Chuyện chưa kể về nghẽn lệnh Hose: Có hay không sự mất công bằng giữa các CTCK, tự doanh CTCK và nhà đầu tư?

24/06/2021 13:44 PM | Kinh doanh

Thiết kế của hệ thống HoSE chỉ có một ngưỡng chịu lỗi nhất định, nếu lỗi quá ngưỡng có thể gây sụp đổ hệ thống và đó là điều Sở lo ngại, gây ra việc phải đóng cửa thị trường vào 1/6 vừa qua.

Sáng nay CLB Nhà báo tổ chức toạ đàm trực tuyến "Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và Giải pháp" là cơ hội kết nối thông tin từ nhà quản lý đến các thành viên thị trường, để giải đáp các nghi vấn, thắc mắc quanh câu chuyện nghẽn lệnh kéo dài và làm rõ giải pháp trước mắt, giải pháp trung hạn của việc thông lệnh, giữ an toàn giao dịch. Đồng thời, gợi mở một số giải pháp nền tảng khác cho thi trường chứng khoán để phát triển bền vững hơn, rộng mở cơ hội cho nhiều người.

 Chuyện chưa kể về nghẽn lệnh Hose: Có hay không sự mất công bằng giữa các CTCK, tự doanh CTCK và nhà đầu tư?  - Ảnh 1.

Các diễn giả tham gia chương trình

Nhà báo Phạm Oanh: Xin anh Trà chia sẻ về tình trạng nghẽn lệnh thời gian qua. Thị trường trải qua nhiều phiên NĐT không được sửa huỷ lệnh, liệu có xảy ra tình trạng mất cân bằng giữa các CTCK, giữa tự doanh các CTCK với nhau?

Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Hose: Nói lại về bản chất của việc quá tải hệ thống công nghệ của Hose thời gian qua, chúng ta biết rằng mỗi hệ thống được xây dựng trên các nền tảng và tham số khác nhau, hệ thống của Hose liên quan đến một tham số cơ bản là số lượng lệnh mà hệ thống có thể xử lý trong 1 ngày giao dịch, năng lực tối đa xử lý của hệ thống HOSE là 900.000 lệnh/ngày. Chúng ta nói nhiều về dữ liệu tăng trưởng TTCK thời gian qua (số lượng nhà đầu tư, thanh khoản..), để nói lên thực tế rằng số lượng lệnh tham gia vào thị trường vượt quá 900.000 lệnh. Nó giống như con đường thiết kế để sử dụng 900.000 xe tham gia giao thông, nhưng số lượng xe thực tế vượt quá số lượng đó gây ra tắc nghẽn. Khác biệt của hoạt động giao dịch so với giao thông là mỗi lệnh giao dịch không giống như xe ở trên đường, nó khác nhau ở tham số lệnh giao dịch.

Lệnh mua 100 cổ phiếu cũng là một lệnh, hay 10.000 cổ phiếu cũng là một lệnh, tất cả được tính vào con số 900.000 lệnh. Nên nếu tôi mua 100 cổ phiếu giá 10.000 đồng và lệnh 10.000 cổ phiếu giá 100.000 đồng nó làm cho giá trị giao dịch khác nhau.

Hệ thống được thiết kế theo phân bổ lệnh một CTCK sử dụng, khi CTCK sử dụng hết lượng lệnh phân bổ thì tình trạng nghẽn xảy ra ở CTCK đó nhưng nó không phải nghẽn ở tất cả các CTCK, do đó thời gian qua có tình trạng một số CTCK lớn nghẽn lệnh nhưng một số CTCK nhỏ lệnh vẫn vào được bình thường vì họ chưa dùng hết quote được phân bổ.

Thứ hai, về việc sửa huỷ lệnh. Các nỗ lực của cơ quan quản lý và thành viên thị trường thời gian qua nhằm xử lý khối lượng lệnh tham gia vào hệ thống gây nghẽn. Bước đầu tiên chúng ta thực hiện là nâng lô cổ phiếu từ 10 cp lên 100 cp, chúng ta giảm được 15-18% số lượng lệnh, thực tế có nhiều lệnh được khớp hơn và giá trị giao dịch đã tăng lên trong thời gian đó. Tuy nhiên con số này không duy trì được lâu vì số tài khoản mở mới vẫn gia tăng. Bước tiếp theo mà Sở GDCK đã đề xuất và phân tích với cơ quan quản lý như nếu nâng lô tiếp lên 1.000 thì giảm lượng lệnh tham gia 50% nữa, hay đề xuất khác việc hạn chế sửa huỷ lệnh.

Trước khi có cơ chế tham gia sửa huỷ lệnh thì việc sửa huỷ lệnh trong 1 ngày giao dịch chiếm 1/3, tức là có khoảng 300.000 lệnh chỉ để sửa số trước đó, lệnh thực tế được khớp chỉ khoảng 600.000 lệnh. Nên khi chúng ta điều chỉnh liên quan đến việc sửa huỷ lệnh này thì số lượng lệnh được khớp tăng lên. Sau phiên 1/6 với việc tham gia của các CTCK kiểm soát sửa huỷ lệnh thì lượng lệnh sửa huỷ giảm từ 33% còn dưới 10%, chính vì vậy có thêm 200.000 lệnh được khớp nên có phiên giao dịch giá trị tăng lên 30.000 tỷ.

Quay trở lại việc kiểm soát lỗi 2G liên quan sửa huỷ lệnh, khi bị nghẽn các lệnh phải xếp hàng vào hệ thống, giống như để chờ đi qua trạm thu vé, khi đó hệ thống phải xử lý, lúc lệnh đang khớp bên trong chờ trả ra thì lại có lệnh sửa huỷ ở bên ngoài vào. Logic về mặt giao dịch gây ra lỗi và thiết kế của hệ thống này chỉ có một ngưỡng chịu lỗi nhất định, nếu lỗi quá ngưỡng có thể gây sụp đổ hệ thống và đó là điều Sở lo ngại, gây ra việc phải đóng cửa thị trường vào 1/6 vừa qua.

Việc kiểm soát sửa huỷ giảm lỗi 2G liên quan đến quy định về mặt giao dịch trực tuyến của HOSE với các CTCK. Theo Quy định hiện hành, nếu số lượng lỗi của CTCK vượt ngưỡng cho phép thì Sở có quyền ngắt kết nối CTCK đó để tránh ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống giao dịch. Đó là điều rất nặng nề và trong bối cảnh thị trường hiện nay không ai muốn điều đó xảy ra. Công văn của Hose đưa ra nhắc nhở CTCK chủ động kiểm soát lệnh sửa huỷ để tránh phát sinh lỗi 2G để tránh bị ngắt giao dịch. Các CTCK đã hưởng ứng rất tích cực, giúp việc xếp hàng "qua trạm thu phí" giảm bớt ở những giờ cao điểm, giúp khối lượng thông tin hệ thống phải xử lý giảm bớt đi, giúp thông tin trả ra mượt hơn.

Ý cuối cùng, có hay không sự phân biệt đối xử khác biệt giữa các CTCK? Có sự phân biệt giữa cơ chế phối hợp chung tay với nhau để giải quyết vấn đề với việc ra lệnh hành chính như cấm việc sửa huỷ, đảm bảo việc tuân thủ tuyệt đối, đây là nỗ lực cùng nhau để kiểm soát sửa huỷ đó. Thì, mỗi CTCK có một cách làm khác nhau nên có sự khác biệt giữa CTCK này với CTCK khác. Đó là cơ sở mà một số NĐT đặt ra câu hỏi.

 Chuyện chưa kể về nghẽn lệnh Hose: Có hay không sự mất công bằng giữa các CTCK, tự doanh CTCK và nhà đầu tư?  - Ảnh 2.

Nhà báo Phạm Oanh: Thưa ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN, tại sao 20 năm đã qua Sở GDCK HCM không làm chủ được công nghệ trong khi sàn Hà Nội chủ động công nghệ và năng lực lớn? Ông từng giữ vai trò Chủ tịch Sở Hà Nội, chủ tịch Sở SG và hiện là Chủ tịch UBCK?

Ông Trần Văn Dũng: Để nói tại sao 20 năm qua chưa làm xong hệ thống, tóm lại như thế này.

Một quá trình nhận thức, vì dự án này bắt đầu từ năm 2000, cá nhân tôi và các nhà kinh tế hiểu biết khá nhiều về chức năng của TTCK, cách tổ chức một TTCK, nhưng một hệ thống giao dịch bao gồm những gì và vận hành ra sao thì hồi đó tôi  tin rằng ở Việt Nam thời điểm đó không có nhiều người biết.

Nguyên nhân thứ 2 bắt đầu từ tính cầu toàn của cơ quan quản lý muốn tạo ra một hệ thống hiện đại theo kịp với thời đại, đồng bộ và hoàn thiện. Từ đó việc chuẩn bị hệ thống có rất nhiều vấn đề, chúng tôi thừa nhận như vậy. Khi hình thành ra dự án, một dự án khá phức tạp và thiếu kinh nghiệm triển khai thực tế. Chúng tôi cũng thừa nhận rằng, trong việc chậm có nhiều nguyên nhân khách quan và có nhiều nguyên nhân chủ quan, từ phía Cơ quan quản lý nhà nước và HOSE trong quá trình thực hiện dự án không kiểm soát được tình hình và chưa thực sự quyết liệt.

Năm 2000 chúng ta có quyết định của Chính phủ phê duyệt dự án, nhưng tại sao chúng ta không làm ngay vì không ai biết hệ thống ra làm sao. Khi đó chúng ta được Thái Lan hỗ trợ hệ thống, mở được thị trường vào tháng 7/2000, khi đó làm chậm lại. Trong quá trình chậm lại, để có hệ thống thực sự hiện đại thì cơ quan quản lý đã 2 lần thuê tư vấn nước ngoài xây dựng hệ thống TTCK Việt Nam và lập hồ sơ mời thầu cho hệ thống.

Khi chúng ta đấu thầu xong, trong quá trình triển khai chúng tôi nhận thấy giới hạn về mặt nhận thức là rào cản và mất thời gian để định hình các tính năng của hệ thống. Lúc triển khai, ban đầu chỉ dành cho Hose, nhưng thực tế dự án là tổng thể cho ngành chứng khoán, vừa cho Hose, HNX và VSD, thay thế cho HNX cho nên phạm vi mở rộng ra từ thị trường cổ phiếu, đáp ứng nhu cầu cả thị trường trái phiếu và phái sinh nên phạm vi mở rộng rất nhiều. Đó là quá trình rất khó khăn. Đặc biệt năm 2008-2009 quy mô đã lớn, chúng ta ký hợp đồng dịch vụ với Sở Thái Lan đang chạy rất trơn tru giai đoạn 2 nên có tâm lý chưa quyết liệt.

Cũng có những câu chuyện không may, khi ký hợp đồng với Sở Hàn Quốc thì một nhà thầu phụ của Sở Hàn Quốc thực hiện cấu phần thanh toán lưu ký họ bỏ cuộc, nên Sở Hàn Quốc mất rất nhiều thời gian để tìm đối tác thay thế. Đến khi mọi việc xử lý xong, chúng ta giải quyết các bài toán tổng thể, thi công, lắp đặt xong phần cứng và phần mềm đưa vào kiểm thử thì bùng phát Covid. Có thể quý vị nghĩ bùng phát chỉ chậm cùng lắm 1 tháng, 14 ngày cách ly thì chuyên gia có thể sang, nhưng có những vấn đề kỹ thuật trong thực hiện dự án. Hợp đồng ký kết dưới hình thức EPC không được thay đổi nội dung và kinh phí dự án, nên nếu hàng chục chuyên gia sang mất rất nhiều kinh phí, chúng tôi thấy có rất nhiều điều không may.

Trong quá trình làm HOSE và chúng tôi có lúc chưa xử lý vấn đề dứt điểm. Nhưng đến giờ phút này, từ 14/6 đã chạy thử nghiệm, cuối năm nay hệ thống KRX sẽ đưa vào hoạt động. Chúng tôi sẽ thực hiện đúng cam kết cuối tháng 6 đầu tháng 7 sẽ đưa vào vận hành hệ thống của FPT.

(còn tiếp..)

Châu Cao

Từ khóa:  nghẽn lệnh , HoSE
Cùng chuyên mục
XEM