img
Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài: “Bây giờ ở công ty, tôi chỉ làm mấy việc bếp núc” - Ảnh 1.

Một ngày giữa tháng 8 trời thu Hà Nội, ông chủ Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài có chuyến công tác hiếm hoi ra thủ đô mà không phải để gặp gỡ nhà đầu tư. Thay vào đó, ông đến theo lời mời từ một hội thảo chia sẻ về phong cách quản trị doanh nghiệp.

Theo lời ban tổ chức, dù có tiêu chuẩn được đài thọ vé máy bay, nhưng ông lại kiên quyết tự bỏ tiền túi ra mua vì biết toàn bộ số tiền thu được từ hội thảo này được dùng cho công tác xã hội – từ thiện. Vẫn với bộ đồ quen thuộc, chiếc áo phông trắng ngắn tay cùng quần âu, không đồng hồ, không phụ kiện, ông chủ Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài vui vẻ dành 15 phút trước giờ khai mạc để trả lời phỏng vấn Trí Thức Trẻ, với chỉ một yêu cầu: "Đừng hỏi chuyện về đầu tư nhé, tôi không còn là CEO nữa rồi mà".

Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài: “Bây giờ ở công ty, tôi chỉ làm mấy việc bếp núc” - Ảnh 2.

Nhân trị, kỹ trị, pháp trị - Thế giới Di động dưới thời của anh sử dụng dùng phương pháp quản trị nào?

Trị ở đây mình hiểu là quản trị nha, không phải là cai trị, vì Thế giới Di động không có cai trị ai hết. Hỏi là dùng cái gì để quản trị thì tôi cho là tuỳ giai đoạn.

Giai đoạn còn nhỏ thì pháp trị, dùng chính sách này kia để quản trị; khi càng lớn lên thì nhân trị nó càng trở nên quan trọng, càng trở nên vượt trội bởi rất khó để dùng các quy định để quản trị một công ty lớn. Khi đó, quản trị bằng con người, bằng tấm lòng nó lại trở nên rất quan trọng.

Giữa 2 nụ cười, một nụ cười yêu quý công ty, yêu quý khách hàng nó khác hẳn với một nụ cười cho có vì lo ai đó đang giám sát mình. Pháp trị không thể phân biệt được nụ cười thật lòng, hay là nụ cười đểu đâu.

Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài: “Bây giờ ở công ty, tôi chỉ làm mấy việc bếp núc” - Ảnh 3.

Nếu sử dụng nhân trị thì có xảy ra việc trên bảo dưới không nghe vì người trong công ty sẽ có cảm giác như "anh em trong nhà" không?

Nếu hiểu nhân trị vậy là không đúng, nhân trị như thế là thành dung túng à? Nhân trị ở đây là dùng yêu thương, giá trị nhân bản để quản trị. Nguyên tắc nói chung là khi bạn yêu quý ai đó, làm điều tốt cho ai đó thì không bao giờ người ta quay lưng lại với bạn. Cứ nhớ vậy, trong cuộc đời này đúng như vậy. Bạn lo lắng, chăm sóc cho con mình thì khả năng rất thấp là khi về già nó sẽ bất hiếu với bạn.

Trước đây tôi nhìn thấy những người bị con cái đối xử tệ bạc thì thương lắm, không hiểu vì sao lại như vậy. Nhưng nghĩ kỹ lại thì chắc đã có điều gì đó không ổn ngay từ khi đứa trẻ đó còn bé.

Đây không phải là vấn đề nhân quả. Vấn đề là con người số đông là như thế. Tức là khi mình làm gì tốt cho ai đó, thực sự quan tâm đến người ta thì xác suất rất thấp, 1 phần triệu gì đó, mới có những người làm gì đó tổn hại đến mình. Đó là niềm tin thôi, nó không có ranh giới đúng sai.

Nếu có niềm tin thì dùng nhân trị, còn nếu không có niềm tin nữa thì dùng pháp trị, đè luật pháp ra, giỏi thì thưởng, dở thì lấy gậy ra đập.

Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài: “Bây giờ ở công ty, tôi chỉ làm mấy việc bếp núc” - Ảnh 4.

"Ở Thế giới Di động chỉ có thưởng mà không có phạt"- nhưng nếu nhân viên của các anh làm sai thì thế nào?

"Chỉ có thưởng mà không có phạt" là triết lý đấy. Thật ra nếu bảo từ đầu đến giờ mà không có thưởng phạt thì không đúng đâu. Có những giai đoạn cũng phạt nhiều. Cho đến 1 lúc thì tôi thấy cái này không ổn, bởi có lúc cấp trên phạt cấp dưới thì thấy hãnh diện lắm cơ, cho rằng bản thân là người cứng rắn, quyết đoán.

Việc này kéo dài cho đến một giai đoạn tôi xây được cái văn hoá là làm sao cấp trên đi phạt người ta thì tự thấy mình nhục, bởi vì làm việc sao đó mà để nhân viên phạm sai lầm thì anh là người dở rồi.

Trước đó, để cho ai đó bị nghỉ việc là điều rất bình thường, khi lý do đưa ra là người này làm không được việc, không ổn. Còn giờ phải cho cấp dưới nghỉ việc là điều phải xấu hổ. Những cái đó thay đổi nhiều thứ lắm.

Khi anh không còn giữ ghế CEO và lui về làm Chủ tịch HĐQT thì triết lý đó có được duy trì không?

Cái đó nó là văn hoá rồi, chứ không còn phụ thuộc vào mình tôi nữa. Khi nó đã là văn hoá, mọi người đã sống quen với nó thì có tôi hay không có tôi cũng không quan trọng. Như Apple có mất đi Steve Jobs thì nó vẫn chạy thôi.

Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài: “Bây giờ ở công ty, tôi chỉ làm mấy việc bếp núc” - Ảnh 5.
Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài: “Bây giờ ở công ty, tôi chỉ làm mấy việc bếp núc” - Ảnh 6.

Nói đến Thế giới Di động là nhắc đến anh Nguyễn Đức Tài và ngược lại; nhưng anh cũng là một trong những ông chủ sớm rời vị trí quản trị trực tiếp của công ty niêm yết khi tuổi đời còn khá trẻ. Vì sao anh lại quyết định rời ghế CEO sớm như vậy?

Thật ra nói là rời theo cái kiểu bỏ chạy thì không phải, nhưng rời theo kiểu đã xây dựng được một đội ngũ mà họ làm tốt hơn mình làm thì tại sao mình phải ở lại? Ở lại theo nghĩa là mình quyết mọi thứ để làm gì? Nếu bạn tin rằng có một người nào đó có thể đưa ra những quyết định tốt hơn bản thân thì tại sao bạn còn cố ngồi đó để quyết?

Tôi tin rằng mỗi người có một giai đoạn lịch sử, và giai đoạn lịch sử mà tôi xây dựng có thể nói là nó qua rồi. Thực tế bây giờ đang chứng minh là những người kế tiếp đã làm tốt hơn. Nhìn vào tăng trưởng của ngành điện thoại điện máy của Thế giới Di động đi, có phải là nó tốt hơn năm trước không? Đó là do ông Hiểu Em chứ không phải do tôi. Tôi còn ở lại thì chắc gì đã có chuỗi "điện thoại siêu rẻ" vào cuộc.

Cần nhìn nhận rằng khách hàng luôn luôn có 2 nhóm, một nhóm quan tâm đến dịch vụ, một nhóm quan tâm đến giá cả. Thành ra chúng tôi đã làm rất tốt ở cái mảng dịch vụ, tức là những khách hàng quan tâm đến dịch vụ, những thứ khác ngoài giá cả, thì Thế giới Di động đã phục vụ tốt rồi; nhưng nhóm kia mình làm rất tệ luôn, bỏ lơ họ luôn.

Mấy năm trước, lãnh đạo Thế giới Di động đã có ý định xây dựng chuỗi mà tụi tôi hay gọi chơi là "điện thoại A Tèo", chứ không phải là "điện thoại siêu rẻ" đâu. Nhưng 2 ông CEO trước là ông Tài và ông Doanh có làm gì đâu, ý định ý đồ trao đổi với nhau đã nằm hết ở đó rồi nhưng có ông nào thật đứng lên để làm đâu.

Bữa đó đến tay ông Hiểu Em thì ông Hiểu Em bảo là các anh cứ nói hoài không chịu làm thì thôi để em làm. Ông ấy trẻ thì ông ấy mới làm rầm rầm như vậy chứ (cười to).


Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài: “Bây giờ ở công ty, tôi chỉ làm mấy việc bếp núc” - Ảnh 7.

Nếu vậy, việc ra đời chuỗi "điện thoại siêu rẻ" không hề khiến Thế giới Di động xa rời triết lý "khách hàng là số 1" của anh?

Mình phải hiểu khách hàng là số 1 theo nghĩa là khách hàng cần gì. Nhóm khách hàng cần dịch vụ thì Thế giới Di động đã làm việc của nó rồi, còn chuỗi khách hàng đang cần giá tốt, nói "thôi nếu điện thoai hư thì tôi cũng chấp nhận đi 1-2 cây số đến chỗ bảo hành chứ không cầu kỳ đến chỗ các ông đòi bảo hành cho tôi đâu", nhưng lại quan tâm đến giá, thì bọn tôi chưa phục vụ tốt.

Chuỗi này sinh ra để như thế, chứ không phải để làm rối nhóm kia. Chừng nào tôi đóng Thế giới Di động lại hoặc chuyển Thế giới Di động thành giá rẻ hết thì mới là phủ nhận, hiểu không?

Cái đó cũng giống như bạn đang có một chuỗi nhà hàng giá cao và rất ngon, nhưng những sinh viên, bình dân không vào được, nên bạn mở thêm chuỗi khác, tên khác để phục vụ được sinh viện học sinh này kia.

Vậy anh có thể tiết lộ một chút về mục tiêu chuỗi "Điện thoại giá rẻ" không?

Bạn đang vượt ra khỏi phạm vi cuộc phỏng vấn này rồi đó! (cười lớn).

Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài: “Bây giờ ở công ty, tôi chỉ làm mấy việc bếp núc” - Ảnh 8.

Xin lỗi anh, thế chúng ta cùng quay lại nội dung chính. "Khách hàng số 1, nhân viên số 2, cổ đông số 3" - Anh có gặp rắc rối gì với quan điểm này không?

Thực ra họ chọc tôi cho vui thì có nhưng những người hiểu biết thì họ hiểu, bởi không có ông bán lẻ nào đặt nhà đầu tư lên số 1 cả. Đặt lên số 1 thì ngày mai công ty đó đi lùi. Bởi người mang lại thành công cho công ty là ai thì họ biết rõ, là khách hàng mà không phải là họ, và chừng nào khách hàng thấy ổn thì may ra họ mới ổn.

Tất nhiên, những nhà đầu tư nay mua mai bán, đầu tư kiểu lướt sóng thì nghe tới đó là họ nhức đầu, nhưng những nhà đầu tư nước ngoài lâu dài, tiền rất nhiều thì hiểu hết. Tôi nói cái triết lý đó xong là ông ấy gửi thư nói: "Tài, vậy tao biết tao ở số 3". Tôi bảo: "Mày biết vậy là tốt rồi đó!" (cười to).

Thế ban lãnh đạo của Thế giới Di động sẽ là số mấy?

Thực ra tôi không phân nhóm vậy. Ở đây cần hiểu cái triết lý là phải biết cái gì là cái ưu tiên trong một doanh nghiệp. Khi đã ưu tiên thì mình phải đặt nó lên trên cao nhất. Bởi vì doanh nghiệp lâu lâu sẽ phát sinh mâu thuẫn, biết cái nào là ưu tiên thì mới đưa ra quyết định đúng hướng được.

Niềm tin lớn nhất của tôi với công ty này là nếu doanh nghiệp này nó vẫn sống với đặt ưu tiên khách hàng lên số 1 thì doanh nghiệp này sẽ tiếp tục phát triển. Ngày nào nó buông cái đó mà chọn lợi nhuận hay những cái khác làm mục tiêu phấn đấu thì nó sẽ tự làm mình chậm lại .

Thế giới Di động đã trải qua tất cả những biến đổi, từ thời xa xưa nó cũng cơm áo gạo tiền đấy, nhưng sau khi nó giác ngộ được điều gì là quan trọng thì nó đã tạo nên những thay đổi lớn lao.

Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài: “Bây giờ ở công ty, tôi chỉ làm mấy việc bếp núc” - Ảnh 9.
Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài: “Bây giờ ở công ty, tôi chỉ làm mấy việc bếp núc” - Ảnh 10.

