Chuộng lối sống một mình, mỗi năm Nhật Bản có khoảng 68.000 người chết trong cô độc

15/05/2024 10:08 AM | Sống

Ước tính, có khoảng 68.000 người già qua đời một mình tại nhà ở Nhật Bản mỗi năm.

Ngày 13/5 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) lần đầu công bố số liệu về những cái chết cô độc tại nước này.

Cụ thể, chỉ trong 3 tháng đầu năm, đã có 21.716 người qua đời tại nhà mà không ai biết. Trong đó, có gần 80% số này trên 65 tuổi. Trong các nguyên nhân gây tử vong có tự tử.

Chuộng lối sống một mình, mỗi năm Nhật Bản có khoảng 68.000 người chết trong cô độc - Ảnh 1.

Người già Nhật Bản chọn sống một mình và chết trong cô độc

Dựa trên số liệu mới, cảnh sát Nhật Bản ước tính, có thể ghi nhận tới 68.000 người cao tuổi qua đời một mình tại nhà mỗi năm. Số người chết một mình do tự cô lập, bỏ bê bản thân cũng dự kiến tăng cao.

Từ năm 2023, Văn phòng Nội các Nhật Bản tổ chức nhiều cuộc họp nhóm công tác nhằm xác định thực trạng về những cái chết đơn độc ở quốc gia này.

Thuật ngữ koritsushi (chết trong cô độc) được biết đến ở Nhật Bản kể từ thảm họa động đất Kobe năm 1995, khi nhiều người cao tuổi buộc phải rời khỏi cộng đồng, sống trong các ngôi nhà tạm bợ. Một số sau đó tự cách ly bản thân, từ chối chăm sóc mình hoặc nhận chăm sóc từ người khác.

Định nghĩa công bố tháng 12/2023 cho thấy, koritsushi là "qua đời mà không ai biết và thi thể được tìm thấy sau một thời gian nhất định". Tình trạng này có thể trở nên phổ biến hơn khi dân số Nhật Bản già hóa nhanh chóng và tỷ lệ hộ gia đình độc thân sẽ tăng cao từ mức 36% hiện nay.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do các vấn đề trí nhớ và tâm thần, lưu ý chính phủ cần tìm cách hỗ trợ ngay cả khi những người cao tuổi từ chối được chăm sóc. Tác động của những cái chết cô độc với người ở lại như gia đình, hàng xóm cũng cần được xem xét.

Chuộng lối sống một mình, mỗi năm Nhật Bản có khoảng 68.000 người chết trong cô độc - Ảnh 2.

Chính phủ cần quan tâm đến cuộc sống của người cao tuổi ngay cả khi họ từ chối tiếp nhận

Báo Asahi nhận định, số hộ gia đình chỉ có một người ở Nhật Bản đang ngày càng tăng, nhất là khi đại dịch COVID-19 dẫn đến nhiều thay đổi trong xã hội.

Trong môi trường xã hội mới, các vấn đề liên quan đến sự cô đơn và cô lập, bao gồm thiếu thốn về kinh tế và vấn nạn tự tử, đang trở nên rõ ràng hơn.

"Xác suất cho những cái chết đơn độc kể từ giờ ngày càng tăng", Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Keizo Takemi phát biểu trước Hạ viện.

"Điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết vấn đề một cách trực tiếp và đúng đắn", bộ trưởng nói thêm.

Tỉ lệ sinh giảm và dân số già ngày càng tăng lên ở Nhật Bản

Do người trẻ ở Nhật Bản chuộng lối sống một mình, ngại kết hôn hoặc kết hôn muộn nên tỷ lệ sinh ngày càng thấp đi.

Theo dữ liệu sơ bộ do Bộ Y tế, lao động và phúc lợi, số trẻ sơ sinh năm 2023 đã giảm 5,1% xuống còn 758.631 trẻ, thấp hơn kỷ lục trước đó là 800.000 em trong năm 2022. Dân số, bao gồm cả cư dân nước ngoài, đã giảm 831.872 người, vì tỷ lệ tử vong cao hơn tỷ lệ sinh. Sự sụt giảm này diễn ra sớm hơn nhiều so với dự báo của Viện Nghiên cứu an sinh xã hội và dân số quốc gia của Chính phủ Nhật Bản, theo đó ước tính tỷ lệ sinh sẽ giảm xuống dưới 760.000 người vào năm 2035.

Dữ liệu của bộ trên cũng cho thấy số người qua đời trong năm 2023 ghi nhận mức cao kỷ lục 1.590.503 người, trong khi số lượng kết hôn giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến II, với 489.281 cặp. Trong khi đó, số vụ ly hôn là 187.798 vụ, tăng 4.695 vụ.

Theo Japan Times, Asahi

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM