‘Chủ tịch từ chức, Ngân hàng Thế giới có thể thành công cụ để Trump đối phó Trung Quốc’
Gina Chon, cây viết của Reuters, cho rằng Ngân hàng Thế giới (WB) có thể là “công cụ” mới để Tổng thống Mỹ Donald Trump ứng phó Trung Quốc.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim ngày 7/1 thông báo sẽ từ chức vào ngày 1/2 sau hơn 3 năm đảm nhiệm vị trí này. Nếu không từ chức, nhiệm kỳ của ông Kim sẽ kéo dài tới năm 2022.
Trong khi đó, Mỹ lại có ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn người kế nhiệm ông Kim. Giới chức Mỹ đã gây áp lực lên WB để ngân hàng này cho Trung Quốc vay ít hơn và cảnh báo về sự ảnh hưởng của Bắc Kinh. Dư nợ cho Trung Quốc vay đã giảm 30% trong năm 2018 xuống còn 1,8 tỷ USD.
Việc Kim từ chức mở ra cơ hội để Mỹ bố trí một người đứng đầu có quan điểm ‘hiếu chiến’, mở ra ‘mặt trận’ mới cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, theoGina Chon, cây viết của Reuters.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim. Ảnh: Reuters.
Chính quyền Trump đã sử dụng nhiều cách để gây áp lực kinh tế lên Trung Quốc như áp thuế với 250 tỷ USD hàng hóa của Bắc Kinh. Mỹ cũng trấn áp dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào các công ty Mỹ, tăng cường các vụ hình sự liên quan trộm cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại.
Mỹ là bên đóng góp nhiều nhất cho WB với 16% cổ phần. Nước này gần đây còn ủng hộ kế hoạch tăng vốn góp 13 tỷ USD của WB. Những lãnh đạo WB trong quá khứ cũng thường được chính phủ Mỹ lựa chọn.
“Nếu chính quyền Trump chọn người không đủ tiêu chuẩn hoặc người khiêu khích, Mỹ có thể mất đi quyền ưu tiên và nguy cơ tạo ra một cuộc ‘nổi loạn’ trong các thành viên”, Daniel Runde, phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói.
Theo thông báo từ WB, bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành WB, sẽ tạm thời giữ chức chủ tịch của tổ chức này bắt đầu từ ngày 1/2. Trong khi đó, ông Kim cho biết sẽ tham gia vào một công ty tập trung đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng ở các nước đang phát triển.
Nhà Trắng hiện chưa có bình luận về việc ông Trump sẽ chỉ định chủ tịch WB mới hay chỉ đưa ra danh sách các ứng viên tiềm năng.
Kể từ khi ra đời thời hậu Thế chiến II, WB luôn do một người Mỹ - được tổng thống Mỹ chỉ định - lãnh đạo. Truyền thống này vấp phải sự chỉ trích từ một số quốc gia, cho rằng việc WB tập trung vào cho các nước đang phát triển vay nợ đòi hỏi cần có lãnh đạo đến từ khu vực này. Trong khi đó, lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thường là người châu Âu.
Cựu tổng thống Barack Obama năm 2012 phá truyền thống khi chọn Kim làm chủ tịch WB bởi ông là người gốc Hàn Quốc.