Chủ tịch ngân hàng OCB lý giải việc lợi nhuận lao dốc
Năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng OCB đạt gần 4.140 tỷ đồng và chỉ đạt 69% kế hoạch đề ra, giảm 6% so với năm 2022.
Ngày 15/4, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (ĐHCĐ).
Tại đại hội, cổ đông đã chất vấn nhiều vấn đề xoay quanh việc ngân hàng chưa đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra cũng như thắc mắc về chênh lệch lợi nhuận giữa báo cáo tự lập và kiểm toán.
Lý giải việc lợi nhuận chưa đạt mục tiêu, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB cho biết, khi đầu tư vào ngân hàng, ban lãnh đạo luôn muốn lợi nhuận cao để mang lại quyền lợi cao nhất cho cổ đông. Hơn 10 năm qua, OCB đã có một vị thế ngày càng vững mạnh trong ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, năm 2022 - 2023 là hai năm OCB không đạt kế hoạch lợi nhuận do lạm phát và suy thoái kinh tế hậu COVID-19. Nền tài chính toàn cầu bị ảnh hưởng, tác động lớn đến ngân hàng. Thị trường khó khăn nên nợ quá hạn và nợ xấu của ngân hàng bị ảnh hưởng kéo theo kết quả kinh doanh năm 2023 bị ảnh hưởng.
Các cổ đông cũng chất vấn việc lợi nhuận sau thuế giữa báo cáo tự lập và kiểm toán chênh nhau 875 tỷ đồng. Cụ thể, theo báo cáo kiểm toán năm 2023, lợi nhuận sau thuế của OCB đã giảm 875 tỷ đồng xuống còn 3.302 tỷ đồng, giảm 21% so với báo cáo quý 4/2023 trước kiểm toán.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB chia sẻ, ngân hàng này chủ động trích lập thêm chi phí dự phòng để tăng cường bộ đệm quỹ dự phòng rủi ro tín dụng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách trong năm 2023 sẽ được hạch toán trong năm 2024.
Ngoài việc chủ động giảm lãi suất cho vay hiện hữu, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và thường xuyên đưa ra các chương trình ưu đãi, ngân hàng cũng liên tục triển khai nhiều biện pháp quản trị rủi ro tiên tiến và xử lý nợ xấu. Việc này nhằm đảm bảo chất lượng tài sản tín dụng, bao gồm cả giải pháp cho phép khách hàng sử dụng tài sản đảm bảo để bàn giao cho ngân hàng.
Theo ông Tùng, OCB luôn muốn rút ngắn thời gian xử lý, giảm gánh nặng về lãi và các khoản phí liên quan cho khách hàng so với việc thi hành các biện pháp xử lý nợ thông qua công tác tố tụng thông thường.
Ngoài ra, OCB vẫn hỗ trợ các điều khoản để khách hàng được ưu tiên mua lại tài sản của mình tại thời điểm phù hợp khi có nhu cầu và các khó khăn về thu nhập đã được cải thiện.
Cũng theo ông Tùng, mặc dù phương thức nhận tài sản đảm bảo để thay thế nghĩa vụ trả nợ được pháp luật cho phép nhưng việc triển khai lại đang thiếu thống nhất và đồng bộ giữa địa phương và các cơ quan hữu quan do vướng mắc tại khâu đăng ký cập nhật biến động trên “sổ hồng”.
Tổng giám đốc OCB cho rằng, việc hạch toán các khoản vay liên quan cũng còn nhiều quan điểm trái chiều từ nhiều phía dù nghĩa vụ nợ của khách hàng được xác định là đã chấm dứt khi họ bàn giao tài sản đảm bảo. Trên cơ sở đó, OCB đã chủ động trích lập tăng thêm chi phí dự phòng cho các khoản nợ đã bàn giao tài sản đảm bảo này.
Mục tiêu lợi nhuận tăng 66%
Theo báo cáo tài chính, năm 2023, tổng tài sản của OCB đạt hơn 240.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.140 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 69% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ nợ xấu là 2,02%.
Năm 2024, OCB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt hơn 286.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 6.900 tỷ đồng, tăng đến 66% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.