Không giống như các chuyên gia nước ngoài chỉ coi Việt Nam là điểm dừng chân, là nơi làm việc, Dominic coi Việt Nam như quê hướng thứ hai của mình. Anh gây dựng Dragon Capital, từ một công ty vốn vỏn vẹn vài triệu USD trở thành công ty quản lý quỹ có quy mô 3 tỷ USD, và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có sức ảnh hưởng lớn nhất trên TTCK Việt Nam.
Đến năm 2020 là gần 30 năm anh đặt chân đến đất nước hình chữ S và gắn bó cả tuổi trẻ ở đây. 15 năm gần đây, năm nào Dominic Scriven cũng đón cả gia đình từ Anh tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28-29 Tết, rồi bay đi Phú Quốc và đón Tết ở Việt Nam.
Anh đã gắn bó với Việt Nam gần 30 năm, cảm nhận của anh về sự thay đổi của đất nước Việt Nam như thế nào?
Thay đổi rất nhiều, đặc biệt là mấy thành phố lớn: không nhận ra nổi và không hình dung nổi. Đầu những năm 90 Việt Nam gặp rất nhiều bất lợi khi chịu lệnh cấm vận của Mỹ, cho nên thế giới không thể tài trợ cho Việt Nam. Sau khi bỏ cấm vận năm 1994 và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Việt Nam đã nhận được dòng vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài để bắt đầu xây dựng lại. Không có nhiều người vào những năm ấy nghĩ Việt Nam có thể phát triển nhanh, mạnh, liên tục đến khi có cái gọi là Việt Nam hôm nay.
Tại sao anh lại chọn đến Việt Nam thời điểm đó?
Một lần vào năm 1990 tôi đến Việt Nam du lịch, đi từ Bắc vào Nam, và thấy Việt Nam là một đất nước khá thú vị, đa dạng. Núi có, đồng bằng có, biển có, song có, thành phố cổ cũng có, lịch sử rất ấn tượng và con người cũng rất cởi mở.
Người Việt Nam có lẽ không hiểu hết cái này: đối với người Tây Âu khi đó, thông tin về Việt Nam rất ít. Nếu có thì chủ yếu qua thông tin sai lệch từ các bộ phim của Hollywood nên người ta không hiểu Việt Nam là như thế nào. Khi đến thì họ rất bất ngờ, thấy người Việt Nam cởi mở, vui vẻ, mến khách, tử tế. Đó là lí do rất mạnh khiến nhiều người nước ngoài muốn lập nghiệp và sinh sống ở đây.
Ban đầu tôi đến đây để học thôi, đến Hà Nội làm sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, học ngôn ngữ tiếng Việt. Sau khi tìm hiểu về Hà Nội, về Việt Nam, tôi có ý muốn ở lại và làm cái gì đó. Lúc đó thì tôi nghiêng về việc lập công ty, mà rất may một số bạn bè Việt Nam có cùng quan điểm, thích làm chung nên không phải làm một mình. Đó là xuất sứ của công ty Dragon Capital.
Tại sao anh lại muốn học tiếng Việt?
Tôi muốn học "tonal language" mà trên thế giới chỉ có vài nước có ngôn ngữ đó nhưng không muốn học tiếng Trung Quốc, và chỉ có tiếng Việt – một ngôn ngữ của Đông Á. Kết hợp với kinh nghiệm sang khám phá nước Việt Nam, tôi quyết định đến Hà Nội. Học xong 2 năm, tôi quyết định xin ở lại tiếp, rồi lập công ty.
Nhìn vào sự lớn mạnh của Dragon Capital và một vài quỹ đầu tư khác, một số người nói với các nhà đầu tư nước ngoài muốn tới đây: "Việt Nam đang là thiên đường đầu tư, kiếm tiền dễ hơn nhiều các nước khác". Anh nghĩ gì về điều này?
Cái đó không đúng đâu. Kiếm tiền ở Việt Nam đâu có dễ đâu. Không, không! Một hiểu nhầm thường xuyên gặp đối với người nước ngoài là họ sang Việt Nam thấy người ở đây hết sức năng động và nhiệt tình, cho nên người ta nghĩ là cái gì cũng có thể làm được.
Nhưng họ quên rằng Việt Nam là nước rất đông người và chưa phải là nước giàu, rất nhiều người còn khó khăn. Người ta cũng chưa hiểu mức độ cạnh tranh của các công ty Việt Nam như thế nào. Và cũng có thể người ta chưa đánh giá đúng nhu cầu phải quản trị rủi ro. Thực tế là có những nhà đầu tư nước ngoài làm ăn được, nhưng cũng có nhiều người không làm ăn được.
Tôi nghĩ chìa khoá cho việc đầu tư ở Việt Nam đòi hỏi người ta phải kiên nhẫn, phải nhìn cái lâu dài và không chỉ lấy mà còn phải đóng góp cho đất nước này. Cái này tôi nói chung cho cả cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài.
Như anh nói thì các nhà đầu tư nước ngoài nếu muốn làm ăn được ở Việt Nam phải kiên nhẫn. Với cá nhân anh, có khi nào anh hết kiên nhẫn và muốn rời Việt Nam chưa?
Có nhiều cái may mắn trong trường hợp của tôi. Được dịp sang Việt Nam vào năm ấy và được các bạn cùng lập công ty và phát triển… Tuy nhiên, có lúc mình đang học tiếng Việt, học gần 6 tháng rồi mà ở Hà Nội người ta vẫn chưa hiểu mình nói gì, chưa nghe được người ta nói gì trong nhà hàng. Lúc đó tôi bức xúc và muốn đi về học ngôn ngữ khác.
Còn năm 1999, sau khủng hoảng tài chính châu Á, ban đầu các nước bạn trong khu vực ai cũng khủng hoảng hơn Việt Nam vì chưa mở thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sau đó các nước khác phục hồi rất nhanh và tăng trưởng trở lại nhưng Việt Nam năm 1999 vẫn suy thoái. Năm 2000 mới lập TTCK, ban hành các Luật Phá sản, Luật Ngân hàng…. và một mớ luật mới thì mới cải thiện được.
Ngoài 2 lần đó thì có nhiều lần khác gặp khó khăn, bực bội nhưng tôi vẫn tiếp tục.
Trong những lúc gặp khó khăn ở Việt Nam, điều gì giúp anh tiếp tục và không bỏ về anh hay tìm cơ hội ở một quốc gia khác?
Có những lúc bức xúc, bực bội hay thất vọng, buồn muốn bỏ cuộc, muốn đi tìm cơ hội mới nhưng mình đã ngồi lại, suy nghĩ, có bạn bè động viên, nghĩ về dài hạn hơn thì bớt đi bức xúc. Chỉ có vậy thôi.
Không chỉ mình tôi, nhiều người nước ngoài ở Việt Nam đều có chung nhận xét là tương lai ở Việt Nam tương đối sáng, dù không thể nói là không có thách thức, không có khó khăn. Mức độ đoàn kết, mức độ quyết tâm và thống nhất của người Việt Nam động viên tôi tiếp tục.
Nếu nhìn trên góc độ là một nhà đầu tư tài chính đã ở Việt Nam 30 năm anh thấy thị trường Việt Nam hấp dẫn ở điểm gì?
Không biết các bạn muốn nghe những nhận xét lạc quan, vui vẻ hay nói thẳng cả cái được và cái chưa được của thị trường tài chính và thị trường vốn Việt Nam?
Anh cứ nói thẳng cả 2 mặt thôi!
Về mặt cơ bản, khi đánh giá nền kinh tế Việt Nam về mức độ ổn định về chính trị xã hội, thái độ của chính phủ, hệ thống pháp luật Việt Nam tạo điều kiện cho doanh nhân, nhìn độ cởi mở của nền kinh tế, mức năng động của người Việt Nam… thì các nhà đầu tư tài chính có thể rất muốn đầu tư vào đây. Vì so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia thì Việt Nam hơn hẳn.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến mà không đầu tư được. Họ gặp chúng ta như các bạn và tôi, được nghe là ở Việt Nam có thị trường chứng khoán với 1.500 công ty niêm yết, tưởng có nhiều cơ hội đầu tư. Nhưng khi họ bắt đầu nghiên cứu thì thấy không tìm được cơ hội. Lý do là giữa nền kinh tế thật và nền kinh tế tài chính có kết nối nhưng mối quan hệ là gián tiếp, linh hoạt và rất khó để dự báo.
Thí dụ GDP tăng 7% không có nghĩa là chỉ số TTCK năm nào cũng tăng tương ứng bởi nó còn có nhiều yếu tố khác như lãi suất, khả năng sinh lời, thuế, về cơ cấu thị trường như thanh khoản, những giới hạn về khả năng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, mức đo giá trị doanh nghiệp, khả năng chia cổ tức, mức độ minh bạch, mô hình quản trị...
Năm ngoái TTCK Việt Nam tăng khoảng 7%, chỉ số của các thị trường cận biên trong đó có Việt Nam tăng 14%, chỉ số các thị trường mới nổi tăng 15%, chỉ số các thị trường phát triển tăng 25%. Thế thì người ta hỏi tại sao chỉ số S&P của Mỹ tăng 25-30% trong khi GDP của Mỹ chỉ tăng 3%? Đây là những nghịch lý.
Việt Nam rất thành công trong việc xây dựng một nền kinh tế thật, tăng trưởng mạnh, lâu dài, nền kinh tế cởi mở và có chiều sâu, rộng; từ đó có vai trò trên thương trường thương mại quốc tế càng ngày càng được cải thiện. Huấn luyện viên Thái Lan từng nói đội tuyển Việt Nam mạnh nhất Đông Nam Á, và có thể nói cả về nền kinh tế. Nhưng ngành tài chính Việt Nam phát triển sau, và cho dù so với 5-10 hay 15 năm qua chúng ta có thể thấy thị trường vốn Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn "thua" so với mong ước của một số nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, khi anh đi gặp các nhà đầu tư nước ngoài tại các buổi xúc tiến đầu tư, góc nhìn của họ với Việt Nam như thế nào?
Cách đây 5 năm có khá nhiều người chưa biết về Việt Nam. Còn bây giờ, trong giới đầu tư hầu như ai cũng biết đến Việt Nam cho nên những vấn đề mình trình bày như cơ cấu dân số, cơ cấu của nền kinh tế hay khả năng cạnh tranh thì người ta biết rồi.
Người ta quan tâm đến vấn đề chi tiết hơn, vi mô hơn ví dụ tại sao Việt Nam quá chậm trong việc chuyển từ chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang chuẩn quốc tế IFRS. Một bức xúc khác của nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề room, vì điều này mà Việt Nam chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi, và càng làm nhà đầu tư nước ngoài khó khăn hơn trong việc đưa ra quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Tất cả các vấn đề này đối với chúng ta không phải mới nhưng các bạn hỏi thì mình phải nói. Thông cảm nhé! (cười)
Anh có hài lòng với kết quả của các quỹ trong năm qua không?
Không hài lòng lắm.
Tôi nghĩ là phần lớn các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tại Việt Nam không hài lòng lắm với năm 2019. Lý do cơ bản nhất là hiệu quả đầu tư thấp hơn mong đợi, tăng trưởng không bằng chỉ số VN-Index. Trong ngành này người ta đặt nhiều tiêu chí, cũng không hẳn là phải cao hơn chỉ số VN-Index mỗi năm, có thể là 3 năm chẳng hạn hoặc 2 năm nhưng cơ bản nhất là người ta khó có thể không so sánh hiệu quả của mình với chỉ số VN-Index. Tôi nghĩ trong năm qua có rất ít nhà đầu tư đạt hiệu quả vượt được chỉ số VN-Index.
Thời điểm hiện tại Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn của dòng vốn Hàn Quốc. Dragon Capital bị ảnh hưởng gì?
Cũng không hẳn là cạnh tranh. Người Hàn có khách hàng riêng của họ, chủ yếu phục vụ nhà đầu tư Hàn Quốc nên không cạnh tranh với khách hàng của mình.
Tuy nhiên, cạnh tranh đến từ việc tìm kiếm cơ hội đầu tư. Một cổ phiếu nhưng giờ có tới 2 người muốn mua, chỉ có một người mua được thì người còn lại sẽ khó hơn. Nhưng hiện nay thì điều này chưa có ảnh hưởng trực tiếp và cũng không lớn. Nói chung là việc mở ra sự hiện diện của nhà đầu tư tổ chức nói chung là việc rất tốt dù là trong nước hay nước ngoài.
Mục tiêu của Dragon Capital thời gian tới là gì?
Dragon có chiến lược mở ra các nước khác, các nước đang phát triển ở châu Á. Dragon đã có công ty ở Myanmar, sắp thành lập một công ty ở Bangladesh và có dự án ở Sri Lanca, nhưng đến bây giờ quy mô vẫn nhỏ, chắc cần phải thêm thời gian và với cổ đông Dragon thì Việt Nam vẫn là sự quan tâm lớn nhất.
Lễ kỷ niệm 25 năm của Dragon Capital có sự xuất hiện của Thủ tướng Bhutan - Lotay Tshering. Cơ duyên nào giúp anh mời được Thủ tướng Bhutan tới Việt Nam?
Tôi có gặp năm ngoái khi sang Bhutan để tìm hiểu và khám phá đất nước này. Hôm đó, tôi tình cờ có ngồi ăn chung với ông và trao đổi với ông rất dài. Tôi thấy ông có tầm nhìn rất mới và thú vị, đáng để chúng ta nghe và nghiên cứu. Đó là lý do tôi mời ông ấy đến Việt Nam.
Anh đã đến tìm hiểu và khám phá Bhutan- đất nước được mệnh danh là hạnh phúc nhất thế giới và nói chuyện với Thủ tướng của họ. Nếu xét về một nơi để sống thì ở góc độ cá nhân, anh đánh giá mức độ hạnh phúc ở Việt Nam so với Bhutan ra sao?
Có một điều mà chúng ta thường xuyên nhầm lẫn. Chính ông Thủ tướng này nói trong gala của Dragon Capital: "Bhutan theo một cái chỉ số là nước hạnh phúc đứng thứ 95 trên thế giới và ông ấy còn nói tiếp: Việt Nam là nước hạnh phúc thứ 94 – tức là xếp trên cả Bhutan". Có nghĩa là Việt Nam thì hạnh phúc hơn Bhutan.
Còn nhầm lẫn ở đây là Bhutan thực sự không hẳn là nước hạnh phúc nhất thế giới. Nhưng Bhutan là nước mà có chủ trương rất sớm và đến bây giờ là dẫn đầu trong việc đặt chỉ số hạnh phúc bên cạnh GDP.
Mình rất hoan nghênh cái này và đó cũng là lý do chính mình mời Thủ tướng Bhutan đến Việt Nam trình bày và nghe về chính sách đó. Tôi nghĩ là cả Việt Nam, cả nước Anh và nhiều nước khác trên thế giới nên suy nghĩ về mô hình này.
Từ trước đến nay chúng ta lấy GDP làm thước đo, nước nào GDP cao là nước phát triển, là giỏi, thấp là không phát triển tức là kém. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác, hay chưa đủ.
Ở Bhutan họ phân tích các yếu tố liên quan đến hạnh phúc con người như theo dõi ngủ ban đêm bao nhiêu tiếng, đi làm một ngày bao nhiêu tiếng, ốm một năm bao nhiêu ngày, người ta có bao nhiêu con, sống bao lâu… và nhóm vấn đề thứ 2 là sự bền vững, đặc biệt là biến đổi khí hậu.
Ở Bhutan, họ không chỉ tính GDP, họ có thống kê nhưng bổ sung những gì liên quan đến hạnh phúc con người và các chỉ số liên quan đến bền vững, cộng hết vào một chỉ số gọi là chỉ số hạnh phúc.
Chính ông Thủ tướng là người thiết lập chỉ số này. Ông ấy nói, Bhutan chắc chắn không phải là đất nước hạnh phúc nhất thế giới nhưng ít nhất là một nước nghiên cứu nhiều và cố gắng phát triển, làm tốt hơn chỉ số đó.
Cái này là vấn đề rất đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Vấn đề này ai cũng biết nhưng không có nhiều nước hành động mạnh.
Trong hoạt động đầu tư, anh chia sẻ điều gì với quan điểm của Thủ tướng Bhutan về chỉ số hạnh phúc?
Dragon Capital đăc biệt chú ý đến là sự đa dạng sinh học, kết hợp với biến đổi khí hậu, rồi ô nhiễm môi trường…. nói chung là các vấn đề về phát triển bền vững.
Dragon Capital cũng đang đầu tư vào các lĩnh vực về năng lượng sạch. Đó là mối quan tâm riêng của anh hay là một lĩnh vực tiềm năng có thể đầu tư mạnh và sinh lợi lớn trong tương lai?
Cũng không biết trả lời thế nào nhỉ. Nếu chúng ta nói về năng lượng tái tạo thì có một số người cho rằng lĩnh vực này là ngành mới, có rủi ro pháp lý, tỷ lệ sinh lời cũng chưa cao mấy nên họ cho rằng nó không thú vị.
Cũng có những người nói là nên quan tâm đến để có giải pháp đối với biến đổi khí hậu, nhưng họ cho là cái này chưa đủ quy mô để ảnh hưởng lớn nên không quan tâm.
Còn quan điểm của Dragon Capital thấy đây là một nhu cầu thực sự. Nhiệm vụ của nhà đầu tư kiếm những nhu cầu thực sự và cung cấp giải pháp thì mình mới có nguồn lợi. Còn lời đó cao hay thấp là tuỳ từng dự án, góc nhìn của từng người.
Quan trọng là mình cân đối được nguồn vốn với mô hình đầu tư. Ví dụ một dự án năng lượng mặt trời 20 năm, mình phải kiếm nguồn vốn dài hạn 20 năm, còn những nơi chỉ có nguồn vốn 2 năm thì chưa gặp nhau được.
Hơn nữa là có một số người, trong đó có Dragon thấy ngành này nó gắn liền với khái niệm đầu tư có trách nghiệm. Đó là dạng đầu tư cố gắng làm nhẹ các vấn đề của chung xã hội. Cái đó cũng gắn liền với sự mệnh của Dragon nhiều người khác cũng như thế.
Tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ chia sẻ: "Quản lý quỹ là nghề rất đau đầu, khi thị trường lên cầm tiền cũng đau đầu, thị trường xuống thì cầm cổ phiếu cũng đau đầu. Anh thì sao?
Sống chung với lũ thôi. Những người say mê thị trường vốn là những người có một cái gì đó trong máu và thậm chí là trong ADN của người ta và dù lên xuống thì có áp lực nhưng không có cũng không được. Những người thực sự say nghề chứng khoán, vốn và đầu tư thì dù họ đi nước ngoài hay nghỉ thì ngày nào cũng phải theo dõi thị trường.
Anh có đón Tết ở Việt Nam không?
Tôi thì năm nào cũng ăn Tết ở Việt Nam. Còn 15 năm nay, vào 28-29 Tết, tôi đón mẹ, em gái, em rể ở sân bay và đi Phú Quốc. Tôi ăn Tết 15 năm ở Phú Quốc rồi và năm nay cũng vậy.
Tại sao lại là Phú Quốc?
Mình có 1 resort ở đó. Đối với thân nhân ở châu Âu thì thời gian này không đẹp tí nào: lạnh, tuyết, mưa, trời tối… nên nếu họ sang Việt Nam đi một nơi vui vẻ như Phú Quốc thì họ thích lắm.
Anh đã đi đến bao nhiêu tỉnh thành ở Việt Nam rồi?
Còn mỗi Sơn La, Điện Biên và Đồng Tháp là chưa đi, còn lại hầu như là đi hết.
Ngoài Phú Quốc, anh ấn tượng với tỉnh, thành phố nào khác ở Việt Nam?
Gần đây tôi rất ấn tượng với Huế. Huế có một lịch sử mà chúng ta vẫn có thể nhìn thấy hôm nay. Huế có sự yên tĩnh, tư duy không chỉ là làm ăn, mà còn về những sự tập trung khác.
Anh có dự định đầu tư vào Huế không?
Không. Huế là để thăm quan nhưng đầu tư là chuyện khác.
Anh yêu thích món ăn nào nhất ở Việt Nam?
Với việc là người ăn chay thì mình rất thích món ăn Việt Nam. Tuần vừa rồi mình vừa kiếm được một món cực kỳ ngon là bánh xèo chay.
Anh ăn chay bao lâu rồi?
Nếu định nghĩa mềm là không ăn thịt bò, thịt heo thì 40 năm rồi. Còn định nghĩa cứng là ăn chay trường thì gần 2 năm trở lại đây.
Vì sao anh lại chọn ăn chay trường?
Nhiều lí do khác nhau, nhưng có lẽ do triết học là chính.
Triết học cụ thể là gì?
Cái này là mỗi nơi mỗi ý nhé. Tôi không thích lấy đi cuộc sống của một con thú khác.
40 năm trước vì sao anh lại ăn chay?
Cũng một phần vì ý đó.
Ở Việt Nam rất nhiều năm rồi, anh thích điều gì nhất ở Việt Nam?
Thích nhiều nhất là tinh thần của người Việt. Người Việt rất lạc quan, không chịu thua và rất đáng ngưỡng mộ. Thí dụ có người nói là "vui là chính", "có phương án B", có người nói là "cố mà làm", "bỏ qua"….
Bản thân anh có phải là người lạc quan không?
Mình học tính lạc quan từ người Việt Nam, một phần.
Trí thức trẻ