Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam: 2 đối tượng chống chỉ định với vắc xin Covid-19
Theo GS Kính, để tiêm vắc xin an toàn, việc khám sàng lọc ban đầu rất quan trọng, chỉ được tiêm vắc xin cho người đủ điều kiện tiêm chủng.
Tại Hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh Covid-19 theo phân tầng quản lý, điều trị và an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, GS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết để an toàn khi tiêm vắc xin, việc khám sàng lọc là bước rất quan trọng. Khám sàng lọc có mục đích phân loại các đối tượng trong tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, đảm bảo an toàn tiêm chủng, GS Kính nói.
Đối tượng cần thận trọng khi tiêm chủng
Theo GS, các nhóm đối tượng sau cần thận trọng khi tiêm chủng:
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác;
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính;
- Mất tri giác, mất năng lực hành vi;
- Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần.
- Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: Nhiệt độ <35, 5oC và >37,5 oC; Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút; Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế); Nhịp thở > 25 lần/phút.
Tiêm vắc xin tại nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức- Hà Nội - Ảnh Hải Ninh.
Đối với phụ nữ mang thai:
- Vắc xin Astra Zeneca: Phụ nữ mang thai được khuyến nghị tiêm vắc xin phòng Covid-19 AstraZeneca trong thời kỳ mang thai khi lợi ích vượt trội hơn bất kì nguy cơ tiềm ẩn nào cho mẹ và thai nhi.
- Vắc xin Sputnik V: Chống chỉ định vì hiệu quả và tính an toàn của vắc xin ở giai đoạn này chưa được nghiên cứu
- Vắc xin Vero-Cell của Sinopharm: Không có thông tin/không đề cập
- Vắc xin Pfizer: Chỉ nên cân nhắc tiêm vắc xin Pfizer trong thời kì mang thai khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kì nguy cơ tiềm tàng nào đối với người mẹ và thai nhi.
- Vắc xin Moderna: Không có thông tin về chỉ định/chống chỉ định.
- Vắc xin Janssen: Có thể cân nhắc sử dụng vắc xin COVID-19 Jassen trong thai kì khi lợi ích rõ ràng vượt trội nguy cơ cho mẹ và thai nhi
Gs. Kính cho hay, đối với phụ nữ cho con bú, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu vắc xin phòng Covid-19 AstraZeneca, Pfizer có tiết qua sữa mẹ hay không.
[Đọc thêm: Phụ nữ mang thai có nên tiêm vaccine COVID-19? Khuyến cáo mới nhất của CDC Mỹ ]
Một số loại vắc xin khác như vắc xin Vero-Cell của Sinopharm không có thông tin/không đề cập; vắc xin Moderna chưa có dữ liệu để đánh giá ảnh hưởng của vắc xin lên trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoặc lên sự tạo/tiết sữa; vắc xin Janssen nên được cân nhắc trong thời kỳ cho con bú khi lợi ích rõ ràng vượt trội bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn nào cho mẹ và trẻ.
Phụ nữ cho con bú chống chỉ định tuyệt đối với vắc xin Sputnik V vì hiệu quả và tính an toàn của vắc xin ở giai đoạn này chưa được nghiên cứu.
Đối tượng trì hoãn tiêm chủng
GS Kính cho biết, lợi ích của vắc xin Covid-19 trong phòng bệnh là quá rõ ràng. Tuy nhiên, một số đối tượng sau nên trì hoãn tiêm chủng:
- Có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng;
- Đang mắc bệnh cấp tính;
- Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Đối tượng chống chỉ định với vắc xin Covid-19
GS Kính cho biết 2 trường hợp chống chỉ định với vắc xin Covid-19 là:
- Người có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng Covid-19 cùng loại (lần trước);
- Người có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.
Việc tiêm chủng sẽ chỉ được thực hiện cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng. Trì hoãn tiêm chủng cho những trường hợp có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn tiêm chủng.
Nhân viên y tế cần chuyển tiêm đến cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ cho những trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ nguyên nhân gì.
Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần sau khi được giải thích nguy cơ/lợi ích, nếu đồng ý tiêm chủng, cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.