Chưa có doanh nghiệp đủ điều kiện làm cá cược thể thao ở Việt Nam

10/08/2022 10:42 AM | Xã hội

“Quan điểm của chúng tôi là đã có Nghị định của Chính phủ thì phải thực hiện. Nhưng hiện chúng ta chưa có doanh nghiệp đủ điều kiện làm cá cược thể thao nên hiện nay chưa triển khai được", Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công an sáng 10/8, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, đoàn Đồng Tháp quan tâm đến loại tội phạm đánh bạc, tổ chức cá cược trên mạng đã và đang diễn ra phức tạp, khó lường. Theo đại biểu Hoà, dù lực lượng công an đã xử lý rất nhiều vụ việc, nhưng vẫn không thuyên giảm, mà còn phức tạp, tinh vi hơn.

"Vậy đâu là nguyên nhân?", đại biểu đặt câu hỏi: “Tôi nghĩ đã đến lúc cần phải cho phép thực hiện Nghị định 06 năm 2017 về cá cược để quản lý chặt chẽ hơn và thu được thuế. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này ra sao?”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dù đã có Nghị định, nhưng các cơ quan chuyên môn, Bộ Tài chính vẫn chưa chọn được đơn vị nào làm đầu mối triển khai.

“Quan điểm của chúng tôi là đã có Nghị định của Chính phủ thì phải thực hiện. Nhưng hiện chúng ta chưa có doanh nghiệp đủ điều kiện làm cá cược thể thao nên hiện nay chưa triển khai được. Chúng tôi cũng ủng hộ việc này, để giảm bớt tình trạng bất hợp pháp về việc này”, Bộ trưởng cho hay.

Duy trì tấn công tội phạm 'tín dụng đen'

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) chất vấn, vừa qua tình hình tội phạm 'tín dụng đen', cho vay nặng lãi diễn biến phức tạp. Giải pháp của Bộ Công an để ngăn chặn, xử lý loại tội phạm này?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong 3 năm qua, Bộ Công an đã phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý, giải quyết, trấn áp mạnh và kìm chế, đẩy lùi tội phạm ội phạm 'tín dụng đen', cho vay nặng lãi, không còn hiện tượng phức tạp, công khai, lộng hành như trước. Nhưng tình hình vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là cho vay qua mạng.

Gần đây, Bộ Công an đã triệt phá các băng nhóm cho vay qua app, hoạt động với quy mô lớn ở nhiều tỉnh, thành, thậm chí có người nước ngoài tham gia điều hành. Trong đó, có hàng trăm ngàn khách hàng vay, số tiền hàng nghìn tỷ đồng…

Theo ông Tô Lâm, nguyên nhân của tình trạng trên là nhu cầu vay tiền trong nhân dân vẫn còn rất lớn và việc xử lý tội phạm liên quan "tín dụng đen" có nhiều khó khăn do nhiều đối tượng có thủ đoạn, lách luật nên rất khó xác định ranh giới giữa dân sự với hoạt động tội phạm hình sự trong hoạt động cho vay.

"Nếu không thận trọng có thể hình sự hóa hoạt động dân sự nhưng nếu không tốt, kỹ sẽ bỏ lọt tội phạm", Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì tấn công tội phạm "tín dụng đen", đồng thời, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về hoạt động "tín dụng đen"; phối hợp với ngân hàng để có thể giúp người dân tiếp cận vốn vay tốt hơn, không phải vay tín dụng đen…

Nghị định 06/2017/NĐ-CP, có 3 loại hình đặt cược được phép kinh doanh là đặt cược đua ngựa, đua chó và đá bóng quốc tế. Để được tham gia đặt cược, Nghị định 06/NĐ-CP quy định người chơi phải đảm bảo điều kiện là đủ 21 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

Nghị định 06/2017 quy định mức đặt cược tối thiểu là 10.000 đồng/lần và tối đa 1.000.000 đồng/ngày/từng sản phẩm đặt cược. Việc trả thưởng có thể bằng phương thức trả thưởng cố định; trả thưởng biến đổi theo doanh thu hoặc kết hợp cả hai phương thức.

Các đối tượng sau đây không được phép tham gia đặt cược theo Nghị định số 06: Cán bộ quản lý, điều hành, nhân viên và bố, mẹ, vợ, chồng, con ruột của cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp kinh doanh đặt cược tham gia đặt cược của chính doanh nghiệp mình tổ chức.

Luân Dũng

Cùng chuyên mục
XEM