Chứng khoán thế giới xanh biếc, USD và vàng giảm mạnh

26/02/2022 14:30 PM | Xã hội

Thị trường tài chính kết thúc một tuần đầy kịch tính khi USD và vàng quay đầu giảm sâu trong khi chứng khoán và Bitcoin bật tăng trở lại. Sự “thèm muốn” đối với tài sản rủi ro được thể hiện rõ rệt trên thị trường chứng khoán Mỹ, khi S&P 500 tăng hơn 2% trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn cảnh giác với tài sản rủi ro vì vấn đề Nga – Ukraina và Fed.

Chứng khoán trên khắp thế giới hồi phục trong phiên thứ Sáu (25/2), trong khi USD và dầu quay đầu giảm giá sau khi các nhà đầu tư vui mừng với thông tin về cuộc hội đàm về chính sách ngoại giao mới về vấn đề Nga – Ukraina, và cũng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây hầu như không liên quan đến ngành năng lượng của Nga.

Chứng khoán đồng loạt bật lên, Dow Jones tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020

Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI World kết thúc phiên 25/2 tăng 2,43%; đưa mức giảm tính chung trong cả tuần chỉ còn 0,7%.

Đáng chú ý, chỉ số công nghiệp Dow Jones phiên này tăng 834,92 điểm (2,51%), sau khi đã tăng 0,28% ở phiên thứ Năm (24/2), trong khi S&P 500 tăng 95,95 điểm (2,24%) sau khi tăng 1,5% vào ngày hôm trước và Nasdaq Composite tăng 221,04 điểm (1,64%) sau khi tăng 3,3% vào thứ Năm.

Với những kết quả đó, Dow Jones kết thúc tuần ở mức 34.058,75 điểm, S&P 500 4.384,65 điểm và Nasdaq Composite 13.694,62 điểm

Tính chung cả tuần, Dow giảm 0,1%, S&P 500 tăng 0,8% và Nasdaq tăng 1,1%.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã mang lại cho S&P 500 mức tăng mạnh mẽ, khi cổ phiếu của Johnson & Johnson tăng 5% sau khi một thẩm phán Mỹ ra phán quyết rằng công ty con của nhà sản xuất thuốc này có thể tiếp tục phá sản, ngăn các nguyên đơn theo đuổi 38.000 vụ kiện công ty với cáo buộc bột trẻ em và các sản phẩm bột talc khác gây ung thư.

Thị trường chứng khoán Mỹ bước sang ngày hồi phục thứ 2 liên tiếp sau đợt bán tháo hồi đầu tuần, trong bối cảnh xu hướng giá ở các thị trường tài chính – hàng hóa khác cũng đảo chiều sau những giờ biến động cực mạnh.

Chỉ số chứng khoán chính của Nga lúc đóng cửa phiên 25/2 cũng tăng 20% ​​sau khi giảm kỷ lục 33% ở phiên 24/2.

 Chứng khoán thế giới xanh biếc, USD và vàng giảm mạnh  - Ảnh 1.

Chứng khoán Nga đang biến động mạnh hơn so với những đợt khủng hoảng trước đây.

Một số chiến lược gia cho rằng việc bán cổ phiếu có thể đã quá mức. Chỉ số S&P 500 vào đầu tuần đã giảm sâu xuống còn thấp hơn 10% so với mức cao nhất gần đây – ngày 3/1.

Dự báo thị trường chứng khoán trong những ngày tới sẽ tiếp tục biến động mạnh, song các yếu tố cơ bản bền vững xác định xu hướng giá vẫn là "sức khỏe" của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ sớm hướng sự chú ý trở lại tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và triển vọng lãi suất.

USD giảm khi nhu cầu tài sản rủi ro lại lên ngôi

USD giảm trong phiên vừa qua sau khi tăng mạnh ở phiên liền trước, khi các nhà đầu tư đánh giá lại những ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, giữa bối cảnh dữ liệu lạm phát của mỹ được cho là không thể làm cho Fed "quá khích" đối với việc tăng lãi suất trong kỳ họp sắp tới.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – đóng cửa phiên này giảm 0,459% xuống 96,54, với đồng euro tăng 0,59% lên 1,1257 USD. Mặc dù giảm trong phiên này, song Dollar index vẫn tăng tuần thứ 3 liên tiếp.

Ngay cả với đợt giảm hôm thứ Sáu, đồng đô la vẫn tiếp tục xu hướng tăng tuần thứ ba liên tiếp.

Phiên trước đó (thứ Năm, 24/2), đồng bạc xanh ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 10/11/21 để đạt mức cao nhất kể từ ngày 30/6/2020. Trong phiên đó, euro đã giảm xuống chỉ 1,105 USD, mức thấp nhất so với đồng bạc xanh kể từ ngày 1/6/2020. Tuy nhiên, USD sau đó giảm trở lại sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra các lệnh trừng phạt đối với Nga nhưng không áp đặt trừng phạt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và ngắt kết nối Nga khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT.

Dữ liệu kinh tế của Mỹ cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng nước này trong tháng 1 đã tăng hơn dự kiến ​​bất chấp áp lực giá cả gia tăng, với tỷ lệ lạm phát hàng năm đạt mức gần đây nhất bốn thập kỷ. Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chống chịu tốt với những "cơn gió ngược" là biến thể Omicron và giá dầu cao.

"Các con số lạm phát là lớn, nhưng ít nhất thì lạm phát hàng tháng không tăng quá nhiều so với tháng trước. Điều đó sẽ làm giảm khí thế của những thành viên Fed hiếu chiến nhất", ông Brian Jacobsen, chiến lược gia đầu tư cấp cao của Allspring Global Investments – trụ sở ở Menomonee Falls, Wisconsin, cho biết.

Lạm phát của Mỹ tháng 1 là 0,6% (so theo tháng), so với 0,5% của tháng 12.

Kỳ vọng về việc Fed tăng lãi suất ít nhất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 3 đã giảm xuống 25% trong ngày 25/2, từ mức khoảng 34% của ngày trước đó, theo công cụ FedWatch Tool của CME.

Trong báo cáo chính sách tiền tệ mới nhất của ngân hàng trung ương trước Quốc hội, Fed cảnh báo lạm phát có thể kéo dài hơn dự đoán nếu tình trạng thiếu lao động và lương tăng nhanh còn tiếp diễn.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết tình hình ở Ukraine có thể khiến ECB chậm lại quá trình rút lui khỏi các biện pháp kích thích. Các nước EU đã đồng ý đóng băng tài sản châu Âu của ông Putin và ngoại trưởng của ông, Sergei Lavrov.

Các nhà đầu tư hiện cho rằng chỉ có 4% cơ hội ECB sẽ tăng lãi suất tham chiếu lên 10 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách sẽ diễn ra trong ngày 10 tháng 3.

Rúp Nga phiên cuối tuần mạnh lên, tăng 1,67% so với đồng bạc xanh lên 83,04 RUB, sau khi chạm mức thấp kỷ lục lịch sử 89,986 trong phiên liền trước.

Đồng yên Nhật kết thúc tuần giảm 0,09% so với đồng bạc xanh, xuống 115,65 JPY/USD, trong khi bảng Anh tăng 0,19% trong phiên này, lên 1,34 USD.

Bitcoin hồi phục mạnh

Đồng Bitcoin phiên cuối tuần hồi phục mạnh, tăng khoảng 1,5% lên khoảng 39.000 USD. Ethereum phiên này cũng tăng 2,58% lên 2.703,53 USD.

Với sự cố giảm sâu xuống gần 34.000 USD hôm 24/2, Bitcoin tính chung cả tuần này vẫn mất khoảng 2.000 USD/BTC.

 Chứng khoán thế giới xanh biếc, USD và vàng giảm mạnh  - Ảnh 2.

Diễn biến giá Bitcoin tuần này.

Vàng mất mốc quan trọng 1.900 USD

Giá vàng cũng đảo chiều giảm 1% trong phiên cuối tuần sau những giờ giao dịch trồi sụt mạnh mẽ. Là một trong những tài sản trú ẩn hàng đầu, vàng giảm giá với lý do giống như USD, bởi nhu cầu của nhà đầu tư đối với tài sản rủi ro tăng mạnh trở lại.

Giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,9% xuống 1.887,05 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 4 giảm mạnh 2% xuống 1.887,60 USD/ounce.

Tuy nhiên, với việc căng thẳng Nga – Ukraina vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, dự báo giá vàng sẽ còn tiếp tục dao động mạnh trong những ngày tới, khả năng giá hồi phục là rất lớn.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Theo Vũ Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM