốt và tìm nguồn vốn thích hợp.

Thay vì vận động hết xã viên, ví dụ tổng khoảng 100 người, tham gia xây dựng LocalG.A.P thì nên chọn ra những người thật sự muốn làm, khoảng 30 người là vừa đẹp. Khi quá đông, việc truyền thông và thuyết phục sẽ rất khó khăn và mệt mỏi. Còn nếu các xã viên không chịu sử dụng các dịch vụ tổng hợp mà HTX chỉ định, có thể cho phép họ sử dụng, mua vật tư nông nghiệp ở chỗ khác, nhưng phải làm giấy tờ đàng hoàng. "Cứ làm từng bước thì mọi việc sẽ ổn. Các HTX không nên sợ hãi!", bà Nguyễn Kim Thanh kết luận.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM