Chủ tịch Thiên Minh Group: Chi trả thấp không phải là bản chất của khách du lịch Trung Quốc, chỉ có khách đến Việt Nam mới thuộc phân khúc thấp!
Theo ông Trần Trọng Kiên, Trung Quốc là thị trường rất quan trọng của Việt Nam, phải tiếp tục đón để tăng trưởng. Nhưng không may là lượng khách này thuộc nhóm chi trả tương đối thấp. Chủ tịch Thiên Minh Group, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB) nói với Trí Thức Trẻ: “Khách Trung Quốc còn nhiều phân khúc tốt: chi trả rất cao và đi du lịch thường xuyên”.
Ông đánh giá như thế nào về chính sách dành cho du lịch – ngành công nghiệp đang được định vị là mũi nhọn cho kinh tế Việt Nam?
Tôi cho rằng các chính sách đối với ngành du lịch còn gặp nhiều vấn đề. Thứ nhất là vấn đề độ mở củaViệt Nam, nhất là đối với thị trường cao cấp vẫn chưa tốt. Chỉ số mở cửa visa của Việt Nam là trên 100, thấp nhất trong số các nước Đông Nam Á.
Thứ hai là vấn đề an toàn về giao thông và tính bền vững của môi trường Việt Nam vẫn kém. Thứbalàkhảnăngtổ chức, quy hoạch, phát triển của Việt Nam cũng đang yếu. Chúng ta đang đầu tư nhiều quá về một vài thứ và thiếu hẳn một số mảng khác.
Thứ tư là hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng hàng không liên quan đến sân bay đang thiếu trầm trọng. Nhiều sân bay đã quá xuống cấp, tạo ra những trải nghiệm rất tệ cho du khách. Thứ năm là việc tiếp thị, quảng bá du lịchViệt Nam với các thị trường quan trọng vẫn chưa xúc tiến hiệu quả.
Truyền thông quốc tế dạo này tỏ ra khá quan tâm đến Việt Nam, ví dụ tờ Nikkei khen Đà Nẵng hấp dẫn hơn cả Thái Lan, Indonesia, nhưng thực tế lượng khách đến với nước ta vẫn còn khiêm tốn so với những nước này, chưa kể họ thường chỉ đến một lần và chi tiêu ít. Ông nghĩ như nào về điều này?
Nói vậy cũng không thực sự đúng. Thái Lan mở cửa du lịch trướcViệt Nam 30 năm. Để đạt được ngưỡng như Việt Nam bây giờ, Thái Lan cũng phải mất 20 năm. Chúng ta đi sauThái Lan đến 30 năm nhưng vẫn có tăng trưởng cực kỳ ngoạn mục.
Trên thế giới, Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới về khách du lịch quốc tế cũng như khách du lịch nội địa. Năm nay, chúng ta có 18 triệu khách quốc tế và 85 triệu khách nội địa, vượt cả mục tiêu đặt ra cho năm 2020.
Chúng ta đã đạt được thành tựu tốt, nhưng trong tăng trưởng đó vẫn có những vấn đề chưa bền vững như: vấn đề cân đối nguồn khách, vấn đề năng lực chi trả, vấn đề phụ thuộc quá nhiều vào nguồn khách Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hai nguồn khách du lịch này tiềm ẩn một số rủi ro, không bền vững. Cụ thể,Trung Quốc là rủi ro về địa chính trị, Hàn Quốc là rủi ro về xu hướng, phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư của một số tập đoàn như Samsung…
Theo ông, việc các cặp đôi giàu có Ấn Độ sang Việt Nam tổ chức đám cưới gần đây có thể xem là dấu hiệu chứng minh cục diện du lịch Việt Nam đang có sự thay đổi?
Tôi nghĩ rằng những thương hiệu tốt của Việt Nam hoàn toàn có thể làm những việc như vậy. Đối với Ấn Độ, Việt Nam vẫn là thị trường mới. Thái Lan có mấy triệu khách Ấn Độ, còn chúng ta chỉ có vài chục ngàn. Chính vì thế, cơ hội của Việt Nam đối với Ấn Độ rất cao.
Tuy nhiên, chúng ta cần giải quyết vài vấn đề, như tôi đã nói ban đầu gồm: đường bay, chính sách thị thực mở, và sản phẩm du lịch phù hợp với khách cao cấp.
Chúng ta cần tránh chuyện đã làm với thị trường Trung Quốc – tập trung ngay vào thị trường khách chi tiêu ít, khiến Việt Nam trong mắt người Trung Quốc là điểm đến rẻ tiền. Chúng ta cần rút ra bài học từ đó và xử lý thị trường Ấn Độ hiệu quả hơn.
Cá nhân ông nghĩ gì về khách Trung Quốc?
Năm nay, Việt Nam đón 18 triệu khách, một nửa số đó là khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Trung Quốc là thị trường rất quan trọng của Việt Nam, phải tiếp tục đón để tăng trưởng. Nhưng không may là lượng khách này thuộc nhóm chi trả tương đối thấp. Bên cạnh đó, do cách thức tổ chức của chúng ta chưa được khéo léo nên tiền của những khách này sẽ quay lại Trung Quốc chứ không nằm ở Việt Nam. Đây chính là câu chuyện của tour 0 đồng.
Nhưng chúng ta phải hiểu rõ rằng chi trả thấp không phải là bản chất của thị trường khách Trung Quốc. Chỉ có khách Trung Quốc đến Việt Nam mới thuộc phân khúc thấp. Trung Quốc còn nhiều phân khúc tốt: chi trả rất cao và đi du lịch thường xuyên. Do đó, chúng ta cần điều chỉnh để có thị trường bền vững hơn.
Vậy làm thế nào để có được sự cải thiện về chất lượng khách?
Việt Nam phải tập trung đầu tư vào những thị trường bền vững, dài hơi. Việc tăng trưởng 1 triệu khách từ châu Âu rất khó, vì họ đã có sãn những điểm đến truyền thống rồi. Khách chỉ điều chỉnh dần sang địa điểm mới khi có biến động, như sự cố an ninh như ở Ai Cập và Sri Lanka vừa rồi, hoặc khi thị hiếu của họ thay đổi.
Nhưng nếu đón tiếp được 1 triệu khách Anh, 1 triệu khách Đức hay 1 triệu khách Úc, thì thị trường sẽ khác hoàn toàn. Lúc đó, Việt Nam sẽ đạt được đến ngưỡng của Thái Lan. Người Thái rất thông minh khi cân đối giữa các thị trường khách khác nhau. Họ không chê cái gì, nhưng họ hiểu rằng nếu ưu tiên vào một thị trường nhất định, thì sản phẩm sẽ không phù hợp với các thị trường khác.
Đểkhách đến bền vững, chi trả cao hơn và quay lại, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn vào các thị trường dài hơi nhưng cũng không bỏ qua các thị trường hiện tại, thay vào đó phải đầu tư vào các phân khúc cao hơn tại các thị trường này, như Trung Quốc mà tôi đã nói ở trên.
Một trong những vấn đề rất quan trọng là đầu tư vào sản phẩm du lịch. Theo ông, khách hàng ở phân khúc cao cấp họ sẽ thích những gì?
Theo phân tích của Boston Consulting Group gần đây, thứ nhất cần tăng cường du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch trải nghiệm mang tính chất đặc thù. Những sản phẩm đó sẽ hấp dẫn được nhóm khách chi trả cao.
Thứ hai là tăng cường các hoạt động nhỏ, nhưng "tinh" và độc quyền. Sơn Đoòng là ví dụ điển hình. Hang động này mỗi năm chỉ đón 1.000 khách và cố định ở số lượng này, vậy chúng ta sẽ tăng được gì? Chính là tăng giá. Giả sử chúng ta có 10 cái hang như vậy, lượng khách cũng chỉ là 10.000 người, nhưng 10.000 người này có mức chi trả vài ngàn đến vài chục ngàn USD, sẽ là câu chuyện rất khác. Công việc sẽ ít hơn và hiệu quả hơn.
Thực tế chúng ta đang phải tăng cả số lượng và chất lượng. Nhưng hiện nay chúng ta đang đầu tư quá nhiều vào số lượng chứ không phải là chất. Đó chính là vấn đề cần giải quyết.
Muốn tăng chất lượng, chúng ta phải quản lý được những việc sau: Đầu tiên là đảm bảo được năng lực của các sân bay tốt hơn. Tiếp theo là xây dựng các sản phẩm du lịch cao cấp nhiều hơn, tập trung vào các hoạt động du lịch trải nghiệm. Bên cạnh đó cần động viên, khuyến khích thương hiệu quốc tếlớn đầu tư vào điểm đến, cụm du lịch quan trọng.
Từ giờ đến cuối năm, Việt Nam cũng cần làm được những việc này cho thị trường cao cấp. Thứ nhất là tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tuyến du lịch trực tuyến.
Thứ hai là đảm bảo các hoạt động offline, các sự kiện du lịch như World Travel Market tại London, các sự kiện roadshow mùa hè.
Thứ ba là cố gắng mởvăn phòng du lịch Việt Nam tại châu Âu và Úc. Khi làm được những điều này, chúng ta sẽ tiến xa hơn.
Cảm ơn ông!
Phương Ánh
Nguyễn Linh
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