Chủ tịch tập đoàn 1.200 tỷ USD NVIDIA nói về thời cơ của Việt Nam và 3 yếu tố để chúng ta kịp đón sóng làn sóng công nghệ lớn nhất từ trước tới nay
Ông Jensen Huang - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA – kể chuyện ông được chào đón như người nhà trong lần đầu đến Việt Nam. Khi ăn trên vỉa hè, ông không ngờ nhiều người biết đến mình và ra chụp ảnh cùng. Ông cũng chia sẻ về cơ hội của Việt Nam trước một làn sóng công nghệ mới đang tới, và có thể là làn sóng lớn nhất từ trước tới nay…
"Chúng ta đang trải qua một giai đoạn cực quan trọng trong ngành công nghệ. Một làn sóng mới đang tới và có thể là làn sóng lớn nhất từ trước tới nay", ông Jensen Huang - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA – chia sẻ tại Tọa đàm "Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam".
Sự kiện do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) tổ chức, dưới sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
NVIDIA là một công ty công nghệ đa quốc gia, chuyên thiết kế các bộ xử lý đồ họa (GPU), giao diện lập trình ứng dụng (API) cho khoa học dữ liệu và điện toán hiệu năng cao cũng như hệ thống trên các đơn vị chip (SoC) cho thị trường điện toán di động và ô tô. Công ty hiện có giá trị thị trường 1.200 tỷ USD, gần gấp 3 lần GDP Việt Nam.
"Lần đầu tiên chúng ta có thể chế tạo ra được trí tuệ nhân tạo (AI). Nguồn tài nguyên tự nhiên nhất mà chúng ta có thể sản xuất được AI với một khối lượng lớn, và giờ đây có thể trở thành hạ tầng mới cho xã hội và các ngành nghề", ông Jensen Huang nói.
"Giờ là cơ hội phi thường cho Việt Nam. Việt Nam đã chuẩn bị tốt và đây là thời cơ của các bạn. Đây là thời điểm cực kỳ tuyệt vời cho hai bên thiết lập quan hệ chiến lược. Chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác đã có sẵn với Việt Nam, đương nhiên sẽ đóng góp cho AI Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi cam kết để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai và thành lập pháp nhân tại Việt Nam".
3 yếu tố để Việt Nam kịp đón sóng
"Vì sao đây là thời cơ của Việt Nam?", Chủ tịch NVIDIA dẫn đề.
Ông Jensen lý giải để có thể tận dụng được những làn sóng mới này, chúng ta cần một công thức với 3 thành phần, gồm:
1- Việt Nam số
"Việt Nam đã sẵn sàng số hóa 100%. Các bạn đã có nhiều thập kỷ số hóa Việt Nam. Và chúng ta đã có một tài sản dữ liệu Việt Nam về ngôn ngữ, văn hóa", ông Jensen nói.
2- AI
Theo ông Jensen, AI là phần mềm, mà phần mềm do con người tạo nên. Và Việt Nam đang sẵn có một nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có – các kỹ sư phần mềm, và các kỹ sư này đã sẵn sàng nhảy sang bước tiến mới như AI.
"Đối với quốc gia như chúng tôi, để có một lực lượng chuyên gia hùng hậu về công nghệ và AI như Việt Nam là điều rất xa xỉ. Và các bạn đang có điều đó. Các kỹ sư phần mềm có kỹ năng rất sâu để tạo ra một thế hệ phần mềm mới", ông Jensen nói.
3- Hạ tầng AI – siêu máy tính
Việt Nam đã có hạ tầng Internet với những tên tuổi như Viettel, FPT, CMC. Tương tự với Internet, AI cũng cần hạ tầng.
"Trong tương lai, các bạn cần siêu máy tính. Chúng ta đang sản xuất trí tuệ với các kỹ sư người Việt Nam, cho chính xã hội Việt Nam. Điều này đòi hỏi phải có hạ tầng AI".
"Việt Nam có nền giáo dục và hạ tầng tốt, chỉ cần khích lệ các thế hệ mới để bước vào thế giới AI, khích lệ các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam ở nước ngoài về quê hương. Vấn đề hiện giờ là cần năng cao kỹ năng và xây dựng 1 triệu chuyên gia AI. Đây sẽ là đội ngũ hùng hậu nhất trên thế giới. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao kỹ năng và hạ tầng AI", ông Jensen khẳng định.
Tọa đàm cũng là dịp để các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu Việt Nam, các chuyên gia Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam thuộc NIC, các trường đại học chia sẻ về khả năng và tiềm năng của mình trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, AI.
Sau khi nghe ý kiến từ các đơn vị liên quan trao đổi cụ thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định Việt Nam có một số lợi thế để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, AI cũng như cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho NVIDIA hoạt động tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị phía NVIDIA đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư về bán dẫn, AI vào Việt Nam; hợp tác, đầu tư, xây dựng các trung tâm R&D, phòng thí nghiệm về thiết kế, phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn của NVIDIA tại NIC và các khu công nghệ cao; hợp tác, tư vấn, hỗ trợ NIC các cơ sở đào tạo của Việt Nam về nguồn lực, chuyên gia xây dựng các chương trình đào tạo, thực hành trong lĩnh vực bán dẫn, AI.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các kỹ sư, học viên của Việt Nam có thể tham gia thực tập, làm việc tại NVIDIA; đồng hành cùng Việt Nam trong việc xây dựng vườn ươm doanh nghiệp ngành bán dẫn, cũng như tư vấn cho Việt Nam hình thành các doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp sản phẩm, dịch vụ; ủng hộ, phối hợp với Việt Nam tiếp cận, triển khai các dự án trong khuôn khổ Quỹ trợ cấp cho các hoạt động sản xuất và phát triển chất bán dẫn của Chính phủ Hoa Kỳ; tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam và phát triển hệ sinh thái hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, AI tại Việt Nam; phối hợp với NIC triển khai Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và hợp tác với các cơ sở đào tạo lớn của Việt Nam thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn.
"Làn sóng mới này thực sự rất lớn, nhưng cũng rất nhanh, không giống như các cuộc cách mạng công nghiệp nào trước đây".
"Chỉ cần 1 năm thôi, AI chúng ta vừa nhìn thấy đã xuất hiện trên tất cả câu chuyện của mọi người trên thế giới. Khi nó đang phát triển rất nhanh thì chúng ta cũng phải hành động rất nhanh. Và chúng tôi đã hành động rất nhanh như vậy - có mặt ở đây cùng các bạn", Chủ tịch NVIDIA cười nói.