Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Trần Trọng Kiên: Dịch Covid-19 đồng thời là cơ hội để tái cấu trúc thị trường du lịch!

16/02/2020 08:26 AM | Kinh doanh

Theo số liệu sơ bộ của Bộ KHĐT, ngành du lịch Việt Nam có thể bị mất khoảng 2,3 tỷ USD doanh thu từ khách quốc tế nếu dịch Corona kéo dài đến hết quý I hoặc 5 tỷ USD nếu kéo dài hết quý II. “Thực tế thiệt hại cho nền kinh tế sẽ cao hơn những con số này”, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB) nói với Trí Thức Trẻ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: “Cần chuyển nguy cơ, khó khăn thành cơ hội!”.

 Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Trần Trọng Kiên: Dịch Covid-19 đồng thời là cơ hội để tái cấu trúc thị trường du lịch! - Ảnh 1.

- TAB vừa gửi Thủ tướng một lá thư thông báo ước tính về các thiệt hại mà ngành du lịch Việt Nam đang và sẽ gặp phải vì dịch Covid-19. Nhưng nếu nhìn ở góc độ khác của một người làm du lịch từng trải qua dịch SARS hồi 2003, liệu có điểm tích cực gì đang diễn ra?

Tôi cho rằng có 4 điểm có thể xem là thứ tích cực. Thứ nhất là các hành động tương thân tương ái, đoàn kết, chia sẻ đang diễn gia trong cộng và đang được nhân ra. Những hành động không thực sự có thiện chí như kỳ thị một nhóm người nào đó hay đưa các thông tin không chính xác đều đã bị cộng đồng phản đối.

Thứ hai là hình thành những thói quen mới, và đó là những ứng xử văn minh, như bị ốm thì đeo khẩu trang ở chỗ đông người, cúm thì chủ động cách li với cộng đồng, tránh những hoạt động làm suy yếu hệ miễn dịch như nhậu nhẹt hoặc ăn thịt động vật hoang dã... Những điều này nếu tiếp tục được giữ gìn thì xã hội nhờ vậy sẽ tốt lên, lành mạnh hơn.

Thứ ba, chúng ta đã thấy tầm quan trọng trong việc cần quyết liệt hơn để đa dạng hoá thị trường du lịch, giảm thiểu rủi ro. Thị trường mở rộng mà chúng ta hướng đến là những nơi xa như châu Âu, châu Úc - sẽ cần thời gian dài để xây. Khách du lịch từ những nơi này sẽ không đột ngột tăng vài triệu chỉ trong 1 – 2 năm.

Thứ tư, Chính phủ nỗ lực hơn rất nhiều và thấy rõ hơn vai trò của ngành du lịch đối với dân sinh và nền kinh tế. Hiện tại, các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực để giảm thiểu thiệt hại của dịch bệnh đến ngành, vì nếu du lịch bị ảnh hưởng, nền kinh tế chung cũng bị ảnh hưởng. Như thế, về sau này, cách đối xử với ngành cũng sẽ tốt hơn với nhiều chính sách phù hợp và ưu tiên phát triển bền vững hơn... Hay đơn giản hơn các cơ quan chức năng chỉ cần hạn chế đi kiểm tra, gây khó khăn trong việc cấp phép cho doanh nghiệp là cũng tốt lên rồi.

 Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Trần Trọng Kiên: Dịch Covid-19 đồng thời là cơ hội để tái cấu trúc thị trường du lịch! - Ảnh 2.

Trong kiến nghị của Bộ KHĐT gửi Chính phủ cũng có ý nhắc đến việc tăng tốc đầu tư cơ sở hạ tầng lớn như làm đường cao tốc Bắc – Nam, đường cao tốc đi Đồng bằng sông Cửu Long, xây nhanh các sân bay... Những điều này sẽ rất tốt cho ngành du lịch.

Ngoài ra, tôi thấy đợt này anh em trong công ty sống lành mạnh hơn rất nhiều. Làm xong thì chăm chăm về nhà, không nhậu nhẹt, không tụ tập hay đi karaoke hay massage gì, mà đi chạy chăm hơn. Đấy, cuộc sống trở nên văn minh lên, lành mạnh hơn rất nhiều mà chả cần phải "doạ" gì nữa.

-Những đánh giá về thiệt hại cho ngành du lịch đều là ước tính với các con số rất lớn. Nhìn vào kinh nghiệm trước đây của ông, những ước tính này có mức độ chính xác ra sao?

Nó sẽ phải hơn!

Thật ra những con số đưa ra chỉ đang ước tính trên chi phí trực tiếp trong khi ảnh hưởng đến nền kinh tế không chỉ là trực tiếp mà còn là gián tiếp và lan toả.

Ví dụ tiền máy bay, khách sạn, nhà hàng, phí tham quan là chi phí trực tiếp nhưng những tác động lên thương mại, mua sắm, bán lẻ là phần gián tiếp đang bị tác động. Rồi như ngành xây dựng, sản xuất, đầu tư hạ tầng bị chững lại vì dịch bệnh chính là phần tác dụng lan toả ra...

