"Cứ thử tưởng tượng có phi công thu nhập trước đây là 100-200 triệu đồng/tháng, giờ sẵn sàng chấp nhận vui vẻ mức lương 2,5 triệu đồng/tháng để cùng hãng bay chống chọi với Covid-19", ông Trần Trọng Kiên chia sẻ ví dụ về tinh thần tương thân tương ái của những người làm ngành du lịch trong năm 2020.
Trao đổi với Trí thức trẻ, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB) cũng cho biết: "Lần đầu tiên những người làm du lịch không thể lập một kế hoạch nào quá 3 tháng được, mà chỉ có thể nhìn 2-3 tháng trước mắt và làm tất cả những gì mình có thể trong 2, 3 tháng đó. Covid-19 khiến cho tương lai của ngành du lịch Việt Nam hoàn toàn bất định".
Thế nhưng, người đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh cũng chia sẻ thêm những nhân tố giúp ngành du lịch Việt có thể kiên cường vượt qua đại dịch Covid-19 và hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Năm 2020, rất nhiều bài báo trên thế giới nói về điều thần kỳ trong chống dịch Covid-19 của Việt Nam và Việt Nam cũng đi theo những kịch bản không giống nước nào trên thế giới để làm được kết quả về chống dịch. Nhưng còn ngành du lịch thì sao?
Ngành du lịch của Việt Nam trong năm nay cũng rất khác. Hồi tháng 1, số lượng khách cũng như doanh thu toàn ngành là cao nhất trong lịch sử. Với con số hơn 2 triệu khách quốc tế trong tháng 1 mà không có dịch bệnh thì chắc chắn cả năm 2020 sẽ vượt 20 triệu, và số khách nội địa có thể vượt 100 triệu. Đi kèm với đó là tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam sẽ cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, đến tháng 2 thì dịch bệnh nổi ra, toàn ngành du lịch Việt Nam cũng như trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề.
Song, đến mùa hè, ngành du lịch Việt Nam lại phục hồi một cách rất ngoạn mục nhờ thị trường nội địa bùng nổ, thậm chí vượt cả mức năm ngoái.
Đến làn sóng dịch vừa rồi, Việt Nam đã dập lại dịch nhanh chóng. Tuy nhiên, mọi người cũng phải chấp nhận tình trạng bình thường mới rằng quy mô thị trường đã giảm đi rất nhiều, chỉ bằng khoảng 1/6, 1/8 so với cùng kỳ về số lượng, sức mua cũng như khả năng chi trả.
Lần đầu tiên những người làm du lịch không thể lập một kế hoạch nào quá 3 tháng được, mà chỉ có thể nhìn 2-3 tháng trước mắt và làm tất cả những gì mình có thể trong 2, 3 tháng đó. Mọi người hy vọng vào điều tốt nhất có thể đến, nhưng đồng thời cũng chuẩn bị tinh thần rằng khó khăn sẽ còn kéo dài trong nhiều năm.
Theo ông, đâu là 3 điểm nổi bật về du lịch Việt Nam năm 2020?
Điểm thứ nhất, năm 2020, đại dịch Covid-19 đem đến một thách thức mà tất cả mọi người trong ngành du lịch chưa bao giờ trải qua. Ngay cả tôi - một người làm trong ngành 26 năm rồi cũng chưa bao giờ trải qua những thách thức dạng như thế này.
Nó khiến cho tương lai hoàn toàn bất định, cùng với sự sụt giảm quá nhanh chóng của nhu cầu, dẫn đến những kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng trước như năm 2001, 2003, 2009, 2010, 2011 đều không có tác dụng. Bởi mức độ cũng như thời gian, tầm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là trên phạm vi toàn cầu chứ không phải chỉ có một vùng.
Điều thứ hai là trong thách thức, mọi người nhận thấy rõ vai trò của du lịch nội địa, du lịch nội vùng. Điển hình như việc người dân Singapore cũng đi du lịch trong nước – điều mà chưa bao giờ xảy ra trong quá khứ. Tương tự như vậy, ở Việt Nam, người Hà Nội đi du lịch Ba Vì, Phú Thọ, Yên Bái rất nhiều. Người Sài Gòn thì đi Nam Cát Tiên, Vùng Tàu, đi Đồng bằng sông Cửu Long… Trước đây, rất ít người nghĩ tới điều đó.
Thứ ba, đại dịch đã ảnh hưởng đến hàng triệu người làm trong ngành du lịch, hàng không ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc chia sẻ lẫn nhau đã giúp cho mọi người vượt qua được khó khăn.
Cứ thử tượng tượng có phi công thu nhập trước đây là 100-200 triệu đồng/tháng, giờ sẵn sàng chấp nhận vui vẻ mức lương 2,5 triệu đồng/tháng để cùng hãng bay chống chọi với Covid-19. Rồi những giám đốc, tổng giám đốc sẵn sàng làm không lương trong 1 năm (mức lương 100-200 triệu đồng/tháng) để giúp đỡ cho doanh nghiệp vượt khó.
Các đối tác trước đây sẽ kiện cáo nhau để đòi nợ thì trong dịch bệnh đã thông cảm với nhau hơn, đối thủ cạnh tranh cũng vậy. Tất cả đều có cách tiếp cận rất nhân văn để cùng nhau vượt khủng hoảng.
Ngoài tinh thần tương thân tương ái, còn những điểm tích cực nào trong ngành du lịch Việt Nam năm 2020, thưa ông?
Điểm tích cực đầu tiên, đó là do dịch bệnh, các xu hướng đã có từ rất lâu giờ tăng tốc cực kỳ nhanh. Cụ thể, xu hướng chuyển dịch sang các loại hình du lịch thiên nhiên, những hoạt động thân thiện hơn với môi trường được thể hiện rõ hơn. Những xu hướng này bắt đầu từ năm 2016, 2017 và đến năm nay tăng trưởng rất mạnh.
Thứ hai là xu hướng sử dụng các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động của các doanh nghiệp du lịch, hàng không. Có thể thấy rõ là hệ thống đặt phòng online, các nền tảng công nghệ du lịch nội địa của Việt Nam lên ngôi rất nhanh trong năm nay.
Ví dụ như trong tháng 10, tháng 11, iVIVU (hệ thống đặt phòng khách sạn, vé máy bay, tour… online thuộc Tập đoàn Thiên Minh) tăng trưởng 45-55% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã tạo ra sự khách biệt giữa những doanh nghiệp có nền tảng công nghệ tốt, hiểu được thị trường nội địa và phục vụ khách hàng tốt hơn.
Thực tế là hồi tháng 4-5, các OTA (đại lý dịch vụ du lịch) nước ngoài không phục vụ được người Việt tốt. Lý do là Call Center của họ không làm tốt việc hoãn, huỷ, hoàn tiền cũng như trả lời các thắc mắc của khách hàng như các OTA trong nước.
Trước kia, người Việt tin vào những nền tảng quốc tế hơn về dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, xu hướng đã thay đổi khi các nền tảng trong nước được tin dùng nhiều hơn.
Thứ ba là về "overtourism" – quá tải khách du lịch ở một số địa điểm – vấn đề gây ra nhiều tranh cãi trong năm 2018-2019. Tình trạng này đã tạo ra nhiều thách thức hơn cho điểm đến du lịch, cho người dân tại đó. Đồng thời, điều này cũng phá hủy những giá trị văn hóa, gây ra ô nhiễm không cần thiết về môi trường, nguồn lực, làm xáo trộn cuộc sống của người bản địa.
Đến năm 2020, vấn đề này đã được giải quyết rất nhiều. Những điểm tham quan nổi tiếng của Việt Nam đã có sự thay đổi lớn về phục hồi môi trường bị ô nhiễm. Ví dụ như Hạ Long đã sạch hơn rất nhiều vào tháng 5-6, nước biển xanh hơn và cá heo đã quay trở lại sau rất nhiều năm.
Cuối cùng, đại dịch Covid-19 là một phép thử cho những doanh nghiệp tốt. Hiện tại, khoảng 30-40% công ty lữ hành đã đóng cửa hoặc phá sản, khách sạn vẫn đóng cửa 5-10%, và 100% doanh nghiệp còn lại đang chật vật. Tuy nhiên, tôi thấy mọi người vẫn bền bỉ làm việc, một số người vẫn tiếp tục đầu tư vào công nghệ, các nền tảng kết nối… để chuẩn bị cho một ngày tươi sáng hơn trong những năm tiếp theo.
Hiện tại, ông đã nhìn thấy một viễn cảnh nào tươi sáng hơn cho du lịch Việt Nam trong năm 2021 chưa?
Dự báo thì chắc chắn 2021 vẫn sẽ là một năm khó khăn. Theo tôi, ngành du lịch sẽ phục hồi một cách từ từ, như hình zíc zắc và theo hai nền tảng quan trọng.
Thứ nhất là kết nối giữa các vùng lãnh thổ và khu vực an toàn, những hành lang an toàn về du lịch như vậy chỉ có thể mở ra giữa các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương thôi. Ví dụ như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan. Singapore, Úc và New Zeland.
Thứ hai là kết nối giữa các nước mà có khả năng phổ biến vaccine đến 50% dân số. Các quốc gia có triển vọng cao có thể ở châu Âu hoặc Mỹ.
