“Chứng chỉ xanh” - cứu cánh cho ngành du lịch châu Âu?
Cuối tuần qua, ngành du lịch và các hãng hàng không châu Âu hoan hỉ trước đề xuất thiết lập "Chứng chỉ xanh kỹ thuật số" của Ủy ban châu Âu.
" Chứng chỉ xanh kỹ thuật số" sẽ khôi phục tự do đi lại giữa 27 các nước châu Âu trong thời đại dịch, người mang chứng chỉ không cần phải liên tục làm xét nghiệm, mà cũng không cần phải cách ly, khi từ nước này sang nước khác.
Chứng chỉ trên được kỳ vọng vực dậy các hãng hàng không, khách sạn - nhà hàng, ngành du lịch nói chung.
Tờ Hallandsposten của Thụy Điển khẳng định: "Chứng chỉ xanh sẽ tạo thuận lợi cho đi lại và du lịch ngay cả trong thời đại dịch". Chứng chỉ đó sẽ chỉ bao gồm rất ít thông tin, có thể hiển thị toàn bộ trong một trang màn hình điện thoại.
Ngoài tên họ, ngày sinh và số căn cước, chỉ có 3 loại thông tin khác nhau: đã được chủng ngừa khi nào với vaccine nào, kết quả các xét nghiệm đã thực hiện, hoặc đã nhiễm COVID-19 hay chưa?.
Chứng chỉ thể hiện dưới dạng số và có thể tin ra giấy, cả hai đều có mã quét QR. Công dân châu Âu và người nước ngoài cư trú tại châu Âu có thể lấy chứng chỉ này, miễn phí, nhưng người nước ngoài có thị thực nhập cảnh châu Âu cũng có thể xin chứng chỉ nếu muốn.
Những tháng vừa qua, tranh luận diễn ra sôi nổi quanh ý tưởng hộ chiếu vaccine. Nếu không kín kẽ, thì chứng chỉ sẽ bất lợi cho những người không muốn hay không thể tiêm chủng ngừa COVID-19.
Tờ Politiken ra tại Đan Mạch viết: "Ủy ban châu Âu đã thận trọng, không gọi đó là giấy thông thành COVID-19 hay hộ chiếu vaccine, mà gọi là Chứng chỉ xanh kỹ thuật số". Không có từ nào trong tên gọi liên quan tới COVID-19, vaccine, hay hộ chiếu, thông hành.
Khách du lịch đeo khẩu trang đi dạo tại quảng trường Trocadero gần Tháp Eiffel, Pháp. (Ảnh: AP)
Tờ báo Đan Mạch nhấn mạnh rằng, đây không phải là chứng nhận đã tiêm chủng. Những người đã nhiễm COVID-19 và đã hồi phục có kháng thể trong máu. Kháng thể cũng có giá trị như vaccine và do đó vẫn có thể nhận chứng chỉ xanh mặc dù không tiêm chủng. Bài báo hy vọng chứng chỉ sẽ thành hiện thực vào tháng 6.
Ngày 21/6 sẽ bắt đầu mùa hè tại châu Âu. Một bài khác có tựa đề phấn khích: "Hè này đi du lịch được rồi!". Thậm chí, ông Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đan Mạch còn mơ tới viễn cảnh Liên minh châu Âu đạt thỏa thuận với Tổ chức Y tế Thế giới để chứng chỉ này sớm có giá trị trên toàn cầu.
Một tờ báo ra tại Đức cũng dùng từ "tự do đi du lịch" trong đầu đề bài báo trên trang nhất và nhấn mạnh chi tiết được mong chờ nhất, đó là: "Người đã có chứng chỉ, khi đi qua biên giới sẽ không còn bị bắt buộc phải xét nghiệm hay cách ly".
Tuy nhiên bài báo cũng chỉ ra một số chi tiết chưa rõ ràng, ví dụ như tiêm chủng bằng các vaccine chưa được Cơ quan Dược phẩm châu Âu phê chuẩn, như Sputnik V của Nga có được công nhận trong chứng chỉ xanh hay không?.