Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng chia sẻ bí quyết thành công: Tôi nói cái tôi nghĩ, làm cái tôi nói và bán cái mà bản thân sẽ mua

27/04/2017 11:26 AM | Kinh doanh

Tôi bắt đầu từ công ty rất nhỏ và giờ trở thành số 1. Khoảng cách số 1 và số 2, số 3 hiện còn rất dài.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), đã chia sẻ nhiều thông tin về chứng khoán, đến doanh nghiệp tại sự kiện "Bản chất các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp qua góc nhìn và kinh nghiệm của ông Nguyễn Duy Hưng". Cuộc đối thoại do Group Quản trị và Khởi nghiệp tổ chức cuối tuần trước tại TP HCM.

- Thưa ông, là người gắn bó với thị trường chứng khoán đã lâu, theo ông, khi nào nên đầu tư chứng khoán?

- Theo tôi, không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người. Thị trường chứng khoán phụ thuộc vào kỳ vọng mỗi người tham gia. Mọi người đánh giá và kỳ vọng trong tương lai là khác nhau. Ai kỳ vọng tương lai tốt thì mua, xấu thì bán.

Tôi thuộc trường phái đầu tư giá trị. Tôi luôn nhìn giá trị của công ty theo bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong trường phái đầu tư giá trị thì có những thời điểm các công ty khác gặt hái thành công, công ty tôi lại gặp khó khăn. Hoặc có những trường hợp, họ rất ốm yếu thì chúng tôi chỉ sổ mũi nhức đầu.

Ngay bây giờ hay ngày mai, bạn đều có thể tham gia thị trường chứng khoán.

- Chứng khoán Việt Nam không giống với thế giới mà thường theo tin đồn và cảm giác. Theo ông, điều đó có chính xác không?

- Ở các thị trường tiên tiến thì mức độ minh bạch của thị trường tốt hơn. Ngay cả ở thị trường lớn thì không phải không theo tin đồn. Vì tin đồn mới tạo ra thị trường. Nếu ông nào cũng nghĩ là tốt thì đều không bán, nếu nghĩ là xấu thì không ai mua. Bản chất của thị trường là tuân theo nhận định khác nhau. Nhận định khác nhau thì phụ thuộc vào tin đồn.

Ở những thị trường cao cấp thì họ ngăn chặn tin đồn tốt hơn. Còn những thị trường còn sơ khai thì có nhiều câu chuyện hơn. Nhưng tất cả các câu chuyện nhận định khác nhau, anh nhận định tốt thì anh không bán, anh cảm thấy tình hình xấu đi thì anh bán. Bản chất của thị trường chứng khoán là huy động vốn cho doanh nghiệp, chuyện mua bán thứ cấp tạo ra sự hấp dẫn cho thị trường chứng khoán.

Đã gọi là thị trường thứ cấp thì có người được người mất. Nếu ai đó mua mà ngày mai, giá xuống thì mất, giá tăng thì lại được. Được, mất phụ thuộc vào nhận định khác nhau về thị trường. Nhận định khác nhau về thị trường phụ thuộc vào việc tiếp cận thông tin chính thống hay không chính thống.

- Nhiều người nói, mua 10 đồng, bán 9 đồng rưỡi vẫn lời. Theo ông, việc trên có đúng không?

- Theo tôi, mua 10 đồng bán 9,5 đồng thì không có lãi. Nhưng có thể họ đưa đồng tiền đó vào làm việc khác thì đồng tiền đó vẫn có triển vọng. Nhiều công ty tài chính lớn có thể có những sản phẩm khác để bù đắp nếu lỗ. Nếu không phải như vậy, không thể có chuyện mua 10 đồng, bán 9,5 đồng vẫn lời.

- Ông lấy thị trường làm nền tảng phát triển công ty. Nhiều doanh nghiệp đều xây dựng hệ thống khách hàng cho riêng họ. Tại sao ông không liên kết khách hàng để giảm chi phí?

- Theo tôi, giữa mong muốn và khả năng thực hiện là những điều khác nhau. Nếu tôi liên kết được khách hàng thì sẽ giảm được chi phí. Mọi người đều biết rằng ai sở hữu hệ thống phân phối đó sẽ làm vua của nền kinh tế. Nhưng mong muốn và thực hiện khác nhau.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta mua hệ thống phân phối với giá cao gấp nhiều lần. Tôi và các bạn đều muốn sở hữu một hệ thống phân phối như thế nhưng có làm được không lại là chuyện khác. Bằng kinh nghiệm của cá nhân tôi thì tôi nghĩ là chúng tôi chưa có nhiều lợi thế để xây dựng hệ thống phân phối liên kết, chưa mơ ước một hệ thống bán hàng lý tưởng.

Người Việt Nam hay quan tâm nhiều đến sản xuất nhưng sản xuất không mang lại giá trị nhiều bằng thương hiệu.

Tôi lấy ví dụ chai nước gội đầu lợi ích chỉ có 5%, phần chính là quảng bá thương hiệu, in bao bì…. Khi kiểm soát được hệ thống phân phối thì là vua của nền kinh tế nhưng không dễ làm được. Nếu bạn biết thì mách, tôi sẽ làm.

- Trong cuộc sống của ông, thất bại nào là đáng nhớ nhất và làm sao ông có thể vượt qua được những thất bại đó? Khi thất bại thì ông có ý định đi làm thuê hay không?

- Có lẽ tôi lạc quan nên thất bại tôi quên hết rồi. Tôi bắt đầu từ công ty rất nhỏ và giờ trở thành số 1. Khoảng cách số 1 và số 2, số 3 hiện còn rất dài.

Nếu nói gì để chia sẻ về thành công thì tôi xin nói rằng: Tôi nói cái tôi nghĩ, làm cái tôi nói và bán cái mà bản thân sẽ mua. Đó là nguyên tắc của tôi.

- Cảm ơn ông.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM