Chứng minh thư văn hóa cho người trẻ
Mỗi lần ra phố, ngang qua cửa hàng trà sữa Gong Cha, thấy các bạn trẻ xếp hàng dài. Lên Facebook, thỉnh thoảng còn thấy có bạn sống ở nông thôn, cách thành phố vài chục cây số cũng kỳ công chạy vào phố, mua vài ly trà sữa này, rồi chụp hình và "check in" địa điểm.
"Vọng ngoại" ư? Tôi nghĩ không phải vậy, chắc là chỉ muốn thể hiện lối sống thế giới phẳng, công dân toàn cầu, cả thế giới uống trà sữa Gong Cha thì mình cũng vậy. Một ly trà sữa giá bảy chục nghìn đồng - số tiền không nhỏ với nhiều người trẻ, mà vẫn phải cố, dù chẳng biết mua một ly trà sữa như vậy, bạn đang khẳng định điều gì với cuộc sống của chính mình.
Biết là trong lòng người trẻ, ai nấy đều ấp ủ giấc mơ công dân toàn cầu, nhưng đều dừng lại ở mẫu số chung mơ hồ là làm việc và thành công ở các công ty nước ngoài đa văn hóa, được đi nhiều, hiểu biết văn hóa thế giới, biết vài ngoại ngữ và có chuyên môn giỏi. Thế nhưng, nhiều người muốn cho con cái ra nước ngoài học tập, làm việc thì nên chuẩn bị những gì, rút cục con đường nào ngắn nhất nếu như bạn ra đi từ một đất nước nhỏ, áp lực kỳ thị chủng tộc, áp lực kinh tế luôn đè nặng hằng ngày? Giáo dục cho con em sự thần tượng hóa phương Tây duy lý và thực dụng thì liệu có bằng được trẻ em của nước họ đã sinh ra trong cái nôi duy lý, thực dụng? Đó là điều rất khó.
Trong một cuộc trò chuyện về phụ nữ, tiến sĩ triết học Thái Thị Kim Lan - người đã giảng dạy triết học ở nhiều đại học châu Âu, chia sẻ: "Bằng tất cả nỗ lực của mình trong nghiên cứu, dịch thuật, hoạt động xã hội, tôi trở về với những giá trị đậm chất phương Đông thấm nhuần tư tưởng Phật giáo trong cách ăn, cách mặc, cách sống, cách thưởng ngoạn và cách tư duy... chỉ có văn hóa mới giúp nhận diện mình trước thế giới".
Những người đã thành đạt trong xã hội phương Tây như tiến sĩ Thái Thị Kim Lan quá hiểu dù công nghệ số có tạo ra sự chuyển động lớn trong xã hội, kết nối, học tập thì muốn thành công vẫn phải xuất trình được "chứng minh thư văn hóa", nếu không sẽ phải nỗ lực gấp chục lần để đạt được thành công, nhất là trong các lĩnh vực triết học, giáo dục, văn hóa.
Và "chứng minh thư văn hóa" càng tốt, sẽ càng có những mối quan hệ xã hội tốt, giảm thiểu áp lực kỳ thị, giảm thiểu cạnh tranh và cơ hội sẽ đến nhiều hơn.
Nhà thiết kế Minh Hạnh với kinh nghiệm nhiều năm ra các sàn thời trang quốc tế mô tả rõ hơn: một nhà thiết kế Việt ra sàn diễn thời trang quốc tế làm sao có tiếng nói riêng nếu như không chứng minh được bản sắc văn hóa của sự sáng tạo, lại chọn con đường làm thời trang kiểu Tây, kiểu Mỹ, dùng vải vóc do nước ngoài sản xuất thì chẳng thể ghi nổi một cái tên trên sàn thời trang thế giới.
Bỗng nhớ câu hỏi của rất nhiều phụ huynh là nên đầu tư cho con học văn hay học toán. Dĩ nhiên ai cũng hiểu ông bà ta nói "văn võ song toàn" thì con người mới hoàn thiện. Học toán chính là phát triển tư duy logic, duy lý và thực dụng. Học văn lại duy trì cách suy nghĩ duy tình của người Việt, nó bổ sung cho con đường một bản sắc riêng và hy vọng giúp người trẻ không lẫn lộn trong đám đông.
Tôi từng quen biết một người Việt trẻ sau khi tốt nghiệp đại học loại xuất sắc đã cố gắng vượt qua nhiều ứng viên khác để có việc làm tốt. Nhưng có việc làm tốt vẫn chưa đảm bảo chỉ số hạnh phúc lâu dài ở đất Mỹ. Anh này dành mấy tháng lương để mua xe máy phân khối lớn, nuôi tóc dài cột đuôi ngựa để tạo ra vẻ bề ngoài "hầm hố" nhằm bù đắp cho dáng người châu Á của mình. Nhưng một thời gian, quá mệt mỏi vì phải "chứng tỏ" mà vẫn vô ích, không cải thiện được mối quan hệ trong công ty, anh đã vứt bỏ cái vỏ bọc "hầm hố" đó và tiếp tục suy nghĩ về một bản sắc châu Á thuyết phục hơn.
Những người Việt thành đạt ở nước ngoài đều cho rằng, nếu có phông văn hóa tốt, dày dặn, thì con đường đi đến thành công ở bất cứ nơi nào, dù kinh doanh hay kỹ thuật cũng sẽ ngắn hơn người có cùng năng lực.