Chủ tịch VCCI đề xuất lập tổ công tác hỗ trợ DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19

26/02/2020 15:48 PM | Xã hội

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) -ông Vũ Tiến Lộc đề xuất thành lập tổ công tác của Chính phủ, khoan nợ, giãn nợ, tăng hạn mức cho vay… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Ngày 25/2, trao đổi với báo chí liên quan đến tác động của dịch Covid-19, ông Lộc cho biết, dịch bệnh đang khiến các chuỗi giá trị bị đứt gãy, sự suy giảm sức khỏe của DN, nền kinh tế còn diễn biến phức tạp, khó lường và sẽ kéo dài.

Các DN đang đối mặt với tình trạng ứ đọng hàng hóa, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc…Thị trường vận tải, dịch vụ bị thu hẹp, khách du lịch thưa thớt, sản xuất kinh doanh đình đốn, người lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm.

"Nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa, rất khó khăn để cầm cự và duy trì sản xuất. Số DN thành lập mới giảm, DN ngừng sản xuất, đóng cửa giải thể tăng lên. Đó là những tác động trực tiếp trên diện rộng của dịch Covid-19”, ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cho rằng, con virus của căn bệnh kinh tế Việt Nam mang tên “phụ thuộc” - tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và các nền kinh tế ở Đông Bắc Á ở cả đầu ra lẫn đầu vào của nhiều ngành kinh tế và các chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Lộc, hiện khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 30 % tổng lượng khách nước ngoài tới Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 35 % kim ngạch suất khẩu nông sản của cả nước.

Cùng đó, linh kiện phụ tùng cho các ngành dệt may, da giày, túi xách, điện tử… nhập từ Trung Quốc chiếm tới 50-60% tổng giá trị đầu vào cho sản xuất, nên khó có thể yên ổn trong lúc này.

“Chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam là một mắt khâu đang trở nên mong manh và dễ bị tổn thương. Với tình trạng này, thì khi DN Trung Quốc “hắt hơi”, DN Việt Nam không “sổ mũi” mới là chuyện lạ và tác động của Covid-19 chỉ là một ví dụ”, ông Lộc phân tích.

Theo chủ tịch VCCI,  hiện DN trong nước ở các ngành dệt may, giày dép, thời trang , điện tử... cho biết, nếu tình hình không sáng sủa hơn, họ sẽ khó có khả năng cầm cự đến cuối quý I, vì dự trữ nguyên liệu vật liệu cho sản xuất chỉ còn đủ dùng cho vài ba tuần tới.

“Nguy cơ mất khách hàng, mất đơn hàng, không có thêm đơn hàng mới tăng lên, các DN khó có khả năng giữ những công đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu mà họ đã dày công xây dựng trong hàng thập kỷ”, ông Lộc nói.

Trước tình trạng trên, Chủ tịch VCCI cho rằng, cần có biện pháp cấp bách trong ngắn hạn để hỗ trợ DN. Theo đó, VCCI đề nghị thành lập Tổ công tác của Chính phủ trợ giúp DN đối phó với dịch cúm Covid-19.

Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng các giải pháp và đôn đốc kiểm tra, phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN của các bộ ngành địa phương, các hiệp hội DN.

Về các giải pháp cụ thể, VCCI cho rằng, cần tập trung đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh ở tất cả mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực.

Rà xét giải quyết sớm các thủ tục đầu tư cho các dự án lớn cả trong khu vực công và tư hay đối tác công tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, huy động mọi nguồn vốn xã hội vào sản xuất kinh doanh.“Quyết không để tình trạng có tiền mà không tiêu được và dự án triển khai chậm trễ chỉ vì thủ tục”, ông Lộc nói.

Ngành dệt may là một trong những ngành gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Cùng đó, cần xử lý kịp thời những vướng mắc gây ách tắc các hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc…Giải quyết linh hoạt các thủ tục sau thông quan để hỗ trợ DN hoán đổi mã vật tư nguyên liệu để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm vật tư cho sản xuất kinh doanh, duy trì đơn hàng và công ăn việc làm cho người lao động.

VCCI cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay,mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các DN trong các lĩnh vực bị tác động mạnh từ dịch Covid-19 như du lịch, dịch vụ, xuất khẩu nông sản, vận tải, dệt may, giày dép…

Chủ tịch VCCI cũng đề xuất trình ra Quốc hội kỳ họp giữa năm 2020 việc miễn, giảm có thời hạn các khoản thuế và phí phải nộp của DN ở những ngành lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng…

Tạm thời không thu một số loại phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính. Chưa tăng các loại giá các dịch vụ và giá vật tư đầu vào cho sản xuất kinh doanh do nhà nước quản lý.

Chưa thu phí C/O từ hoạt động xuất nhập khẩu. Mở rộng diện miễn visa cho các quốc gia và vùng lãnh thổ , miễn visa du lịch, kéo dài thời hạn visa, giảm lệ phí visa,... để khuyến khích luồng khách du lịch phục hồi.

Lãnh đạo VCCI cũng kiến nghị việc giãn, hoãn và giảm các khoản đóng góp Quỹ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế từ các DN bị ảnh hưởng. Cơ quan BHXH nghiên cứu hỗ trợ DN chi trả tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc do bất khả kháng từ dịch bệnh Covid-19.

Chủ tịch VCCI cũng lưu ý cần thúc đẩy, coi trọng phát triển thị trường nội địa gần 100 triệu dân, tăng cường kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các DN, hiệp hội để tiêu thụ sản phẩm,dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý.

Ngoài ra, lãnh đạo VCCI cũng kiến nghị tiếp tục phát động một đợt sóng cải cách mới trong thể chế kinh tế mang tên “Chương trình nghị sự 25-20” cho năm 2020... Trong đó, nội dung trọng tâm là tập trung xử lý dứt điểm 25 điểm chồng chéo trong pháp luật kinh doanh và đầu tư, tiếp tục cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành.

Theo Nam Khánh

Cùng chuyên mục
XEM