Chuyên gia BIDV: 6 khác biệt cho thấy Việt Nam không xảy ra chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm trong 2018-2019

25/09/2018 08:15 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo các chuyên gia, các dấu hiệu khủng hoảng của kinh tế toàn cầu thể hiện khá rõ nét ở Việt Nam, hoặc dạng này hay dạng khác trong mỗi chu kỳ 10 năm 1988-1989, 1998-1999, 2008-2009; tuy nhiên lại không rõ nét trong giai đoạn 2018-2019.

Trung tâm Nghiên cứu của Ngân hàng BIDV vừa công bố báo cáo Đánh giá khả năng không xảy ra chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm đối với nền kinh tế Việt Nam 2018 – 2019.

Theo các chuyên gia, khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu luôn là vấn đề nóng của kinh tế thế giới và là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách ở tất cả các quốc gia bởi tác động rất lớn và nặng nề của nó tới từng quốc gia, khu vực và thế giới. Thực tế các giai đoạn khủng hoảng 1988-1989, 1998-1999, 2008-2009 cho thấy cùng với những tác động bên ngoài thì những yếu kém, hạn chế nội tại đã làm gia tăng rủi ro đối với kinh tế Việt Nam trong các thời kỳ này. Những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra 6 dấu hiệu chính của khủng hoảng kinh tế - tài chính của một quốc gia, bao gồm:

(1) Tín dụng mở rộng quá mức và/hoặc giá tài sản quá cao; (2) Hệ thống tài chính khó khăn hoặc mất khả năng cung ứng nguồn lực cho các khu vực khác của nền kinh tế; (3) Xảy ra bất ổn lớn trên bảng cân đối của các chủ thể chính trong nền kinh tế; (4) Các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá biến động mạnh và khó kiểm soát; (5) Một số thị trường có ảnh hưởng, lan tỏa lớn đến các hoạt động kinh tế khác như thị trường bất động sản, chứng khoán bước vào giai đoạn căng thẳng hoặc suy thoái; (6) Niềm tin của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế suy giảm mạnh.

Tại Việt Nam, theo các chuyên gia của BIDV, các dấu hiệu khủng hoảng trên đã biểu hiện khá rõ nét ở dạng này hay dạng khác trong mỗi chu kỳ 10 năm 1988-1989, 1998-1999, 2008-2009; tuy nhiên lại không rõ nét trong giai đoạn 2018-2019.

Cụ thể, sự khác biệt trong từng dấu hiệu của giai đoạn hiện nay so với các giai đoạn trước đó là: (1) Tăng trưởng tín dụng hợp lý hơn; và giá tài sản có tăng cao ở một số phân khúc nhưng chưa phải là hiện tượng bong bóng; (2) Hệ thống tài chính-ngân hàng được củng cố, lành mạnh hóa, an toàn và thanh khoản ổn định hơn; lãi suất ở mức hợp lý đã và đang hỗ trợ tăng trưởng; (3) Các cân đối vĩ mô có cải thiện và lành mạnh hơn: cơ cấu thu chi ngân sách chuyển dịch theo hướng bền vững hơn, cơ cấu tín dụng tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất kinh doanh, hạn chế vào các ngành có rủi ro cao; cán cân thương mại, cán cân thanh toán và cán cân vãng lai có sự cải thiện tích cực;

(4) Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục; (5) Các thị trường bất động sản, chứng khoán có bước chuyển biến tích cực, được điều chỉnh và hướng đến bền vững hơn; và (6) Các quyết sách về môi trường đầu tư – kinh doanh từng bước được cải thiện; niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế tăng lên.

Đi vào phân tích cụ thể, với sự khác biệt về dấu hiệu 1 và 2, theo các chuyên gia của BIDV, tín dụng đã không mở rộng tăng trưởng tín dụng và vốn đầu tư quá mức, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng. Bên cạnh đó, các động lực tăng trưởng có nhiều chuyển biến theo chiều sâu cả về đầu tư và xuất khẩu; Về công nghiệp và sự phát triển vững mạnh hơn của khu vực kinh tế tư nhân. Tiếp đến, hệ thống tài chính-ngân hàng hoạt động lành mạnh hơn, thể hiện ở nợ xấu giảm; thanh khoản ngân hàng khá ổn định; năng lực quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại (NHTM) dần tiệm cận chuẩn Basel 2; mức độ tín nhiệm ngày càng được cải thiện khi các tổ chức xếp hạng quốc tế (Fitch, Moody’s) liên tục nâng xếp hạng quốc gia Việt Nam và 12 NHTM trong nước; khả năng sinh lời của các TCTD, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm ngày càng cải thiện với mức lợi nhuận và tỷ suất sinh lời tăng mạnh trong các năm gần đây. Đồng thời, các định chế tài chính cũng trở nên minh bạch hơn với 23/35 NHTM cổ phần trong nước được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán quốc tế; 16/35 NHTM cổ phần, 26/85 công ty chứng khoán và 10/50 công ty bảo hiểm đã niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán.