Nếu tính như thế thì con số thiệt hại cho nền kinh tế sẽ cao hơn ước tính hiện tại, mà như cách tính của thế giới sẽ nhân lên 2,5 lần.

 Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Trần Trọng Kiên: Dịch Covid-19 đồng thời là cơ hội để tái cấu trúc thị trường du lịch! - Ảnh 3.

-Khi thảo luận với các doanh nghiệp làm du lịch khác, ông thấy tâm lý của họ như thế nào?

Các công ty lớn tất nhiên không vui vì dịch bệnh rồi, nhưng họ cũng không quá lo vì họ có kinh nghiệm, nguồn lực. Qua nói chuyện với các tập đoàn du lịch, khách sạn, hàng không thì tôi thấy vậy. Nhìn chung, thái độ của mọi người là xem cái gì giải quyết được thì tập trung làm và đưa ra các kế hoạch, tính toán cho các tình huống khác nhau, tìm cách quay trở lại nhanh chóng khi dịch bệnh bị đẩy lùi.

Ở đây, các DNNVV sẽ bị ảnh hưởng tâm lí nhiều hơn. Do vậy, trong thư kiến nghị của TAB gửi lên Thủ tướng, chúng tôi ưu tiên giải pháp cho nhóm các doanh nghiệp này. Chúng tôi cho rằng không nên đưa ra gói kích cầu trực tiếp cho các doanh nghiệp lớn. Điều này sẽ khiến thị trường biến dạng.

Doanh nghiệp đầu tàu không gặp quá nhiều vấn đề, mà DNNVV – nhóm quan trọng với ngành du lịch – mới đang gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ.

Ví dụ có thể giảm ngay thuế GTGT cho các Công ty du lịch và khách sạn từ 10% xuống còn 5%, cho nộp thuế chậm từ 6 – 12 tháng mà không bị phạt. Việc nộp thuế chậm có thể áp dụng ngay đối với các khoản thuế GTGT quý IV/2019 và thuế TNDN, TNCN của năm 2019...

Những điều này sẽ tác động tích cực đến toàn bộ các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt DNNVV. Nhiều khi với doanh nghiệp nhỏ, vấn đề chỉ là dòng tiền thôi. Họ cần tồn tại được trong 2 – 3 tháng tới đã, không qua được thì phải đóng cửa. Tôi có biết những doanh nghiệp ngay tuần này đã phải cắt giảm đến 70% nhân sự rồi. Không có việc để làm, độ 2-3 tuần thì nhân viên họ tự chán, tự nghỉ.

 Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Trần Trọng Kiên: Dịch Covid-19 đồng thời là cơ hội để tái cấu trúc thị trường du lịch! - Ảnh 4.

-Thường thì sau những dịch bệnh như nCoV, kịch bản cho ngành du lịch của các nước khác và Việt Nam diễn ra như thế nào?

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, chúng tôi đã đưa ra 4 kịch bản cho dịch bệnh Covid-19 với ngành du lịch.

Ở kịch bản xấu nhất là tình hình rất nhiêm trọng, Chính phủ công bố nhiều vùng bị dịch, virus lan tràn trong nhiều cộng đồng với số ca nhiễm bệnh được xác nhận quá 1.000 người. Với tình hình này thì cần đóng cửa toàn bộ du lịch.

Tuy nhiên, tình trạng hiện nay của Việt Nam chưa đến mức như vậy. Việt Nam vẫn đang kiểm soát được dịch với chỉ một ít vùng bị dịch và một ít ca nhiễm. Do đó, giai đoạn này cần cố gắng duy trì, cái gì giữ được thì phải giữ.

Bước giải quyết chủ yếu tập trung vào bảo vệ người dân, khách và cộng đồng bằng các hành động phòng chống dịch. Những khách nào đang tham quan ở Việt Nam thì phải đảm bảo an toàn cho họ ở mức cao nhất. Theo đó, cần tránh những điểm tham quan ở vùng có dịch, hạn chế điểm du lịch trong nhà. Đồng thời cần đảm bảo điều kiện ăn ở của khách được an toàn, vệ sinh cẩn thận...

Vấn đề lớn nhất hiện nay ngoài việc bệnh dịch có thể lan nhanh là sự bất định, mối nguy trong tương lai cũng rất khó dự đoán. Do đó, chúng tôi tin rằng cần tạo được sự bình tĩnh từ phía doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ ngay lập tức từ phía Chính phủ. Như tôi đã nói ở trên, ví dụ như vấn đề giảm thuế, hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất trên diện rộng. Những điều này đặc biệt cần hướng đến DNNVV. Những doanh nghiệp lớn chỉ cần cắt 1 – 2 dự án là ổn ngay, nhưng những bạn khác ở quy mô nhỏ sẽ không có gì để cắt cả và chỉ có 1- 2 tháng để sống thôi.

 Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Trần Trọng Kiên: Dịch Covid-19 đồng thời là cơ hội để tái cấu trúc thị trường du lịch! - Ảnh 5.

-Vậy từ nay đến khi dịch bệnh đẩy lùi, cách giải quyết cụ thể sẽ như thế nào?

Nếu may mắn và nhìn vào lịch sử của dịch SARS 2003, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia dập dịch nhanh nhất trên thế giới, trước Trung Quốc. Sang tháng 5, tháng 6 khi trời ấm lên, khả năng dịch sẽ được dập và công bố hết dịch. Chúng tôi chia cách giải quyết ra làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn một là từ nay cho đến khi Việt Nam công bố dập dịch hoàn toàn. Theo đó, ngoài chống dịch, chúng ta cần tập trung vào thị trường nội địa, thị trường xa (Anh, châu Âu và Úc) và những thị trường mới không có dịch như Ấn Độ và kích cầu phù hợp ở những thị trường đó.

Giai đoạn 2 là khi Việt Nam ngăn chặn được dịch đến khi cả thế giới hết dịch. Lúc này chúng ta phải tập trung xúc tiến quảng bá cho thị trường nội địa và thị trường xa.

Giai đoạn cuối cùng là khi toàn cầu hết dịch. Theo đó cần tung công suất và đẩy mạnh các chương trình quảng bá tại Trung Quốc và Đông Bắc Á…

 Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Trần Trọng Kiên: Dịch Covid-19 đồng thời là cơ hội để tái cấu trúc thị trường du lịch! - Ảnh 6.

-Cho tới thời điểm hiện nay, khách Trung Quốc gần như không sang Việt Nam nữa và khả năng những tháng tới nhóm khách này vẫn rất ít. Với ngành du lịch Việt Nam, ứng xử như thế nào với khách Trung Quốc cho phù hợp?

Cần chờ họ công bố hết dịch, khi dịch bệnh được đẩy lùi thì thị trường sẽ lại mở cửa và chúng ta cần có những chính sách đảm bảo kích cầu. Chắc chắn khi Trung Quốc công bố hết dịch thì các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Indonesia cũng sẽ cố hết sức để lôi kéo lượng khách du lịch này. Việt Nam cần chứng minh là sẽ làm tốt vai trò của một điểm đến thân thiện, có giá trị cao. Đấy là những thứ chúng ta hoàn toàn làm được và cần làm.

- Còn đối với các khách từ thị trường khác thì phương thức thu hút có cần thay đổi gì không?

Ngày 18/2 này TAB sẽ mở Văn phòng Xúc tiến du lich tại Anh (một hình thức hợp tác công tư và thí điểm của ngành du lịch). Mô hình thí điểm này nếu thành công thì sẽ được nhân lên ở các thị trường khác như Úc, New Zealand. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhiều lần đề xuất đến việc miễn thị thực cho du khách đến từ các quốc gia này. Việt Nam cần phát triển mạnh khách đến từ các thị trường đó, ít nhất ngang tầm với Thái Lan.

Hiện nay Việt Nam đón khoảng 300 nghìn khách Anh, 250 nghìn khách Đức... trong khi Thái Lan lần lượt là 1 triệu khách và 1,2 – 1,5 triệu khách. Ít nhất chúng ta cũng phải đạt được gần mốc 1 triệu đó. Sau đó thì cần thêm những thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông nữa.

 Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Trần Trọng Kiên: Dịch Covid-19 đồng thời là cơ hội để tái cấu trúc thị trường du lịch! - Ảnh 7.

-TAB có đưa ra nhiều kiến nghị với Chính phủ để gỡ khó cho ngành du lịch, nhưng trong dịch bệnh thì ngành nào cũng như vậy cả. Nếu chọn những cái mà không thể không làm ngay, anh sẽ chọn những cái nào?

Trong 10 giải pháp mà chúng tôi đưa ra thì cái nào cũng cần và có thể làm ngay được. Nhưng ưu tiên số 1 là miễn giảm thị thực, cái này không mới nhưng là biện pháp kích cầu đơn giản mà không tốn kém. Hay việc giảm thuế, giảm thanh kiểm tra, điều kiện kinh doanh, xây dựng nhanh hạ tầng, cấp phép nhanh... chủ yếu là để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn.

Đây cũng là cơ hội để chúng ta tái cầu trúc lại thị trường du lịch, là cách chuyển nguy cơ, khó khăn thành cơ hội.

-So với SARS thời 2003, ông cảm nhận sự phục hồi của thị trường du lịch Việt sau dịch bệnh như thế nào?

Cái khó nhất là không ai dự đoán được, mỗi người có thể có đánh giá của riêng mình. Còn quan điểm của tôi là phải chuẩn bị cho điều xấu nhất: Dịch bệnh có thể kéo dài đến tận năm sau. Vậy sống chung với nó như thế nào? Nhưng tôi hy vọng nó sẽ không xấu như vậy và dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào mùa hè hoặc có vaccin phòng bệnh.

Cảm ơn ông!

Phương Ánh - Hoàng Ly

Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ
 Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Trần Trọng Kiên: Dịch Covid-19 đồng thời là cơ hội để tái cấu trúc thị trường du lịch! - Ảnh 10.

Theo Phương Anh-Hoàng Ly

Cùng chuyên mục
XEM