Chuyện bi hài về đồng 100 USD: Tiêu không được, tích trữ thì mất giá, bị người Mỹ 'ghét nhất'
Tờ 100 USD là mệnh giá được lưu hành nhiều nhất thế giới, nhưng đây cũng là đồng tiền bị người Mỹ ghét nhất.
Thông tin Bitcoin phá kỷ lục mới đây đã làm chấn động giới tiền số và các chuyên gia. Lần cuối cùng thị trường tiền số phá kỷ lục là khi lãi suất ở mức thấp gần 0%, nhưng lần này Bitcoin lại làm nên lịch sử khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn đang thắt chặt chính sách tiền tệ.
Việc Bitcoin tăng giá khiến nhiều người nhìn lại đồng USD, loại tiền được lưu thông phổ biến tại Mỹ cũng như trên thế giới.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay đồng 100 USD là mệnh giá được lưu hành nhiều nhất trên thị trường, nhưng trớ trêu thay đây lại là tờ tiền bị người dân Mỹ cùng các chuyên gia kinh tế ghét nhất.
Vậy chuyện gì đang xảy ra với đồng 100 USD trong bối cảnh tiền số phá kỷ lục?
Khó tiêu dùng
Cô Rayza Sison mang 5 tờ 100 USD đến một khu chợ trời ở New York để chi tiêu nhưng chẳng người bán nào chịu nhận. Những sạp hàng này nói rằng họ khó đổi tiền 100 USD và chỉ chấp nhận thanh toán trực tuyến qua Venmo hoặc Zelle.
Không từ bỏ hy vọng, cô gái 26 tuổi này quyết định sử dụng đồng 100 USD tại quán cà phê và quầy bán trái cây địa phương nhưng tiếp tục bị từ chối.
"Tôi đã hy vọng tiền mặt 100 USD sẽ dễ tiêu hơn, nhất là ở chợ trời, nhưng tôi đã sai", cô Sison ngậm ngùi.
Theo WSJ, cuộc thử nghiệm của Sison chẳng có gì lạ khi đồng USD là tờ mệnh giá phổ biến nhất ở Mỹ cũng như trên thế giới, thậm chí còn được lưu thông nhiều hơn cả đồng 1 USD.
Số liệu của FED cho thấy lượng tiền mệnh giá 100 USD lưu thông ở Mỹ đã tăng gấp đôi trong khoảng 2012-2022, một tốc độ tăng nhanh hơn bất kỳ đồng mệnh giá nào khác.
Tuy nhiên điều trớ trêu là người tiêu dùng Mỹ lại chẳng ưa gì đồng 100 USD bởi chúng phần lớn được dùng để tích trữ hơn là chi tiêu.
Ngay cả các nhân viên thu ngân khi nhận đồng 100 USD cũng phải tốn thời gian để xác minh xem đó là tiền thật hay giả do mệnh giá lớn.
Với các chuyên gia kinh tế, đồng 100 USD thường bị sử dụng trong các hoạt động phạm pháp, trốn thuế và đang bị kêu gọi giảm số lượng lưu thông để thúc đẩy mảng thanh toán trực tuyến.
"Giờ đây rất nhiều người sẽ đặt câu hỏi về tính hợp pháp, mức độ thật giả khi bạn đưa đồng 100 USD ra để tiêu", chuyên gia nghiên cứu và tiếp thị Sage Handley tại Texas cho hay.
Gần đây, vị chuyên viên tiếp thị 23 tuổi này đã có cuộc thử nghiệm chi tiêu đồng 100 USD và đăng chúng trên Tiktok, qua đó cho thấy sự bối rối của người tiêu dùng và sự hoài nghi của người bán hàng về động cơ sử dụng.
Nghi ngờ
Phóng viên WSJ cũng đã có một cuộc thử nghiệm ở Manhattan-New York khi cố gắng sử dụng đồng 100 USD thanh toán cho các mặt hàng giá trị nhỏ. Phần lớn thu ngân đều cảnh giác khi nghi ngờ động cơ của người mua.
Hầu hết họ đều cố gắng dùng các thủ thuật hay thậm chí máy dò để kiểm chứng độ thật giả của đồng 100 USD.
Tại một hiệu sách, nhân viên thu ngân thậm chí hét lên "xin đợi kiểm tra" khi phóng viên WSJ đưa tờ 100 USD cho một cuốn sách trẻ em trị giá 3 USD. Chuyện cũng dễ hiểu khi cửa hàng này từng bắt quả tang một khách hàng cố gắng dùng tờ 100 USD giả để chi tiêu.
Không dễ như hiệu sách, một nhà hàng đồ chay gần đó đã từ chối thanh toán bằng tờ 100 USD cho một chai Kombucha có giá 4,95 USD với lý do không có đủ tiền lẻ.
Báo cáo của FED cho thấy ngày nay 60% hoạt động thanh toán tại Mỹ là bằng thẻ ngân hàng. Việc sử dụng tiền mặt đã giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch và vẫn chưa phục hồi lại.
Hiện tiền mặt chỉ đứng thứ 3 về độ phổ biến trong các phương thức thanh toán tại Mỹ, nhưng tờ 100 USD lại vẫn lưu thông nhiều trên thị trường do các hoạt động tích trữ và tệ nạn xã hội.
Theo tính toán của giáo sư kinh tế Kenneth Rogoff thuộc đại học Harvard, mặc dù có một nửa số đồng 100 USD hiện nay là được lưu thông ở nước ngoài, nhưng ngay cả vậy thì số lượng còn lại tại Mỹ cũng đủ để mỗi công dân có khoảng 55 USD giá trị tính riêng trong năm 2022.
Hiệu ứng mệnh giá
Theo WSJ, trong khi tờ tiền lẻ nhanh hỏng và dễ bị thay thế sau mỗi đợt in tiền mới của chính phủ thì các đồng 100 USD lại có xu hướng tồn tại lâu hơn do được dùng tích trữ tài sản là chủ yếu.
Ngoài ra, chúng cũng thường bị dùng cho các hoạt động phạm pháp, giao dịch hàng cấm hay trốn thuế.
Tất cả những gì người dân thường làm là đưa những cọc 100 USD tiền mặt cho một mặt hàng xa xỉ rồi sau đó giao dịch lại để lấy tiền sạch.
Về phía các chuyên gia kinh tế, họ cho rằng sự bất tiện trong chi tiêu của tờ 100 USD chẳng giúp kích thích tiêu dùng mà chỉ có lợi cho các hoạt động phạm pháp.
Một nghiên cứu cho thấy các sinh viên đại học thường ít mua đồ hơn khi được cho đồng 100 USD so với 5 tờ 20 USD.
Đây được gọi là "Hiệu ứng mệnh giá" (The Denomination Effect) trong kinh tế học khi hình thức và giá trị đại biểu của đồng tiền có tác động đến nhu cầu chi tiêu của người dân.
Thậm chí với mức lạm phát hiện nay, tờ 100 USD cũng mất dần giá trị tích lũy mà chủ yếu được dùng cho hoạt động bất hợp pháp, tiền "bẩn". Một đồng 100 USD hiện nay chỉ có sức mua tương đương với khoảng 76 USD một thập kỷ trước.
Rõ ràng, trong khi tiền số bùng nổ thì tờ 100 USD tiền mặt lại đang bị người Mỹ căm ghét. Có lẽ chỉ những kẻ tội phạm mới đi thích tích trữ những đồng tiền này.
*Nguồn: WSJ