Chủ tịch VCCI: Việt Nam chuẩn bị đón làn sóng dịch chuyển lớn nhất lịch sử
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, trợ giúp quan trọng nhất lúc này với DN là thực thi thật nhanh, hiệu quả gói hỗ trợ đã ban hành, với nếu chậm, có thể DN không còn. Đồng thời, Việt Nam cần sẵn sàng chuẩn cho việc đón làn sóng dịch chuyển lớn nhất lịch sử.
Hỗ trợ chậm trễ DN sẽ “chết”
Trao đổi với báo chí trước thềm cuộc gặp Thủ tướng của cộng đồng DN vào ngày mai (9/5), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cuối tháng 4 đầu tháng 5/2020, VCCI đã tiến hành một cuộc khảo sát lần thứ 2 về thực trạng “sức khỏe” của cộng đồng DN.
Kết quả cho thấy, tới 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III/2020, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động.
Đây là con “tốt hơn rất nhiều” so với cuộc khảo sát lần 1 của VCCI cách đây một tháng. Lúc đó, tình hình rất bi đát với hơn 30% DN cho rằng khó có khả năng trụ vững sau 3 tháng, trên 50% DN không thể trụ nổi sau 6 tháng, chỉ còn 20% có thể tồn tại quá 12 tháng nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
Theo ông Lộc, việc từng bước kiềm chế, đẩy lùi dịch COVID-19, dỡ bỏ về cơ bản tình trạng giãn cách xã hội, mở cửa thị trường trong nước, đã giúp DN và nền kinh tế đã chuyển biến rất nhanh.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cho rằng, dù mức độ có giảm so với một tháng trước, nhưng hiện các DN vẫn rất khó khăn. Khảo sát của VCCI cho thấy gần 70% số DN cho biết họ bị giảm doanh thu do thị trường bị thu hẹp, 45% DN thiếu vốn, thiếu dòng tiền, 22% khó khăn trong việc tìm kiếm vật tư, nguyên liệu, 18% thiếu hụt lao động có kĩ năng…
Theo ông Lộc, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ tiếp tục bổ sung các khoản hỗ trợ hợp lý, như kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản phải trả, phải thu; miễn giảm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, cắt giảm các khoản phí, lệ phí, nới “room”-nâng trần tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng…
“Biện pháp trợ giúp quan trọng nhất có thể làm ngay là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh và hiệu quả các gói hỗ trợ đã được ban hành”, ông Lộc nói.
Chủ tịch VCCI cũng cho rằng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nhanh một ngày thì DN sống, chậm một ngày DN có thể sẽ không còn, lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ không còn ý nghĩa.
Chuẩn bị làn sóng dịch chuyển lớn nhất lịch sử
Theo Chủ tịch VCCI, một làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu lớn nhất trong lịch sử nhân loại kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, sẽ diễn ra trong thời gian tới và nhắm chọn Việt Nam là điểm đến an toàn.
Đất nước một lần nữa lại đứng trước cơ hội “hoá Rồng”,“hoá Hổ”. Do vậy, để đón nhận cơ hội này, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất.
Chủ tịch VCCI cho hay, Chính phủ đã thành lập tổ công tác rà xét pháp luật, xây dựng các phương án trình Quốc hội và Chính phủ xoá bỏ những chồng chéo, bất hợp lý, bảo đảm sự minh bạch, nhất quán trong hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng…
Ông Lộc cũng cho rằng, tiền là “bạc”,thời gian mới là “vàng”. Nhiều DN không xin tiền vì biết ngân sách rất khó khăn, họ chỉ xin cơ chế.
DN cần minh bạch hóa, đơn giản hoá, rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính để đẩy nhanh các dự án đầu tư và kinh doanh. Đây là giải pháp cứu cánh DN và huy động tổng lực các nguồn vốn xã hội đang còn rất lớn, cho đầu tư kinh doanh và phát triển cơ sở hạ tầng.
Ông Lộc cho rằng, nếu làm được điều trên, chúng ta sẽ thúc đẩy được “4 mũi giáp công”: đầu tư tư nhân, FDI, đối tác công-tư và đầu tư công cho phát triển.
Theo Chủ tịch VCCI, việc khẩn trương giải ngân 30 tỷ USD nằm trong “túi” các bộ ngành, địa phương cho các dự án cơ sở hạ tầng trong kế hoạch có thể tạo ra cú hích cho phát triển.
Để chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư FDI mới, Chủ tịch VCCI cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Công Thương, VCCI cùng với các bộ ngành có liên quan, địa phương và cộng đồng DN triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia.
Chiến dịch này sẽ tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đại bản doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ họ tìm đến với mình.
Ngoài ra, VCCI đề nghị cần tiếp sức, năng lực cạnh tranh của DN Việt, nhất là các DN nhỏ và vừa, có đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia.
Bởi vậy, VCCI kiến nghị Chính phủ xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng DN, đẩy nhanh thực hiện các yêu cầu quốc tế hoá và số hoá, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất với DN lúc này vẫn là thị trường tiêu thụ. Việc phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam” để tiếp sức cho DN Việt.