Chụp ảnh cưới ‘chăn gối’ ở nơi biểu tượng văn hoá: Độc lạ nhưng không thể nhố nhăng
"Ý tưởng bộ ảnh cưới đúng là độc, lạ thế nhưng nằm ra đường giữa chốn đông người hoàn toàn không ổn. Tôi thấy buồn cười, hành động gây chú ý khiến người đi đường đứng xem như xem xiếc...", nghệ sĩ Dzũng Art chia sẻ.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giao Thanh tra vào cuộc làm rõ việc chụp ảnh bê chăn gối ra bờ Hồ và địa điểm công cộng khác. Tác giả bộ ảnh nêu quan điểm “làm điều mình thích là được”.
Tác giả bộ ảnh Hải Lê Cao giải thích, không có chuyện “bị bế lên phường” như nhiều người lầm tưởng. Công an phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm xác nhận có yêu cầu nhóm chụp ảnh giải tán để tránh mất trật tự công cộng. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, Thanh tra Sở đang phối hợp chính quyền phường sở tại xác minh.
Bộ ảnh gây xôn xao nhưng Hải Lê Cao khẳng định “không để ý mấy đến dư luận và ý tưởng này không ảnh hưởng tới cộng đồng hay giao thông”.
Không chỉ là chuyện cản trở giao thông, khu vực đài phun nước gần Hồ Gươm còn có tính biểu tượng văn hóa?
Hỏi về hai nhân vật chính trước luồng dư luận, Hải Lê Cao tiết lộ họ chuẩn bị tâm lý rồi nên không phiền. Chú rể là thợ cắt tóc làm nghề tự do, cô vợ đang đi học và rất cá tính nên đã chụp bộ ảnh với thông điệp do tác giả đề xuất. Họ thoải mái thể hiện tình cảm giữa bàn dân thiên hạ. Hải Lê Cao từng chụp bộ ảnh cưới trên đỉnh núi cao gây tranh cãi trước đó.
Nghệ sĩ Dzũng Art: Độc lạ nhưng không thể nhố nhăng
Ý tưởng bộ ảnh cưới đúng là độc, lạ thế nhưng nằm ra đường giữa chốn đông người hoàn toàn không ổn. Tôi thấy buồn cười, hành động gây chú ý khiến người đi đường đứng xem như xem xiếc. Tôi khuyến khích các bạn trẻ tìm tòi những bộ ảnh cưới mới mẻ không giống ai nhưng làm gì cũng cần giới hạn, không gây ảnh hưởng đến người khác.
Tác giả ảnh nói đang làm điều mình thích và không ảnh hưởng tới ai, đó là ngụy biện! Ý tưởng này chỉ nên làm trong nhà, trên giường hay không gian bao la vắng vẻ chứ không thể phơi ra nơi công cộng, đi ngược nề nếp bình thường. Không gian Hồ Gươm là trung tâm thủ đô, biểu tượng văn hóa. Người nước ngoài hay người dân tỉnh khác nhìn thấy hai bạn trẻ nằm cười đùa giữa thanh thiên bạch nhật như thế lại nghĩ Hà Nội nhố nhăng vậy sao?
TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia: Cần xử lý mang tính nêu gương
Bộ ảnh cưới mang phòng ngủ ra đường này cho thấy nhận thức không đúng của một bộ phận giới trẻ. Họ không phân biệt được không gian riêng tư với công cộng. Có thể hiểu một phần bắt nguồn từ trào lưu trên thế giới, tuy nhiên nó không phù hợp hoàn cảnh văn hóa xã hội Việt Nam.
Nhân việc này chúng ta phải đặt câu hỏi: Quy chế văn minh công cộng được tuyên truyền nhiều nhưng sao không thực sự hiệu quả? Phải chăng văn bản chưa đi vào thực tiễn cuộc sống vì chưa phù hợp hay thông điệp chưa thu hút được người dân?
Ngành văn hóa Hà Nội tuyên truyền nhiều về quy tắc ứng xử, nhưng lại xảy ra không phải một mà nhiều sự việc phản cảm tương tự. Việc xử lý hành chính cần nghiêm túc hơn, mang tính làm gương hơn thì mới tránh được chuyện mang đồ ngủ ra nơi công cộng. Nếu không có giải pháp căn cơ thì chỉ giải quyết hiện tượng từ ngọn, sau này không chỉ ôm phòng ngủ ra đường mà còn nảy sinh nhiều hành vi phản cảm khác.
NGUYÊN KHÁNH (GHI)