Chủ tịch Quốc hội: Sửa đổi Luật Đất đai vô cùng hệ trọng và rất khó khăn
Lưu ý việc sửa đổi Luật Đất đai hiện hành là việc vô cùng hệ trọng và rất khó khăn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải triển khai tích cực, bài bản, khoa học.
Chiều 8/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của lãnh đạo Quốc hội với Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo luật đang được lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động. Bộ đã chủ động rà soát hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai để đề xuất sửa đổi trong Luật này hoặc các luật có liên quan, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương.
Trong quá trình soạn thảo, Bộ cũng đã tiếp thu ý kiến góp ý của 63 tỉnh, thành phố, các bộ ngành, làm việc với các Bộ Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông vận tải, Nội vụ. Dự thảo Luật vẫn đang trong quá trình xin ý kiến các cơ quan hữu quan để hoàn thiện.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh QH |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật rất lớn, hệ trọng, quy mô rộng, tác động sâu đến nhiều chủ thể, đối tượng, cơ quan, tổ chức. Dự án sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và dự kiến xem xét thông qua theo quy trình 3 kỳ họp, phấn đấu trong 2023 hoàn tất sửa đổi Luật Đất đai.
Để chuẩn bị cho việc sửa đổi dự án luật đặc biệt quan trọng này, theo Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã vào cuộc từ rất sớm. Từ giữa năm 2021, Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với Bộ TN&MT, trong đó có nội dung nghe báo cáo rà soát sửa đổi Luật Đất đai.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự án Luật Đất đai rất hệ trọng nên phải xây dựng đúng yêu cầu của luật, tuân thủ tiến độ chuẩn bị dự án luật, Chính phủ trình hồ sơ dự án Luật tới Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trước ngày 1/9 để nghiên cứu, cho ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về hồ sơ dự án luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ TN&MT dày công hơn nữa trong xây dựng báo cáo đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, môi trường kinh doanh, rà soát hệ thống pháp luật liên quan và dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai.
Về tổ chức tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong bối cảnh thời gian không có nhiều, đòi hỏi phải có kế hoạch hợp lý, tận dụng hiệu quả thời gian khi thảo luận cho ý kiến về các nội dung của dự án luật.
Bên cạnh Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra, thì Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội hay Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân dân các cấp, các đoàn Đại biểu Quốc hội,… phải nêu cao vai trò tham gia xây dựng luật.
Trong đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ TN&MT phải là các cơ quan đầu mối giúp Quốc hội, Chính phủ tổ chức việc huy động sự đóng góp của toàn thể nhân dân, các nhà khoa học cho dự án luật.
Về các nội dung lớn của dự thảo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các các cơ quan tiếp tục phối hợp rà soát, đánh giá kỹ lưỡng từ cơ sở pháp lý, thực tiễn tới thực trạng, xu hướng để xác định rõ các vấn đề này.
Đối với việc lấy ý kiến nhân dân, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải đặt ra các việc cụ thể, được thuyết minh rõ ràng, gắn với trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân.
Lưu ý việc sửa đổi Luật Đất đai hiện hành là việc vô cùng hệ trọng và rất khó khăn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải triển khai tích cực, bài bản, khoa học.
Do đó, việc trình dự thảo lần thứ nhất ra Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng hướng tới mục tiêu cuối cùng khi xây dựng, hoàn thiện dự án Luật là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và để Nhà nước, tư nhân đều không thể làm sai và không còn sợ sai.