Chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng Việt Nam: Nhộn nhịp thị trường đầu tư và buôn bán khí hóa lỏng LNG
Mặc dù mảng LNG tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, song do nó quá giàu tiềm năng, đã khiến các doanh nghiệp nhà nước như PV Gas lẫn tư nhân như Angelin Energy vô cùng xem trọng. Ngoài ra, rất nhiều dự án xây dựng hạ tầng cho mảng LNG trị giá vài tỷ đô đang được cấp tập xây dựng.
Năng lượng tái tạo và LNG sẽ dần trở thành nguồn năng lượng chủ lực của Việt Nam trong tương lai
Trong rất nhiều năm trước đây, nguồn năng lượng chủ yếu của Việt Nam đến từ nguyên liệu hóa thạch như khí, xăng dầu, than và thủy điện. Nhưng với việc, những nguồn năng lượng nói trên ngày càng cạn kiệt, khiến Việt Nam từ một nước xuất khẩu dầu thô trở thành một nước nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu sản xuất điện - đặc biệt là than; ảnh hưởng xấu tới an toàn năng lượng. Hơn nữa, những nguyên liệu hóa thạch truyền thống gây ô nhiễm môi trường nặng, không phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh của thế giới.
Theo AFS Global, LNG (Liquefield Natural Gas) là khí không màu, không mùi, không độc hại và không có tính chất ăn mòn, có nhiệt độ ngọn lửa vào khoảng 2340ºC và nhẹ hơn không khí. Thành phần chủ yếu là metan (khoảng 95%) và một lượng nhỏ các khí khác.
Do LNG là khí thiên nhiên (Natural gas) được hóa lỏng ở -120ºC đến -170ºC (tùy vào tỷ lệ thành phần hỗn hợp trong chất khí), giúp dễ dàng bảo quản và vận chuyển. Để sử dụng, chúng ta cần có dụng cụ để tái khí hóa LNG trở thành khí bình thường và các nhà máy có thể sử dụng trực tiếp khí này từ các đường ống dẫn.
Dù có những thuận lợi so với xăng dầu như mật độ năng lượng cao hơn, giảm số lần tiếp nhiên liệu cũng như giảm ô nhiễm môi trường, nhưng LNG vẫn chưa được áp dụng rộng rãi tại các nước đang phát triển, ví dụ như Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí rất cao trong việc đầu tư vào phương tiện cất giữ và vận chuyển, cơ sở hạ tầng, thiết bị, máy móc chế biến. Tuy nhiên, nó đã là nguồn năng lượng quan trọng ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu.
"Thế nên, việc chuyển dịch cơ cấu là điều tất yếu mà ngành năng lượng Việt Nam phải làm.
Công suất đặt nguồn điện trong năm 2019 khoảng 56.000MW, tỷ suất năng lượng tái tạo đã tăng đáng kể: thủy điện chiếm 21,3% tỷ trọng, điện từ than có 20,36%, khí – 7%, mặt trời – 5% đến 8%, dầu 2,3%, sinh khối – gió cùng chiếm 0,1% và nhập khẩu 1,1%.
Theo kế hoạch của Chính phủ, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 15% đến 20% trong cơ cấu điện năm 2030 và tăng lên 25% đến 30% trong năm 2040. Điện từ than và thủy điện sẽ giảm dần trong cơ cấu điện cung cấp, tăng năng lượng tái tạo và các loại vật liệu khí không có carbon, không gây ô nhiễm môi trường như LNG", ông Trịnh Đức Duy – Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than – Bộ Công thương, cho biết.
Kèm theo đó, đầu tư cho phát triển năng lượng ngày càng được đa dạng hóa, chuyển dần từ độc quyền nhà nước sang từng bước hình thành thị trường năng lượng. Đa dạng hóa sở hữu và phương thức kinh doanh, thúc đẩy việc xóa bao cấp, nhằm tiến tới xóa độc quyền, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn việc thực hiện chính sách xã hội hóa thông qua năng lượng.
Cụ thể, cơ cấu nguồn điện 2011 – 2019 đã có những thay đổi đáng kể: tăng tỷ trọng công suất nguồn điện BOT và tư nhân, giảm tỷ trọng nguồn điện của EVN và các tập đoàn nhà nước. Cơ cấu nguồn điện theo chủ sở hữu 2011 – 2019: PVN 1%, BOT 7%, tư nhân 27%, nhập khẩu 1%, EVN chiếm 61%.
"Quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Đầu tiên là sự chú trọng của Nhà nước đối với ngành năng lượng thông qua hàng loạt các chính sách, chiến lược và các cơ chế hỗ trợ, chỉ đạo sâu sắc, thường xuyên.
Nguồn tài nguyên năng lượng trong nước đa dạng và phong phú, còn nhiều tiềm năng để khai thác (đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo) để đảm bảo an ninh năng lượng.
Các phân ngành công nghiệp năng lượng như điện, than, dầu khí đã có những bước phát triển mạnh mẽ, năng lực, kỹ thuật ngày càng tăng thêm. Tiềm năng trong khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng còn dư địa lớn.
Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, hợp tác quốc tế trong khai thác và cung cấp năng lượng sẽ ngày càng phát triển", ông Trịnh Đức Duy nêu cụ thể.
Nhộn nhịp thị trường đầu tư và buôn bán LNG
Như đã nói ở trên, ngoài năng lượng tái tạo, thì LNG sẽ góp phần giải quyết bài toán phát triển năng lượng gắn liền với cam kết về chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Dự đoán, đến năm 2040, khí thiên nhiên sẽ chiến 30% tỷ trọng nguyên liệu sản xuất điện của thế giới. Thế nên, LNG sẽ trở thành nguồn nguyên liệu sản xuất năng lượng quan trọng của cả thế giới và Việt Nam trong tương lai.
Mặc dù hiện tại Chính phủ Việt Nam chưa có những chính sách thực cụ thể cho mảng năng lượng này, khi chỉ mỗi PV Gas cùng EVN được cung cấp khí LNG sản xuất trong nước và chưa cho nhập khẩu; nhưng để đón đầu xu hướng, đã có hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho LNG trị giá vài tỷ USD đang được triển khai khắp Việt Nam.
Tại Diễn đàn cấp cao về phát triển Năng lượng quốc gia 2020, 2 dự án ký kết trị giá lớn nhất đều thuộc mảng LNG. Đó là dự án nhà máy điện khí LNG Chân Mây với tổng số tiền đầu tư tầm 6 tỷ USD và dự án điện khí tại Cà Ná - tỉnh Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư tầm 3,85 tỷ USD. Còn theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 15 dự án lớn về hạ tầng cho việc nhập khẩu khí LNG sắp và đang triển khai khắp Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Tổng giám đốc PV Gas
"Nhu cầu LNG tại Việt Nam ngày càng tăng cao, bởi ngoài cung cấp cho các nhà máy điện, LNG còn được sử dụng trong ngành sắt thép, gốm sứ…; song nguồn cung trong nước hạn hữu và dần giảm sút. Dự đoán, Việt Nam sẽ cần 7 tỷ m3 LNG vào năm 2025, 20 tỷ m3 vào năm 2030", ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Tổng giám đốc PV Gas chia sẻ.
Cũng theo ông Bình, chủ đầu tư như PV Gas lẫn các đối tác trong ngành đều muốn có một chính sách rõ ràng và toàn diện cho ngành. Nhà nước cần phải triển khai đồng bộ hạ tầng cho ngành, như càng biển, khu công nghiệp, đường ống dẫn khí…PV Gas hiện có 2 dự án hạ tầng LNG lớn: 1 ở Thị Vải – cung cấp 3 triệu m3/năm, sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2022; 1 ở LNG Sơn Mỹ - năng suất 10 triệu m3/năm, sẽ vào hoạt động đầu năm 2025.
"Hiện Nhà nước chưa có một quy hoạch tổng thể về ngành điện khí, về cảng biển, khu công nghiệp…; cũng như chưa có những tiêu chuẩn – quy định về công trình và thiết bị phục vụ cho ngành LNG. Do đặc thù ngành LNG, quy hoạch tổng tế và quy chuẩn nghiêm ngặt là điều vô cùng cần thiết. Thế nên, PV Gas và EVN muốn phối hợp với Bộ Công thương nhằm có thể đưa ra một bảng quy hoạch chung cho ngành sớm nhất có thể.
Với mục tiêu trở thành hub LNG của khu vực, theo chỉ thị 60 của Thủ tướng Chính Phủ, chúng ta đã huy động nhiều nguồn lực xã hội để phát triển ngành LNG. Hiện có rất nhiều dự án đầu tư hạ tầng LNG có chủ đầu tư trong lẫn ngoài nước ở khắp Việt Nam, như ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huế, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vùng Tàu…Tuy nhiên, nếu không sớm có quy hoạch sẽ dẫn đến tình trạng mạnh ai người nấy làm và hạ tầng không đồng bộ, gây lãng phí nguồn lực quốc gia.
Phát triển ngành LNG phải có lộ trình cụ thể và có sự điều tiết từ Nhà nước để đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng đủ nhu cầu thị trường", ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.
Ngoài ra, ông Bình còn mong Chính phủ cân nhắc vai trò đặc biệt của PV Gas và EVN khi xây dựng bảng quy hoạch tổng thể. Nôm na, PV Gas và EVN muốn được dẫn dắt thị trường.
"Tại các nước như Hàn Quốc, Thái Lan hay Singapore, trong giai đoạn đầu xây dựng và phát triển ngành LNG, họ đều dùng doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp có thế mạnh cốt lõi để làm đòn bẫy thúc đẩy thị trường. Như Singapore, Chính phủ nước này đã đầu tư vốn vào các mỏ ở Trung Đông, Đông Âu… sau đó nhập khẩu và kinh doanh khí LNG, không chỉ cho bản thân mà còn bán cho nhiều nước khác.
Thế nên, dù Chính phủ chúng ta có lộ trình mở trong lĩnh vực đầu tư LNG hay khuyến khích phát triển nguồn lực tư nhân, Uỷ ban vốn Nhà nước có thể suy nghĩ và xem xét vai trò đặc biệt của EVN và PV Gas. Ngoài ra, việc nhập khẩu năng lượng – cụ thể là LNG, còn ảnh hưởng đến cán cân thương mại cũng như địa chính trị", Phó Tổng giám đốc PV Gas nhấn mạnh.
Bà Bùi Thị Hồng Vân – Giám đốc công ty Angelin Energy
Và không chỉ doanh nghiệp nhà nước như PV Gas, mà các doanh nghiệp tư nhân như Angelin Energy cũng rất háo hức tham gia lĩnh vực này.
"Tại thời điểm hiện tại, chúng tôi đang tập trung vào dự án SSLNG (small scale LNG) – khí LNG quy mô nhỏ, với đối tác chiến lược là Tập đoàn dầu khhí quốc gia Nhật Japex.
Do nhà nước chưa có những luật định cụ thể cho phép nhập khẩu LNG nói chung, nên chúng tôi có một vài đề xuất giải pháp cho việc nhập khẩu LNG tức thời. Vì các trạm thu kho nổi chứa và tái khí hóa tại đất liền giúp lưu trữ với số lượng lớn đòi hỏi đầu tư và nguồn vốn lớn. Theo dự đoán của tôi, trong khoảng 3 đến 5 năm tới, chúng ta vẫn chưa thể nhập khẩu khí LNG theo số lượng lớn.
Nhưng trước mắt, chúng ta có thể cho phép nhập khẩu LNG iso tank – khí LNG lưu trữ trong các bồn chuyên dụng nhỏ. Với LNG iso tank, chúng ta không cần đầu tư nhiều về trạm lưu trữ cũng như các giải pháp đồng bộ khác, đã có thể thực hiện đầy đủ các chức năng về nhập và phân phối nguyên liệu tại cảng như các nguồn nguyên liệu khác. Hạn chế duy nhất, LNG iso tank chỉ phù hợp cho các nhà máy công nghiệp, không phải nhà máy điện", bà Bùi Thị Hồng Vân – Giám đốc công ty Angelin Energy, kiến nghị.
Khí LNG nói chung đã được khai thác tại thị trường Việt Nam, còn LNG iso tank thì vẫn chưa được khai thác nhiều. Do đó, bà Hồng Vân mong muốn việc nhập khẩu ISO tank sẽ được cho phép như một phương án cung ứng năng lượng mới không gây ô nhiễm môi trường tới các nhà máy công suất lớn ở Việt Nam.
Đồng thời, các ban ngành liên quan sẽ tạo cơ chế, mở ra cơ hội tốt để các nhà đầu tư FDI có thể tham gia thị trường, nhập khẩu và phát triển các dự án ISO tank tại Việt Nam.