Còn việc kết nối giữa các khu vực có vaccine và chưa có vaccine sẽ rất khó. Với 2 nên tảng như vậy thì du lịch quốc tế đạt được lượng khách khoảng 25% như năm 2019 là tốt rồi, tương đương từ 350-500 triệu khách quốc tế trên toàn cầu. Còn để lượng du khách quốc tế có thể quay trở lại mức 1,4 tỷ trên toàn cầu thì có lẽ phải đợi đến năm 2024.
Còn với Việt Nam, nếu vẫn giữ tình hình như hiện tại, dịch bệnh được kiểm soát an toàn thì tôi cho rằng lượng khách nội địa sẽ còn tăng mạnh hơn. Bởi đầu tiên, đối với nhóm trước đây hay đi du lịch trong nước, bây giờ họ vẫn tiếp tục đi.
Thứ hai là nhóm trước đây hay đi du lịch nước ngoài, bây giờ họ sẽ tìm cơ hội để đi trong nước.
Thứ ba, tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện tại vẫn tốt: năm 2020 sẽ có tăng trưởng dương, đến năm 2021 dự báo là 6-8%. Những tín hiệu tích cực này tạo nền tảng thúc đẩy tiêu dùng du lịch ở tầng lớp trung lưu của Việt Nam. Đây cũng là nhóm khách hàng tiêu dùng du lịch nhiều nhất và thúc đẩy ngành tăng trưởng rất nhanh trong năm sau.
Ví dụ như trước đây, nhiều người cuối tuần đi Thái Lan, Singapore, Hong Kong thì bây giờ họ sẽ tìm những giải pháp khác, theo xu hướng khác. Họ sẽ trải nghiệm thiên nhiên, đi biển tham gia các hoạt động thể thao và tạo cơ hội cho các nhà tổ chức, điểm đến... đặc biệt là những nơi gần thành phố lớn.
Quay trở lại câu chuyện về viễn cảnh ngành du lịch Việt Nam trong năm 2021, mức khách quốc tế sẽ rất thấp. Trong quý 2, quý 3 năm tới, nếu may mắn sẽ có số lượng nhỏ khách du lịch quốc tế, còn không sẽ là quý 4, và tùy theo tình hình dịch bệnh và các hành lang an toàn với các nước khác.
Ông nhìn thấy triển vọng của những loại hình du lịch nào trước đây dành cho người nước ngoài mà năm tới sẽ phát triển mạnh cho khách Việt Nam?
Ví dụ như là du lịch hang Sơn Đoòng chẳng hạn. Anh bạn tôi đang làm tour này cho biết, các năm trước hầu hết là người nước ngoài thì năm 2020 chủ yếu là người Việt Nam nhưng tổng lượng khách còn đông hơn vì họ có nơi nào để đi đâu.
Dịch vụ thủy phi cơ ngắm cảnh ở Hạ Long của hãng hàng không Hải Âu của chúng tôi cũng tương tự, lượng khách tăng gấp 4-5 lần so với năm ngoái. Khách phải xếp hàng đến vài tuần để có cơ hội trải nghiệm việc bay với thủy phi cơ ở Hạ Long.
Rồi như du thuyền Mekong trước đây mở ra chủ yếu để phục vụ người nước ngoài thì năm nay toàn khách Việt với số lượng tăng hàng chục lần…
Nếu nhìn vào các sản phẩm du lịch nội địa phát triển mạnh trong năm 2020, ông thấy sản phẩm nào thú vị?
Nhóm sản phẩm du lịch trong năm 2020 nhờ Covid-19 mà phát triển mạnh đầu tiên là những sản phẩm và dịch vụ xung quanh trung tâm thành phố lớn. Điển hình như xung quanh Hà Nội là Melia Ba Vì, Mai Châu Logde, các điểm nhỏ xung quanh Sóc Sơn…. Đối với TP. HCM thì là Hồ Tràm (Vũng Tàu), Nam Cát Tiên… Đó là những địa điểm cách thành phố khoảng 1-2 tiếng đi ôtô thực sự lên ngôi và rất thành công.
Thứ hai là nhóm sản phẩm thân thiện với môi trường, những hoạt động chạy, đạp xe, chèo thuyền kayak… vượt xa các khu nghỉ dưỡng phức hợp, city shopping,
Tuy nhiên, 2020 không phải là một năm của những sản phẩm mới, mà chỉ là sự lên ngôi của những sản phẩm, dịch vụ trước kia không được nhắc đến nhiều.
Trước kia, du khách có nhiều sự lựa chọn, vì vậy họ thường không nghĩ nhiều khi đi du lịch. Tuy nhiên hiện giờ, du khách lại xem xét rất kỹ về việc đi đâu cho an toàn, đi đâu phù hợp với túi tiền, thời gian, đi đâu vẫn có thể làm việc được. Từ đó, những sản phẩm được đầu tư vào chiều sâu, có giá cả phù hợp sẽ thực sự lên ngôi.
Nhiều sản phẩm trước đây chỉ được thiết kế cho người nước ngoài, nhưng bây giờ các doanh nghiệp đã điều chỉnh giá, điều chỉnh cách tiếp cận, cho phép người Việt tham gia. Từ đó nó trở thành một sản phẩm mới cho người Việt, hấp dẫn nhiều du khách nội địa.
Khi đại dịch xảy ra, nhiều chuyên gia đã nói về chuyện cần dịch chuyển về cơ cấu thị trường bởi du lịch Việt Nam quá phụ thuộc vào Đông – Bắc Á. Nhưng với việc cả thế giới gặp nạn với đại dịch Covid-19, thậm chí châu Âu và Mỹ còn bị nặng hơn thì việc dịch chuyển sẽ thay đổi ra sao?
Hiện tại thì những "người xung quanh", "hàng xóm" sẽ quan trọng hơn nhiều so với những "người ở quá xa". Tuy nhiên, lý do chính của mục tiêu dịch chuyển trước đó là các công ty muốn tối ưu hóa nguồn lực để đạt doanh thu cao nhất có thể.
Nguồn lực của chúng ta thì có hạn, trong khi nhu cầu lại cao. Do vậy, chúng ta muốn thực sự tập trung vào làm và đảm bảo nguồn lực đang đổ vào nơi mang lại hiệu quả cao nhất. Mục tiêu cuối cùng là tăng năng suất lao động của toàn ngành, từ đó tăng thu nhập của từng cá nhân.
10 năm qua, năng suất lao động của Việt Nam trong ngành du lịch tăng rất chậm, gần như chậm nhất trong số các quốc gia trong khu vực. So với Thái Lan, năng suất lao động của Việt Nam trong ngành du lịch chỉ bằng khoảng 1/3. Do vậy, chất lượng cuộc sống của người làm trong ngành du lịch Việt Nam không tăng lên trong một thời gian dài.
Do vậy, mặc dù du lịch Việt Nam có tăng đầu tư, tăng doanh thu nhưng chất lượng cuộc sống của người làm trong ngành khách sạn, du lịch không tăng.
Covid-19 cho phép chúng ta xem xét kỹ hơn về những điều có thể làm và làm được, áp dụng các giải pháp công nghệ, lựa chọn thị trường, điều chỉnh nguồn lực để tập trung vào những khu vực mà trong tương lai, năng suất sẽ cao. Cuối cùng, điều này có thể giúp người lao động có thu nhập tốt hơn, cuộc sống ổn định.
Trong các giải pháp căn cơ để thay đổi ngành du lịch thì chuyển đổi số trong phát triển du lịch, nhất là quản lý, kinh doanh, nghiên cứu thị trường, tiếp thị và bán sản phẩm mang tính chất sống còn. Ở giải pháp này, trong năm 2020, theo ông các doanh nghiệp du lịch Việt Nam có dịch chuyển mạnh không?
Họ làm gì có tiền mà làm (cười). Điều may mắn ở đây là cộng đồng và chính quyền đều chấp nhận và thúc đẩy rất nhanh xu hướng này. Nếu như trước kia, phải mất hàng năm trời mọi người mới có thể chấp nhận các phương thức chuyển đổi số thì bây giờ đã khác. Chuyển đổi số đã áp dụng ngay cả trong việc tham quan bảo tàng, cùng với những giải pháp cho vé ô tô, vé tàu, đặt xe… Những xu hướng này đều bám vào thị trường, từ đó đưa ra những giải pháp hiệu quả hơn.
Hiện nay, có nhiều quỹ đầu tư, công ty, tập đoàn đang mong muốn hỗ trợ Việt Nam, cũng như giúp bản thân họ, sử dụng nguồn lực có sẵn của họ hoặc kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường để xây dựng các nền tảng du lịch trực tuyến.
Theo tôi biết, hiện nay đã có khoảng 5-6 nền tảng như vậy đang được xây dựng. Trong đó, tôi tin rằng sẽ có ít nhất 1-2 nền tảng phát triển mạnh, giúp cho ngành du lịch Việt Nam phát triển hiệu quả hơn, năng suất lao động sẽ tăng cũng như giảm các chi phí không cần thiết.
Tôi hy vọng rằng trong khoảng 3-12 tháng tới, những nền tảng đó sẽ ra mắt trên thị trường và trong 2 năm tới sẽ phát triển mạnh.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị tinh thần, sức khỏe và tầm nhìn xa hơn mức 2022. Bởi nếu chỉ nhìn trước mắt, tương lai vẫn sẽ rất mịt mù.
Trí Thức Trẻ