Cuộc sống của anh trước và sau khi rời ghế CEO Thế giới Di động có gì khác không?

Thực ra các bạn thấy thế thôi chứ nó đâu phải là một quyết định sáng chiều. Chuyện chuyển giao được thực hiện rồi và đến khi cần thông báo ra bên ngoài, chứ nó không thuộc cái hệ ngủ qua đêm mà quyết định. Tức nghĩa là những cái này chạy xong xuôi hết rồi thì thôi hôm nay chúng ta báo ra bên ngoài. Như vợ chồng ly thân chán chê rồi thì nộp đơn ra tòa nữa là xong, chứ không phải ngủ qua đêm xong là chúng ta nghỉ chơi với nhau.

Thành ra chuyển giao này là có lộ trình, hoàn tất đâu đó rồi, đại hội cổ đông hàng năm đến thì làm cái thông báo, thế thôi (cười to), chứ không phải hứng chí mất ngủ một hôm thì hôm sau lên đại hội cổ đông liền nói.

Rời ghế CEO, anh có thêm thời gian rảnh không? Và anh thường làm gì khi rảnh?

Tôi nghĩ tôi có nhiều hơn nhiều chứ và đi chơi cũng nhiều chứ .Tôi thích đi du lịch, thích đi lang thang nhiều.

Nhưng thực ra cũng có một số thứ phải làm trong công ty, những thứ mà các bạn khác trốn tránh thì tôi vẫn phải ôm, phải nắm trong tay.

Văn hóa của Thế giới Di động là "say YES always" mà vẫn tồn tại một thứ gọi là trốn tránh?

Thực ra nếu tôi giao thì họ cũng nhận thôi nhưng cần phải biết là mỗi người có điểm mạnh ở chỗ nào. Ví như Doanh (CEO Trần Kinh Doanh) và Hiểu Em (CEO thegioiđiong.com và Điện Máy Xanh Đoàn Văn Hiểu Em) là những người rất giỏi về kinh doanh, họ thích "cầm súng ra chiến trường", thích đứng ở tiền tuyến hơn là ở phía sau dọn dẹp.

Nhưng những cái thuộc hệ bếp núc phía sau, tài chính, hay những vấn đề hơi back-end (xử lý thông tin, quản trị dữ liệu) một chút thì họ lại cảm thấy mệt mỏi. Trước sau họ cũng phải ôm thôi, nhưng lúc này thì bắt họ ôm sẽ hơi lãng phí nguồn lực, nên tôi sẽ là người phụ trách.

Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài: “Bây giờ ở công ty, tôi chỉ làm mấy việc bếp núc” - Ảnh 11.

Công việc này cũng không hẳn là giống như làm tổng quản đâu, mà giữ vai trò định hướng và tinh thần là chính, còn hàng ngày họ làm gì thì tôi có biết đâu. Ví như sáng nay có người hỏi tôi là: "Hình như bên anh sắp thuê cái DC (Digital Center) ở ngoài Hàm Tiến (Phan Thiết, Bình Thuận) gì đó?", tôi liền bảo: "Anh không nói tôi cũng không biết, vì tụi nó quyết có hỏi tôi câu nào đâu. Tôi là người biết sau cùng, khách hàng còn biết trước tôi".

Thế nghĩa là đã trao quyền cho họ thì phải tin chứ, tin họ sẽ có những quyết định sáng suốt. Mà đúng thiệt luôn. Lục lại lịch sử 40 cửa hàng đầu tiên mà tôi là người đi quyết mà so với những thứ Thế giới Di động đang mở bây giờ thì xấu, có thể nói là "xấu bét zem" luôn đó. Tức là những "đứa con" tôi xây dựng quá xấu xí so với những "đứa cháu" mà đội ngũ kế thừa đang làm.

Nó là sự thật và là niềm vui. Có thể những cái đầu họ vấp váp, nhưng sau khi họ nắm được việc thì họ làm tốt hơn mình, nên là phải chấp nhận cái rủi ro đó. Còn nếu không chấp nhận cái đó thì cứ ôm đi, ôm cho đến khi nhắm mắt xuôi tay thì thôi./.

Hạ Minh
Tuấn Mark
7PM
Theo Trí Thức Trẻ11/09/2019

Trí Thức Trẻ