Chủ tịch Pacific Foods: Chúng ta cần chú ý xử lý khủng hoảng truyền thông để không ảnh hưởng xuất khẩu, như bài học nhiễm Asen ở Vũng Áng

15/02/2022 08:28 AM | Kinh doanh

Chúng ta cần chú ý xử lý khủng hoảng truyền thông để không bị ảnh hưởng xuất khẩu, như bài học nhiễm Asen ở vùng biển Vũng Áng những năm trước. Theo đó, các vùng biển khác lại bị ảnh hưởng nặng nề, khách hàng quốc tế không mua hàng vì nghĩ rằng các sản phẩm liên quan đến biển của chúng ta đều bị nhiễm Asen hết cả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài vừa đồng tổ chức "Diễn đàn kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp".

Với tư cách là doanh nghiệp xuất khẩu nước mắm và nông sản Việt hàng đầu miền Nam, ông Lê Bá Linh - Chủ tịch HĐQT Pacific Foods, kiều bào Thái Lan, Phó Ban liên lạc kiều bào Lào - Thái Lan tại TP.HCM, đã có rất nhiều đề nghị sâu sát với tình hình thực thế thị trường. Pacific Foods là một trong những nhà bán nước mắm truyền thống Việt Nam hàng đầu Amazon.

"Pacific Foods là doanh nghiệp có hơn 10 năm tham gia lĩnh vực thúc đẩy thương mại, đầu tư và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Vậy nên, tôi xin phép có một số kiến nghị để tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư nông lâm thủy sản của Việt Nam; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tìm hiểu về thị trường, tìm kiếm đối tác, công nghệ và thỏa thuận hợp tác cũng như đưa các sản phẩm Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước

Từ một số vấn đề từ thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, xuất khẩu của Pacific Foods xin được mạnh dạn đóng góp tại diễn đàn như sau", ông Lê Bá Linh mở đầu bài phát biểu.

Thực tế cho thấy rằng: Hiệp định thương mại EVFTA kéo thuế suất nhiều dòng hàng về 0% nhưng lại gia tăng hàng rào kỹ thuật lên hàng hóa nhập khẩu. Do đó, nhà xuất khẩu Việt Nam đầu tư cho thị trường này phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đây là thị trường tự do nên mọi giao dịch, tranh chấp thương mại luôn được giải quyết theo pháp luật; quy trình, thủ tục xuất nhập khẩu cũng theo quy định chung.

Đặc biệt, thị trường châu Âu rất quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, thành phần nguyên vật liệu… để tránh gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chủ tịch Pacific Foods: Chúng ta cần chú ý xử lý khủng hoảng truyền thông để không bị ảnh hưởng xuất khẩu, như bài học nhiễm Asen ở Vũng Áng - Ảnh 1.

Các sản phẩm của Pacific Foods.

Một trong những giải pháp của vấn đề này là chính quyền và doanh nghiệp cần chung tay và đi đầu trong việc xử lý các thủ tục hành chính không giấy tờ, ít hoặc không tiếp xúc; hội họp thì nên chủ yếu qua mạng; các hoạt động kinh doanh sử dụng thanh toán bằng chuyển khoản, không dùng tiền mặt, tiến dần đến một nền kinh tế gọn nhẹ và hiệu quả.

Kiến nghị và giải pháp về chiến lược quản trị quốc gia trong dài hạn

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Pacific Foods, ở góc độ quản trị chung cũng như tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, chúng ta cần có biện pháp huy động và tập hợp trí tuệ của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để tư vấn xây dựng các kịch bản chiến lược phòng chống dịch bệnh, thiên tai và phát triển kinh tế trong dài hạn.

Thứ nhất, các việc cần được nhìn xa hơn và dự báo xa hơn, các ảnh hưởng và tình huống cần được tiên liệu toàn diện và cụ thể hơn từ nhiều góc độ, các biện pháp kế hoạch cần được thiết kế sát thực tế, đầy đủ và thấu đáo hơn hơn.

