Chuyện gì đang xảy ra với vương quốc hạnh phúc?
Theo The Guardian, năm 2023, 1,5% dân số Bhutan chuyển đến Australia để làm việc và học tập. Năm 2019, theo khảo sát độc lập về chỉ số hạnh phúc của Oxford World Happiness, Bhutan đứng thứ 95/156 quốc gia. Con số này gây tranh cãi bởi từ trước đến nay, Bhutan luôn được ví là "vương quốc hạnh phúc" của thế giới.
Nhiều người rời bỏ Bhutan
Bhutan là một trong những quốc gia tiên phong đặt sự hạnh phúc của công dân lên hàng đầu, thay vì chỉ tập trung vào tổng sản phẩm quốc nội ( GDP ) và các chỉ số kinh tế khác.
Quốc gia Nam Á này sử dụng tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) làm thước đo phát triển. Đó cũng là lý do Bhutan được mệnh danh là " vương quốc hạnh phúc ". Tuy nhiên gần đây, "vương quốc hạnh phúc" phải đối mặt với làn sóng di cư chưa từng thấy trong lịch sử.
Theo The Guardian , năm 2023, 1,5% dân số Bhutan chuyển đến Australia để làm việc và học tập. Năm 2019, theo khảo sát độc lập về chỉ số hạnh phúc của Oxford World Happiness, Bhutan đứng thứ 95/156 quốc gia. Năm 2014, quốc gia này xếp hạng 84.
Một trong những nguồn thu chính của Bhutan là du lịch - vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch. Năm 2023, Bhutan đón lượng khách bằng một phần ba số lượng năm 2019.
"Cơ hội việc làm ở đây cũng giảm mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng đều từ đầu năm 2004. Cứ tám người Bhutan lại có một người sống trong nghèo đói", The Guardian cho biết. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tại Bhutan là 29%, còn tốc độ tăng trưởng kinh tế không đổi xung quanh mức 1,7% suốt 5 năm qua.
Thủ đô Thimpu không có đèn giao thông.
Bhutan cũng thường trực nỗi lo tụt hậu so với thế giới. Thủ đô Thimpu là thành phố duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông. Những nhà hàng tại đây đều thuộc sở hữu của người dân địa phương.
Ngân hàng ở Bhutan không có dịch vụ mở tài khoản trực tuyến. Những tác vụ cơ bản như lên lịch họp, nhắn tin, phục vụ khách hàng... trực tuyến thường không thể tìm thấy ở Bhutan.
Ngày càng nhiều người trẻ rời khỏi Bhutan để du học, làm việc ở nước ngoài. Làn sóng này gây ra tình trạng mất cân bằng dân số khi người già nhiều hơn người trẻ.
Chỉ số hạnh phúc không nói lên tất cả
Nhà làm phim Tandin Phubz - người sáng lập trang Facebook Humans of Thimpu (Chuyện người Thimpu) - cho rằng người dân Bhutan từng thực sự hạnh phúc, nhưng công nghệ hiện đại khiến họ bị ngắt kết nối. Người dân có xu hướng chán nản và buồn bã hơn.
“Bhutan là một đất nước Phật giáo. Tâm linh và tôn giáo có tác động rất mạnh mẽ. Thiết bị điện tử khiến người dân có nhiều mối bận tâm hơn, thậm chí quên cả việc cầu nguyện vào buổi sáng và tối. Thay vào đó, mọi người mải mê xem TikTok trên điện thoại", Tandin Phubz nói.
Giáo sư Jan-Emmanuel De Neve (Đại học Oxford) - thành viên nhóm thực hiện Báo cáo hạnh phúc thế giới hàng năm - cho rằng nếu không có một mức độ phát triển kinh tế nhất định, người dân sẽ không thấy hạnh phúc.
“Chúng ta không thể ngó lơ sự phát triển kinh tế. Đó là một phần quan trọng đối với hạnh phúc của người dân", Giáo sư Jan-Emmanuel De Neve nhận định. Cái tên "vương quốc hạnh phúc" bị cho là hư cấu nếu không có những chiến lược chú trọng phát triển kinh tế.
Nhiều chuyên gia cũng đặt câu hỏi, nếu chỉ số hạnh phúc ở Bhutan thực sự chính xác, không có lý do gì để người dân rời bỏ vùng đất này.
Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay vừa tuyên bố về mô hình hạnh phúc quốc gia 2.0, trong đó nhấn mạnh vào nền kinh tế. Giáo sư Jan-Emmanuel De Neve khẳng định đây là hướng đi đúng đắn. Bhutan sẽ cải thiện được tình hình khi tập trung nhiều hơn vào GDP bình quân đầu người.