Chung kết Đường lên đỉnh Olympia: Thêm 2 câu hỏi lịch sử sai đáp án?
TTO - Sau đáp án sai về câu hỏi tiếng Anh mà ban tổ chức chung kết Đường lên đỉnh Olympia đã đính chính, lại có thêm hai câu hỏi liên quan đến lịch sử có "lấn cấn", nhiều khán giả theo dõi chương trình hoài nghi về độ chính xác thông tin đáp án.
Bùi Anh Đức (Trường THPT chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La) bước vào phần thi Về đích - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Tại phần thi Về đích, thí sinh Anh Đức nhận được câu hỏi 30 điểm với nội dung: "Dân gian có những câu: 'Chu tri rành rành/ Cái đanh nổ lửa/ Con ngựa đứt cương/ Ba vương tập đế/ Cấp kế đi tìm/ Hú tim bắt ập'. Ở đây, "Ba vương" là ba vị vua nào?".
Ban tổ chức đã đưa ra câu trả lời "Ba vương tập đế" chỉ vào việc trong vòng chưa đầy bốn tháng sau khi vua Tự Đức mất, đã có liên tiếp ba vị vua thay nhau lên ngôi là Hàm Nghi, Kiến Phúc và Hiệp Hòa.
Sau khi kết thúc chương trình, nhiều ý kiến cho rằng đáp án câu hỏi lịch sử này chưa chính xác, vua Hàm Nghi không thể nằm trong câu vè này.
Câu hỏi Bùi Anh Đức nhận được ở vòng thi Về đích, đáp án ban tổ chức đưa ra gây nhiều hoài nghi về tính chính xác - Ảnh chụp màn hình VTV
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một nhà sử học cho biết trong câu hỏi này nếu nói đáp án có vua Hiệp Hòa, Kiến Phúc thì đúng, nhưng chắc chắn không có vua Hàm Nghi. "Vua Hàm Nghi không thể ở trong đáp án này được, vì sau này đi kháng chiến ông bị đày ra hải đảo sau đó lấy vợ, đến năm 1944 mất.
Sự kiện 'tứ nguyệt tam vương' là từ 19-7 (ngày vua Tự Đức mất) đến 29-11-1883 (vua Kiến Phúc lên ngôi). Còn vua Hàm Nghi lên ngôi 2-8-1884 nên không liên quan đến câu vè 'ba vương tập đế'".
PGS.TS Hà Minh Hồng, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, cho biết câu vè này có nhiều dị bản và tùy theo mục đích của mỗi cuộc chơi.
Tuy nhiên để nhắc về lịch sử thì "ba vương tập đế" chính là ba vị vua bất bình thường lên ngôi trong vòng bốn tháng gồm vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc. "Vua Hàm Nghi lên ngôi sau đó nên không có trong đáp án này".
"Tuy nhiên câu vè này đã có từ xa xưa và có quá nhiều dị bản không phù hợp để đưa vào một cuộc thi kiến thức", ông Hồng nêu ý kiến.
Còn ông Nguyễn Hùng Vĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cho biết câu vè này vốn có nhiều dị bản, lại nằm trong một bài ca dao cũng có nhiều dị bản và có rất nhiều cách giải thích khác nhau.
Câu trích có những dị bản như sau: Tam vương ngụ đế; Tam vương ngũ đế; Ba vương ngụ đế; Ba vương bú tí...
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên trước 1945 giải câu "Tam vương tập đế" đó là ba ông đầu rau và hình tượng bếp lửa.
Cụ Trương Tửu năm 1959 chọn "Ba vương tập đế" và giải thích là các vị vua nhà Nguyễn trong sách Kinh thi Việt Nam, với phương pháp cách chú giải ca dao của các nhà nho Trung Hoa đời Tống.
Cách này khoa học nghiên cứu văn học dân gian đã chứng minh là áp đặt, thiếu tin cậy về mặt khoa học.
"Cái sai cơ bản là nằm ở người ra đề, không theo dõi nghiên cứu văn học dân gian nên cả tin vào một số ý kiến trên các trang mạng rồi ra câu hỏi và làm đáp án", ông Vĩ nói.
Vũ Bùi Đình Tùng (Trường THPT chuyên Trần Phú, TP Hải Phòng) nhận câu hỏi ở vòng thi Về đích - Ảnh chụp màn hình VTV
Cũng trong phần thi Về đích của thí sinh Đình Tùng, với câu hỏi "Tấm bản đồ địa lý nào của nước ta vẽ khoảng năm 1838, có ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam?".
Thí sinh Đình Tùng trả lời đáp án "Đại Nam thống nhất toàn đồ", sau đó MC đã xin ý kiến ban cố vấn, PGS sử học Lê Văn Lan đã trả lời và chấp nhận đáp án "Đại Nam thống nhất toàn đồ".
Tuy nhiên sau chương trình nhiều khán giả cũng đã phát hiện đáp án chính xác của câu hỏi này phải là "Đại Nam nhất thống toàn đồ" và cho rằng "thống nhất" và "nhất thống" có ý nghĩa rất khác nhau.
Đánh giá về đáp án này, một nhà sử học cho biết "Đại Nam nhất thống toàn đồ" là cách đọc của chữ Hán, nếu nói "Đại Nam thống nhất toàn đồ" là sai. "Khi nói chữ Hán thì phải đọc đúng theo trình tự chữ Hán để ý nghĩa không bị thay đổi", vị này nói thêm.