Thứ hai, Bộ và các Cục, Vụ, Viện cần tổ chức đầu mối để tiếp thu/tiếp nhận các ý kiến, sáng kiến, các kiến nghị đề xuất của cộng đồng để tổng hợp trình Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo kịp thời.

Kiến nghị một số yếu tố liên quan đến tài chính, ngân sách, chính sách… mà doanh nghiệp rất cần được tháo gỡ, hỗ trợ

Nhà nước cần hỗ trợ các công ty được phép xuất khẩu gạo cao cấp quy mô nhỏ dưới 1.000 tấn không cần quota

Ngoài ra, Chính phủ cần chú ý xử lý khủng hoảng truyền thông để không bị ảnh hưởng xuất khẩu, như bài học nhiễm Asen ở vùng biển Vũng Áng những năm trước. Theo đó, sau sự việc nói trên, những các vùng biển khác lại bị ảnh hưởng nặng nề, khách hàng không mua hàng vì nghĩ rằng các sản phẩm liên quan đến biển của chúng ta đều bị nhiễm Asen hết cả.

Chủ tịch Pacific Foods: Chúng ta cần chú ý xử lý khủng hoảng truyền thông để không bị ảnh hưởng xuất khẩu, như bài học nhiễm Asen ở Vũng Áng - Ảnh 2.

Lê Bá Linh - Chủ tịch HĐQT Pacific Foods

"Doanh nghiệp xuất khẩu như Pacific Foods đang phải đối diện với khó khăn về giá nguyên phụ liệu cho sản xuất tăng 15%-40% so với thời điểm trước dịch và phí dịch vụ logistics tăng cao gấp nhiều lần. Đây là 2 vấn đề chính khiến các doanh nghiệp xuất khẩu khá thận trọng trong việc nhận đơn hàng mới.

Chúng ta cũng cần điều chỉnh, tạo sự linh hoạt, thống nhất trong các quy định; tạo cơ chế đặc biệt cho các doanh nghiệp trong vấn đề logistics, cắt giảm phí cầu đường để giảm chi phí, giúp nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và hàng hóa Việt Nam.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, các cơ quan hữu quan cần kịp thời tháo gỡ khó khăn về những vướng mắc liên quan đến chính sách xuất nhập khẩu và chính sách để triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các dự án hỗ trợ phát triển thương mại", ông Lê Bá Linh bày tỏ.

Về vấn đề xúc tiến thương mại: Các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại vào thị trường nước ngoài theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào thị trường truyền thống và tiềm năng. Tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn kịp thời về chủ trương chính sách và cập nhật thường xuyên về tình hình thị trường quốc tế để có các biện pháp thích nghi, phù hợp với hoàn cảnh mới.

Đề xuất các cơ quan xúc tiến thương mại của Bộ tái khởi động các hoạt động tổ chức tham gia hội chợ truyền thống đã bị gián đoạn, tăng cường các hoạt động trực tuyến B2B, tiếp cận các thị trường tiềm năng như Nga, Úc, Hoa Kỳ, Bắc Mỹ, Trung Đông, Trung Quốc… và tăng cường quảng bá cung cấp thông tin về ngành trong ứng dụng công nghệ thông tin.

Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế với các chính sách được thiết kế khoa học, sát với nhu cầu, điều kiện của doanh nghiệp, tính khả thi cao. Cùng với đó là các gói hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh ở những ngành quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội để sớm tạo sức bật cho nền kinh tế.

"Về phần mình, để làm tốt công tác xúc tiến thương mại trong năm tới, chúng tôi đã có lộ trình và ngày càng ý thức hơn nữa đến việc tạo ra các sản phẩm xanh, sạch, được sản xuất theo phương thức bền vững nhất và coi lợi ích của người tiêu dùng là tối thượng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng đến việc đảm bảo cân đối cán cân thương mại, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, phải quan tâm đến môi trường pháp lý của chuyển đổi số. Pacific Foods cũng chú ý đến phương tiện và mô hình chuyển đổi số, đặc biệt là chú trọng đào tạo kỹ năng cho các bộ phận liên quan trong doanh nghiệp của mình để đi lên trong môi trường số", ông Lê Bá Linh tiết lộ.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM