Chuyên gia chỉ ra thách thức trong phát triển điện khí LNG
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QH điện 8) đến năm 2030 nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng (LNG) sẽ đạt hơn 37.000 MW, tương ứng gần 25% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.
Riêng nhiệt điện khí hóa lỏng (LNG) khoảng 24.000MW, chiếm khoảng 15%. Theo các chuyên gia, việc phát triển điện khí là tất yếu đối với Việt Nam, bởi đây là nguồn điện nền hỗ trợ quan trọng cho hệ thống điện khi các nguồn điện từ năng lượng tái tạo ngày càng gia tăng với tỷ trọng lớn. Trong khi đó, nguồn thuỷ điện đã khai thác tới hạn, và việc giảm phát thải ra môi trường ngày càng được đặt ra với yêu cầu cao hơn.
Thách thức đầu tiên trong phát triển nhiệt điện khí ở Việt Nam đó chính là chúng ta đang thiếu một bản quy hoạch phát triển điện khí nói chung, điện khí hoá lỏng (LNG) nói riêng. Mặc dù đã có Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, song, các cấu phần cụ thể trong cơ cấu các nguồn năng lượng, nguồn điện được sản xuất từ các dạng năng lượng như than, khí, mặt trời, gió… cũng cần phải được cụ thể, chi tiết, khoa học.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính phân tích thực tế những hạ tầng kéo theo cần phải hoàn thiện cùng với các quy hoạch và kế hoạch thực hiện các bản quy hoạch này.
“Chúng ta đang thiếu một cái quy hoạch bài bản cho phát triển điện khí của Việt Nam, kể cả khí hóa lỏng lẫn khí tự nhiên. Việc không có quy hoạch thì rõ ràng là đầu tư phát triển chúng ta sẽ không có hiệu quả. Thứ hai là cơ sở hạ tầng, đây là một trong những vấn đề quan trọng để phát triển điện khí, đòi hỏi rất cao và phải đạt chuẩn mực quốc tế. Trong đó thì nó bao gồm có các cảng biển nước sâu để cho các tàu lớn theo tiêu chuẩn quốc tế và kho cảng để lưu trữ và phân phối cũng như các nhà máy tái khí” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận từ thực tế bản Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) mới được Thủ tướng phê duyệt; đồng thời nhấn mạnh 03 thách thức lớn và hết sức quan trọng - mang tính quyết định tới việc hiện thực hoá bản Quy hoạch Điện 8, đó chính là nguồn cung, giá khí LNG và kể cả công nghệ Việt Nam sẽ phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu.
“Sơ đồ điện 8 không phải là một sơ đồ đóng đinh, nó có tính linh hoạt ít nhiều, bởi vì vấp phải 3 rủi ro: Rủi ro nhất là địa chính trị, đầu vào - đầu ra - nguồn cung, nhất là khi ta là một phần rất lớn sẽ phải nhập khẩu. Thứ hai là biến đổi khí hậu cũng là một rủi ro khi ta đánh cược vào mặt trời và gió… Rủi ro thứ ba vừa là cơ hội nhưng cũng là rủi ro đó là công nghệ” - TS. Võ Trí Thành nói.
Tại một hội thảo gần đây góp ý cho cơ chế chính sách phát triển điện khí LNG ở Việt Nam, nhiều khuyến nghị cần có cơ chế “đặc thù”, hay tiếp tục chính sách “bao tiêu” đầu ra cho điện khí khi nhấn mạnh tầm quan trọng của điện khí LNG là “tất yếu” và không thể khác…
Đầu tư dự án gì cũng phải tuân thủ các nguyên tắc của thị trường trong phát triển các mặt hàng năng lượng nói chung, giá điện nói riêng, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh, yếu tố giá phải được vận hành theo thị trường có sự điều tiết của nhà nước, vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, nhưng cũng đủ khuyến khích đầu tư vào điện khí.
“Phát triển điện khí nguyên liệu đầu vào giá thành của nó chiếm khoảng 70-80%, mà giá thì phải theo giá thị trường, phụ thuộc vào hai yếu tố: yếu tố thứ nhất, lợi nhuận thu được trên một là giá, hai là sản lượng, mà giá không được đảm bảo thì rất là khó khăn. Cho nên, theo tôi nghĩ điểm lớn nhất, vấn đề mấu chốt nhất hiện nay chúng ta nếu không tháo gỡ được vấn đề giá thì tôi nghĩ cũng không thể” - Ngô Trí Long nói.
Đại diện doanh nghiệp đầu tư vào phát triển hạ tầng điện khí cũng như xây dựng các nhà máy điện khí tại Việt Nam, TS. Nguyễn Hùng Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh, cần phải có hành lang pháp lý, cơ chế giá cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi mong muốn là có một quy hoạch tổng thể, có một chiến lược dài hơi, chứ không phải là hôm nay đưa ra một quy hoạch này, ngày mai lại thay đổi, điều này khiến nguồn lực xã hội bị ảnh hưởng, kinh tế bị ảnh hưởng, giá thành suy cho cùng là người dân sẽ chịu. Bây giờ cái chính không phải là các doanh nghiệp, mà làm sao phải có cơ chế dài hạn, có chính sách cụ thể” - TS. Nguyễn Hùng Dũng nói.
Theo Quy hoạch điện 8, nhu cầu nhập khẩu khí LNG sẽ tăng nhanh và lên tới 18 tỷ m3 vào năm 2030. Trong khi nguồn cung, giá khí và kể cả công nghệ phải phụ thuộc nhập khẩu, trước các tác động rủi ro địa chính trị - kinh tế thế giới là không nhỏ, dẫn đến giá điện khí sản xuất ra không ổn định và khả năng sẽ cao hơn so với nhiều nguồn điện khác. Và quan trọng là đang thiếu các cơ chế, chính sách cho phát triển hạ tầng điện khí tại Việt Nam.
Vì vậy, theo các chuyên gia, cần phải có ngay bản quy hoạch chi tiết cho phát triển điện khí và điện khí từ nguồn LNG. Có như vậy mới đầu tư có hiệu quả và tránh được các rủi ro thiếu điện trong dài hạn.