Sự khác biệt về dấu hiệu 3 thể hiện ở các cân đối vĩ mô lớn có sự cải thiện. Cụ thể cơ cấu thu chi ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, cơ cấu tín dụng tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất kinh doanh, hạn chế vào các ngành có rủi ro cao; cán cân thương mại, cán cân thanh toán và cán cân vãng lai có sự cải thiện tích cực.

Về cơ cấu thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN): tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP có xu hướng giảm từ 4,4% GDP năm 2011 xuống 3,48% GDP năm 2017, đáp ứng mục tiêu Quốc hội đề ra (3,5%). Dư nợ tín dụng tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực ưu tiên, có triển vọng tích cực; chất lượng tín dụng được chú trọng; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ hơn. Cán cân thanh toán tổng thể duy trì trạng thái thặng dư trong 6 năm qua (trừ năm 2015 thâm hụt khoảng 6 tỷ USD) đã hỗ trợ đáng kể cho việc gia tăng dự trữ ngoại hối, góp phần tăng sức mạnh tài chính đối ngoại quốc gia và ổn định tỷ giá.

Sự khác biệt về dấu hiệu 4 thể hiện ở lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tỷ giá tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục. Về lạm phát, sau giai đoạn tăng cao và biến động mạnh, từ năm 2013 đến nay, Chính phủ, NHNN và Bộ Tài chính đã có những động thái điều tiết và kiểm soát chặt chẽ hơn, bao gồm ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối, tăng cường xử lý nợ xấu, điều tiết tín dụng và cung tiền linh hoạt, phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả tốt hơn, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức một con số. Về tỷ giá, với các biện pháp điều hành tỷ giá ngày càng linh hoạt hơn và sát thị trường hơn, tỷ giá duy trì xu hướng ổn định, mức tăng của USD so với VND không vượt quá 3%/năm trong 5 năm qua, góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, tăng niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đồng thời, sự gia tăng mạnh mẽ của dự trữ ngoại hối so với các giai đoạn trước là một nhân tố quan trọng góp phần ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Sự khác biệt về dấu hiệu 5 đó là các thị trường quan trọng, nhạy cảm có bước chuyển biến tích cực và được kiểm soát ở mức độ phù hợp. Trong đó Thị trường chứng khoán (TTCK) có những bước chuyển biến tích cực nhờ nền tảng vĩ mô và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. Cơ cấu thị trường ngày càng hoàn thiện với sự ra đời và đi vào hoạt động của TTCK phái sinh từ tháng 8 năm 2017. Sau chu kỳ sụt giảm và đi ngang (từ năm 2008-2014), năm 2017, chỉ số VNIndex đã lọt Top 6 chỉ số chứng khoán tăng điểm mạnh nhất thế giới, vượt mọi dự báo và xác lập kỷ lục mới.

Với thị trường bất động sản (BĐS), hiện tượng tăng giá không phải trên diện rộng; đã và đang có giải pháp kiềm chế, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững hơn. Về mặt tổng quan, thị trường BĐS đang phát triển ổn định hơn với dấu hiệu tích cực về tốc độ tăng trưởng và đóng góp trong GDP (năm 2017 và 6 tháng đầu 2018, tăng lần lượt 4,07% và 5,11% so cùng kỳ, đóng góp lần lượt 0,21 và 0,22 điểm % vào mức tăng chung); số lượng doanh nghiệp kinh doanh BĐS đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động; Số lượng giao dịch BĐS thành công tiếp tục đà tăng. Một số vấn đề cần lưu ý đối với thị trường như hiện tượng dư cung ở một số phân khúc (nhất là phân khúc cao cấp); tỷ lệ nợ xấu cho vay BĐS vẫn ở mức cao hơn tỷ lệ chung; tình trạng giá đất tăng cao bất thường tại một số địa phương… đã và đang được theo dõi và xử lý bên cạnh việc tái cấu trúc từ nội tại thị trường.

Sự khác biệt về dấu hiệu 6 thể hiện ở các quyết sách về môi trường đầu tư – kinh doanh từng bước được cải thiện; niềm tin của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế tăng lên. Theo các chuyên gia, những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và đổi mới, sáng tạo của Việt Nam đã và đang được doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đánh giá cao. Việt Nam được thăng hạng trên các bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh toàn cầu và đổi mới, sáng tạo. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam cũng được Fitch và Moody’s nâng hạng từ ổn định sang tích cực, gần đây nhất là vào tháng 5 và tháng 8/2018.

Tuy các dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng có những khác biệt song các chuyên gia nhận xét, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức và tồn tại, cùng với môi trường bên ngoài rủi ro, phức tạp hơn; đòi hỏi sự tỉnh táo nhìn nhận và đưa ra định hướng, giải pháp chủ động, linh hoạt và thích ứng cao mới có thể vượt qua thách thức và phát triển bền vững.  

Ngành ngân hàng "thay da đổi thịt" 10 năm sau khủng hoảng  

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM