Chuyện cả nhà F0 "nuôi" F1 trong phòng: Trớ trêu khi là thành viên duy nhất âm tính trong gia đình đều mắc Covid-19
Tại Hà Nội, nhiều thành viên trong cùng gia đình đều mắc Covid-19, duy chỉ có một người là F1, được "cách ly" riêng và phát sinh những tình huống trớ trêu.
F1 bị "cách ly" riêng
Gia đình anh Hoàng Tuấn Long, 46 tuổi, trú quận Bắc Từ Liêm có 3 thành viên đều mắc Covid-19, riêng anh là F1 "bền vững", bị "cách ly" một phòng riêng.
Anh kể, hai người con trai học lớp 8 và 12, sau khi đi học, được nhà trường thông báo trong lớp có F0, chuyển sang học online. Sáng 15/2, con trai lớn xuất hiện triệu chứng ho và sổ mũi, test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Từ đó, vợ và người con còn lại cũng nhiễm bệnh, riêng anh Long âm tính.
Không hoang mang, không lo lắng như những ngày đầu dịch mới xuất hiện, gia đình anh Long đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý "chiến đấu" với Covid-19.
Căn chung cư nhỏ có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và 1 không gian chung. Anh Long được "cách ly" một phòng riêng, các không gian còn lại trong nhà "nhường" 3 F0. Gia đình tuân thủ quy định của Bộ Y tế và khuyến cáo điều trị tại nhà của y tế địa phương, như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, khử khuẩn.
"Nhà chung cư không gian kín, để giữ tuyệt đối cho bản thân không mắc Covid-19 là điều rất khó. Nhưng đến hiện tại, tôi vẫn âm tính", anh Long nói và cho biết sức khỏe của gia đình đều ổn định vì đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19. Người con trai thỉnh thoảng ho húng hắng, nhưng không nghiêm trọng, các thành viên đều sinh hoạt và làm việc bình thường.
Mỗi ngày, mỗi thành viên một góc, tự sinh hoạt và làm việc – tinh thần này đã được rèn luyện trong hai tháng Hà Nội giãn cách toàn xã hội hồi cuối tháng 7/2021. Là đầu bếp trong gia đình, khi anh Long ra phòng bếp để nấu cơm thì 3 F0 lại vào phòng "trốn". Nấu xong, anh tự vào phòng cách ly ăn riêng, còn 3 mẹ con lại "hồ hởi" kéo nhau ra bàn cùng "đánh chén".
"Bữa cơm gia đình đầm ấm" đã là một ký ức rất xa xôi", anh hài hước.
Hình ảnh anh Long đăng tải gây bão mạng xã hội khi F1 được 3 F0 chăm sóc (Ảnh: NVCC)
Hôm trước, anh Long đăng tải lên mạng xã hội bức ảnh vợ và con trai "đưa cơm" cho anh trong phòng cách ly, với chú thích hài hước: "Khi bạn là F1 duy nhất trong nhà, thì bị nhốt vào phòng riêng. Còn ở ngoài, các F0... bung xõa".
Bức ảnh nhanh chóng gây bão mạng xã hội, không ít người bình luận cũng đang trong tình trạng giống anh Long khi là F1 duy nhất bị cách ly trong gia đình toàn F0.
"Bức ảnh hài hước, vui vui, xuất phát từ câu đùa của vợ tôi "Có khi mẹ con mình ‘cách ly’ bố riêng một chỗ". Giữa lúc quanh quẩn trong 4 bức tường phòng cách ly, tôi nghĩ ra những hoạt động, niềm vui để giúp bản thân không bị… trầm cảm", anh Long cười.
Quan điểm của anh là dùng hình ảnh để truyền tải tinh thần lạc quan giữa mùa dịch căng thẳng. Tại Hà Nội, dịch bệnh "leo thang" vượt 4.500 ca mắc mỗi ngày . Số ca mắc tăng cao sau kỳ nghỉ Tết do người dân di chuyển, giao thương nhiều nơi. Song, Sở Y tế Hà Nội khẳng định công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỉ lệ bệnh nhân nặng, tỉ lệ tử vong vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
"Dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta đã được tiêm vaccine, nên triệu chứng cũng nhẹ và không cần quá lo lắng. Mọi người nếu không may mắc bệnh, cứ lạc quan, không nên suy nghĩ quá nhiều", anh Long nói rằng đôi khi "ghen tỵ" và buồn vì thời gian này ít được giao lưu và đùa nghịch với các con.
F1 "bất tử" bỗng dương tính khi cả nhà đã âm tính
Chị Nguyễn Quỳnh Mai (tên nhân vật đã thay đổi), 33 tuổi, sống tại quận Bắc Từ Liêm, phát hiện mắc Covid-19 sáng 18/2. Trước đó, ba thành viên còn lại trong gia đình đều lần lượt mắc bệnh, nhưng nay đã âm tính.
Theo chị Mai, ngày mùng 5 Tết, chồng chị test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, không rõ nguồn lây. Chị rất lo lắng cho con gái 3 tuổi chưa được tiêm vaccine và mẹ già. Căn chung cư gia đình sinh sống tuy có hai phòng ngủ nhưng chỉ có một nhà vệ sinh, là vấn đề nan giải cho F0 điều trị và cách ly tại nhà, trong khi các cơ sở, thu dung hiện đang quá tải.
Để chuẩn bị, chị Mai mua găng tay, khẩu trang, nước khử khuẩn. Bốn thành viên đều đeo khẩu trang, xịt khuẩn nhà mỗi ngày. Chị nấu đồ ăn riêng, tráng nước sôi các bát đũa, rồi đặt trước cửa phòng cho chồng.
Mỗi lần đi vệ sinh, các thành viên đều sử dụng găng tay để bấm khóa cửa. 2 ngày, gia đình dùng gần hết 3 hộp găng tay 280 đôi. Oái oăm hơn, trước khi vào nhà vệ sinh, chồng sẽ nhắn tin, để chị bế con gái từ phòng khách vào trong phòng ngủ để tránh tiếp xúc. Mỗi lần như vậy, cô bé lại khóc "hết nước mắt" vì đang xem dở chương trình ti vi.
Mẹ con chị Mai chuyển ra phòng khách ở tạm khi bà ngoại và chồng mắc Covid-19 (Ảnh: NVCC)
Đến ngày 11/2, mẹ chị Mai cũng dương tính, chồng âm tính lần 1 - hai F0 cách ly trong hai phòng ngủ riêng. Chị ôm con gái và đồ đạc ra phòng khách "ở tạm". Từ đó, một mình chị vừa chăm sóc 2 F0, vừa trông con nhỏ.
"Biết nhà hàng xóm cùng tầng chung cư ở quê chưa lên Hà Nội, tôi xin đưa con gái qua đó ở nhờ vì sợ con bị lây nhiễm", chị kể và cho biết trong khoảng thời gian này, 2 F0 tự chăm sóc nhau, nếu có đồ chị sẽ đặt ngoài cửa nhà, F0 tự ra lấy.
Ba ngày cả gia đình lại test nhanh một lần, thì ngày 13/2, bé gái 3 tuổi cũng dương tính dù không xuất hiện triệu chứng. Mẹ và chồng chị Mai sang nhà hàng xóm đón "F0 mới" và F1 "bất tử" về nhà. Từ đó, cả gia đình cùng sinh hoạt chung, chị chấp nhận có thể là F0 bất cứ lúc nào.
Bữa cơm ngày thứ hai từ khi chị về nhà, mẹ và chồng nấu cơm, rồi hài hước nói: "Hai F0 và một cựu F0 mời F1 ra ăn cơm".
Nhiều ngày sau, dù đau đầu và chóng mặt, nhưng chị xét nghiệm vẫn âm tính. "Dù rất cẩn thận nhưng con gái vẫn bị lây nhiễm. Sau đó, tôi dọn về nhà, sống chung với 3 F0, vì con gái không ngủ cùng ai ngoài tôi", chị kể.
Đến sáng 18/2, ngỡ tưởng sắp hoàn thành cách ly khi 3 F0 cũng lần lượt âm tính, chị Mai bất ngờ test nhanh "hai vạch". Các thành viên trong nhà đùa sẽ "nhốt" F0 mới vào nhà vệ sinh để tự cách ly.
"Tôi đang dự định khi mọi người âm tính, kết thúc cách ly, sẽ đi học bằng lái xe, nhưng lại phải ở nhà thêm một tuần do bản thân nhiễm bệnh. Vậy là từ mùng 5 Tết đến nay, tôi phải ở nhà, chắc phải cách ly đến hết tháng", chị nói.
Bé gái 3 tuổi mắc Covid-19 đến nay đã âm tính (Ảnh: NVCC)
2 F0 là những đối tượng nguy cơ nhất trong nhà
Gia đình anh Nguyễn Hoàng Nam (tên nhân vật đã thay đổi), 38 tuổi, quận Thanh Xuân, có 7 thành viên, gồm 5 F1 và 2 F0. Sau khi khai báo y tế phường, các thành viên được hướng dẫn chăm sóc, điều trị tại nhà.
Căn nhà 3 tầng được chia thành các khu vực, tầng 1 gồm nhà bếp và phòng khách, tầng 2 dành cho các F1, còn tầng 3 dành riêng cho F0.
Anh Nam kể, ngày 13/2, vợ anh lên công ty làm việc được thông báo trong phòng có F0. Thời điểm đó, chị test nhanh âm tính. Tuy nhiên, hai hôm sau, các triệu chứng bệnh xuất hiện, chị trở thành F0. Không may, bé trai hơn một tháng tuổi – con út, cũng lây nhiễm Covid-19 từ mẹ.
"Tôi khá lo lắng vì con còn nhỏ, nên đã xin ý kiến các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Nhi Trung ương cách chăm sóc và điều trị. Do mẹ đang cho con bú nên được hướng dẫn không dùng thuốc, chỉ xông và súc miệng, họng thường xuyên, đo chỉ số SpO2", anh Nam cho biết.
Những ngày qua, sức khỏe vợ anh ổn định, chỉ hơi ho, còn bé trai sơ sinh bú bình thường. Để tránh bé bị trớ, mẹ đã chia ra nhiều cữ ăn trong ngày.
Mỗi ngày, bà nội hơn 60 tuổi và con gái lớn sẽ nấu cơm, đưa lên tầng 3 cho F0, còn anh Nam chịu trách nhiệm dọn dẹp, xịt khuẩn khắp nhà. Do mới sinh, nên vợ không thể một mình chăm sóc con, anh Nam thỉnh thoảng lên tầng 3 chăm sóc con giúp vợ, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch.
"Người lớn trong nhà đã được tiêm đủ liều vaccine Covid-19 nên không quá lo lắng. Hi vọng hai mẹ con sớm âm tính để cả nhà đoàn tụ". Đến ngày 18/2, người vợ đã âm tính trở lại, còn bé trai vẫn dương tính.
Hà Nội hiện có hơn 96% F0 điều trị tại nhà
96,58% F0 ở Hà Nội điều trị tại nhà
Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ngày 17/2 cho biết, Hà Nội hiện có 148.825 bệnh nhân đang điều trị, cách ly tại nhà, chiếm 96,58% tổng số F0. Sau Tết Nguyên đán, số ca mắc tại Hà Nội tăng cao đột biến, nâng tổng số ca trong đợt dịch thứ 4 lên 191.547.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố phải phân tải được bệnh nhân điều trị tại nhà. Đây là vấn đề hết sức quan trọng bởi phân luồng và phân tuyến đúng sẽ giúp giảm tải hệ thống y tế. Đồng thời, Hà Nội đã thực hiện tiêm chủng đạt tỉ lệ rất cao và hiện đang tiếp tục thực hiện tiêm phủ mũi 3 cho toàn bộ người dân và tiêm mũi nhắc lại cho người suy giảm miễn dịch.
Theo bà Hà, ngành y tế bắt buộc phải phân tầng, điều trị tại nhà ngay, không để bệnh nhân đi hết bệnh viện. Cụ thể, hệ thống y tế sẽ thực hiện điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện tầm khoảng 8-10%, còn 90% bệnh nhân điều trị tại nhà.
Thủ đô hiện đã kích hoạt 8.000 giường bệnh dành cho những người có dấu hiệu từ trung bình trở lên và đưa vào tất cả các tuyến điều trị. Các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện chuyên gia, đa khoa đều tham gia điều trị Covid-19. Cơ bản phải thực hiện thật tốt việc phân tầng bệnh nhân ngay từ y tế cơ sở. Sau khi phân tầng phải phân luồng các bệnh viện và bệnh nhân được điều trị ngay tại địa bàn.
Hà Nội phân tầng bệnh nhân Covid-19 ngay từ y tế cơ sở
Theo bà Hà, trong trường hợp F0 nặng và nguy kịch mới chuyển lên tuyến trên như các bệnh viện hạng 1 của thành phố. Ngoài ra, Hà Nội cũng có thêm một số bệnh viện trung ương, bộ ngành. Thành phố đã có văn bản gửi tới tất cả bệnh viện này cùng tham gia điều trị Covid-19 trên địa bàn.
Ngoài ra, theo người đứng đầu ngành y tế Thủ đô, Hà Nội đã sử dụng phần mềm công nghệ thông tin để theo dõi những trường hợp người bệnh tại nhà. Mở tổng đài 1022 "lá chắn trên mây", bệnh nhân sẽ có hệ thống thầy thuốc đồng hành, ngoài ra người dân chủ động gọi vào số tổng đài có nhánh đường dây nóng Sở Y tế (nhánh 3.1) và mạng lưới thầy thuốc đồng hành (nhánh 3.2) để được tư vấn và hỗ trợ.