Chủ tịch Vinamilk Mai Kiều Liên 'động viên' đối thủ cạnh tranh: Nói thật từ tấm lòng, tôi rất cảm ơn đối thủ!
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital, đã có màn đối thoại trực tiếp với bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Vinamilk tại sự kiện của Forbes Việt Nam.
* Dominic Scriven: Chào bà, qua những con số, thành tựu mà Vinamilk đạt được, bà ấn tượng nhất con số nào?
- Bà Mai Kiều Liên: Anh là nhà đầu tư đối với Vinamilk từ ngày đầu, anh thích nhất số nào?
* Dominic Scriven: Tôi được gặp Vinamilk sớm, ấn tượng nhất là hiệu quả vốn hóa nhà nước của Vinamilk. Năm 2003, vốn nhà nước trong Vinamilk là 100 triệu đô la Mỹ. Giá trị vốn hóa giờ là 12 tỷ đô la, tùy theo thị trường. Bà đã tăng vốn nhà nước trong Vinamilk 100 trăm lần. Còn riêng về cá nhân tôi, tôi nhớ, Vinamilk lên sàn năm 2006. Riêng việc lên sàn, giá trị vốn hóa của thị trường tăng gấp đôi trong 1 ngày. Công ty tôi thưởng nhân viên năm đấy đấy!
Bản thân bà gắn bó với Vinamilk hơn 40 năm. Những yếu tố nào tạo ra Vinamilk hôm nay?
- Câu hỏi của anh hơi khó và hơi dài. Có được Vinamilk ngày nay là tổng hòa mọi sự cố gắng, chiến đấu không mệt mỏi của cả tập thể với mục tiêu tạo ra ngành sữa Việt Nam, nâng cao mức sống của trẻ em Việt. Trẻ em là tương lai của đất nước. Bản thân tôi cùng Vinamilk đã đặt mục tiêu như vậy.
Ảnh: Forbes Việt Nam
* Bà và Vinamilk từng trải qua những giai đoạn rất khó khăn. Bà có thể chia sẻ những khó khăn lớn nhất trong hơn 40 năm qua?
- Tôi nghĩ, không có khó khăn nào là nhất. Khó khăn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Mỗi giai đoạn, người lãnh đạo phải tìm ra mắt xích giải quyết khó khăn trong từng thời kỳ. Thời kỳ nào cũng có khó khăn và phải xử lý.
* Trong cuộc sống, nếu được may mắn, ai đó có thể gặp được người đưa cho ta những lời khuyên. Với bà, ai đã đưa cho bà lời khuyên và lời khuyên đó là gì?
- Thực sự tôi đi theo ngành sữa là đi theo lời khuyên của ba tôi - một người bác sĩ. Tôi thích ngành lý. Sau khi đi học đại học ở Nga, họ phân công ngành nào thì tôi phải học ngành đó. Khi đến Nga, nhóm du học sinh Việt Nam lúc đó mới biết ai học ngành nào.
Lúc đó có bốn người học công nghiệp chế biến sữa. Mọi người đều cười vì nghe tới sữa, mọi người nghĩ rất tầm thường. Thời đó, Việt Nam không có công nghiệp chế biến sữa và chỉ có mấy trăm con bò sữa trên nông trường Mộc Châu. Sữa đặc có đường thời đó chỉ để được hai ngày. Ngành công nghiệp chế biến sữa hoàn toàn không có. Lúc đó trong nước có hai nhà máy, trong đó nhà máy sữa Trường Thọ ở phía Nam sản xuất sữa đặc có đường.
Học ngành sữa, lúc đó tôi rất thất vọng. Sau một năm học tiếng Nga, tôi có cơ hội chuyển ngành. Nhưng trước khi quyết định, tôi hỏi ba tôi. Ba khuyên rằng tôi nên đi học ngành sữa. Ông cho rằng, sau chiến tranh, việc lớn nhất là cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em và chỉ có sữa mới giải quyết được vấn đề này. Sau lời khuyên đó, tôi quyết định đi theo ngành sữa cho tới bây giờ.
* Thành công lớn của Vinamilk hiện tại là thị phần hơn 50%. Bà có động viên đối thủ cạnh tranh điều gì không?
- Nói thật từ tấm lòng, tôi rất cảm ơn đối thủ cạnh tranh. Nhờ đó mới có sự lớn mạnh của Vinamilk và sự lớn mạnh của các đối thủ cũng rất lớn. Mỗi đơn vị làm như thế nào để đạt hiệu quả tốt hơn. Nói chung đều có chỗ đứng trên thị trường. Chúng tôi cùng đồng hành, cùng phát triển.
* Lãnh đạo doanh nghiệp Vinamilk trong hơn 40 năm, theo bà, điều gì đáng tự hào nhất?
- Đối với câu hỏi này, tôi nghĩ là không chỉ bản thân tôi, cả tập thể tự hào nhất là có được ngành sữa Việt Nam, không thua kém khu vực. Chúng ta đã có khu vực chăn nuôi bò sữa. Cả Vinamilk và các bạn khác, nếu tự chủ được nguyên liệu sẽ tự chủ trong cả sản xuất và giá cả.
Sản phẩm sữa của Vinamilk đã có mặt trên 40 quốc gia trên thế giới, đó là ước mơ lớn mà rất lâu mới đạt được.
* Ngược lại, trong 40 năm qua, bà thấy điều gì không hài lòng?
- Tôi chưa hài lòng vì chưa làm tốt hơn nữa. Vì chúng tôi vẫn có thể làm tốt hơn nữa.