Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh thứ 2 thế giới nhưng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có nên tham gia thị trường vào lúc này?

16/08/2021 10:44 AM | Kinh doanh

Chuyên gia Dragon Capital cho biết trong 21 năm vừa qua đầu tư vào cổ phiếu tại Việt Nam và đầu tư theo phương pháp tái đầu tư cho cổ phiếu thì mức tăng trưởng bình quân 16%/ năm. Trong khi đó kênh bất động sản chỉ được 12%/năm. Việc nắm giữ USD có mức thấp nhất là 2,2%/năm.

Trên thị trường cổ phiếu, các chỉ số liên tiếp lập đỉnh cao mới, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường tăng mạnh thứ 2 trên thế giới.” Thông tin trên được ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra tại Hội nghị Công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 vào ngày 9/7.

Thị trường liên tục lập đỉnh kéo theo nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, số lượng tài khoản giao dịch đăng ký mới trên thị trường chứng khoán lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 482,8 nghìn tài khoản, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm 2020. Ước tính, mỗi ngày có gần 2.700 tài khoản chứng khoán mở mới.

Sau quãng thời gian hưng phấn, tăng trưởng liên tục, tháng 7 vừa qua thị trường trải qua nhịp điều chỉnh giảm khoảng 17% sau đó lại hồi phục. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có nên tham gia thị trường chứng khoán lúc này không là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Phân tích về bức tranh vĩ mô kinh tế Việt Nam tại buổi hội thảo trực tuyến tổ chức mới đây trên VnEpress, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư của Dragon Capital Việt Nam cho biết với tình hình Covid-19 thì việc lo lắng là điều ai cũng gặp phải.

Ông Tuấn cho biết mình cũng lo lắng, tuy nhiên dưới góc độ chuyên gia tài chính ông cho rằng trong sự lo lắng đó có những hy vọng nhất định.

Theo đó, tính tới ngày 29/7 số lượng vắc-xin về Việt Nam đã gần 10 triệu liều, thêm vào đó trong quý I/2022 dự kiến lượng vắc-xin sẽ lên 170 triệu liều. Điều đó có nghĩa lượng người tiêm vắc-xin từ 3 đến 6 tháng tới gần như đạt 50 đến 70% dân số Việt Nam. Ngoài ra các công ty trong nước đã bắt đầu sản xuất vắc-xin, nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất vắc-xin. Từ đó ông Tuấn tin rằng chúng ta có thể tự chủ được nguồn cung vắc-xin trong 2 đến 3 năm tới.

Theo nghiên cứu của Dragon Capital, Ấn Độ Và Indonesia kiểm soát dịch đợt này tốt hơn đợt trước. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất đặc biệt là một vài ổ dịch ở các khu công nghiệp. Dự kiến của công ty quản lý quỹ này là đến tháng 9 và tháng 10, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ đạt được trên 50% dân số tiêm vắc-xin. Cuối năm 2021 đầu năm 2022 có 40% dân số sẽ được tiêm phòng vắc-xin Covid-19. Điều đó có nghĩa là khi kinh tế Việt Nam mở cửa trở nhờ vắc-xin sẽ tốt hơn.

Chúng ta có thể thấy là mặc dù trong một chu kỳ kinh tế đóng cửa thì sẽ có những bi quan nhất định. Nhưng hãy thử nhìn nước Mỹ cách đây 6 tháng. Độ bi quan về quá tải bệnh viện, về giao thông vận tải rất lớn. Tuy nhiên sau khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại thì nền kinh tế phục hồi một cách vượt bậc.

Kinh tế Mỹ những năm trước tăng trưởng bình quân 2,2% thì năm 2020 kinh tế Mỹ rơi 3,3%. Kinh tế Mỹ năm 2021 mặc dù chưa mở cửa 100% nhưng cũng kỳ vọng tăng 6,7%. Điều đó chứng tỏ là khi Việt Nam chúng ta vượt qua đại dịch này thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng vượt bậc. Chúng ta cũng có thể thấy xuất nhập khẩu của Mỹ tăng trưởng vượt bậc thì điều này có nghĩa là Việt Nam chúng ta sẽ được hưởng lợi từ điều này”, chuyên gia đến từ Dragon Capital phân tích.

Không chỉ lấy ví dụ về kinh tế Mỹ hiện nay, ông Lê Anh Tuấn còn đưa ra ví dụ khác để chứng minh đầu tư dài hạn kể vào thời điểm đỉnh của thị trường vẫn sẽ có được lợi suất tốt.

Ví dụ cách đây 100 năm, thế giới trải qua đại dịch cúm Tây Ban Nha nguy hiểm và khiến số người chết từ 50-70 triệu người. Sau đại dịch cúm này, thế giới rơi vào chiến tranh thế giới thứ nhất, rồi sau đó là chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên ông Tuấn cho biết theo nghiên cứu của Dragon Capital chúng ta đầu tư khi đại dịch cúm Tây Ban Nha diễn ra, hai lần chiến tranh thế giới thì hiệu quả đầu tư của 100 năm qua cực kỳ tốt. Nếu chúng ta đầu tư vào cổ phiếu thì tốc độ tăng trưởng khoảng 10,5%/năm. Tốc độ tăng trưởng nếu đầu tư vào trái phiếu là 6,5%/năm trong khi bất động sản và vàng là hai kênh đầu tư kém nhất.

Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh thứ 2 thế giới nhưng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bạn có nên tham gia thị trường vào lúc này?  - Ảnh 1.

Chuyên gia quản lý quỹ này giải thích dễ hiểu rằng nếu vốn của bạn là 1.000 USD đầu tư qua 3 thế hệ, khoảng 100 năm thì các thế hệ sau của bạn sẽ có 21,6 triệu USD nếu đầu tư vào chứng khoán. Còn nếu các bạn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp mặc dù lãi suất chỉ từ 4% đến 6% so với 10,5% thì các bạn chỉ có 0,5 triệu USD. Còn nếu các bạn đầu tư vào vàng thì các bạn sẽ có 100.000 USD. Hiệu suất đầu tư của các khoản nhỏ trong thời gian dài là rất lớn. Như vậy có thể thấy là đầu tư cổ phiếu và trái phiếu trên thị trường thế giới lớn hơn vàng và bất động sản nhiều lần.

Câu hỏi đặt ra là đối với thị trường Việt Nam thì như thế nào?

Ông Lê Anh Tuấn thống kê sơ lược dữ liệu trong vòng 21 năm từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam thành lập. Theo đó trong 21 năm vừa qua đầu tư vào cổ phiếu tại Việt Nam và đầu tư theo phương pháp tái đầu tư cho cổ phiếu thì chúng ta được mức tăng trưởng bình quân 16%/ năm. Trong khi đó kênh bất động sản, cụ thể đây là bất đã động sản nhà ở thì được đâu đó 12%/năm. Kênh nắm giữ USD có mức thấp nhất là 2,2%/năm.

Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh thứ 2 thế giới nhưng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bạn có nên tham gia thị trường vào lúc này?  - Ảnh 2.
Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh thứ 2 thế giới nhưng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bạn có nên tham gia thị trường vào lúc này?  - Ảnh 3.

Nói nôm na nếu các bạn bỏ 100 triệu đồng vào chứng khoán năm 2000 đến giờ các bạn đã có 2,2 tỷ đồng Việt Nam vào năm 2021. Nếu các bạn bỏ vào giá trị chung cư theo Savills, CBRE thì 100 triệu đồng các bạn có gần 1,1 tỷ đồng. Còn bỏ vào USD thì số tiền thu về có 159 triệu đồng.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM