Ông Trần Đình Long ít khi xuất hiện trên báo chí. Người ta nhìn thấy doanh nhân này lâu nhất là tại các cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên của Hòa Phát. Năm nào cuộc họp cũng đông nghịt nhà đầu tư và thường là cổ đông dài hạn đã đồng hành cùng Hòa Phát suốt thời gian rất dài. Ông Long thậm chí nhớ mặt những cổ đông ấy.
Trong suốt 3 - 4 tiếng đồng hồ của cuộc họp, ông Long luôn là người quyết liệt và dứt khoát. Có một năm, cổ đông ầm ĩ chuyện công ty đặt kế hoạch kinh doanh thấp, và năm nào Hòa Phát cũng bị chê như vậy. Ông Long trình bày: "Chúng tôi luôn thận trọng trên cơ sở tính toán kỹ càng. Không nói thì thôi, nói ra rồi thì phải đạt được".
Thế nhưng cổ đông vẫn gay gắt. "Tức mình", ông Long quyết định luôn: Tăng kế hoạch lợi nhuận, thông qua ngay tại đại hội, không tranh cãi thêm. Tăng kế hoạch đồng nghĩa với việc tăng áp lực cho bộ máy của Hòa Phát. Dù quyết luôn tại đại hội như thế, nhưng thực chất vị Chủ tịch cũng dự kiến kế hoạch đó nằm trong khả năng. Thực tế, mọi điều mà doanh nhân này quyết định nói và làm đều tính toán đến phương án dự phòng.
Chủ tịch Hòa Phát tâm sự: "Chúng tôi không tính kế hoạch trong điều kiện thị trường thuận lợi mà tính đến trường hợp thị trường xấu nhất, mình vẫn sống được".
Mà có lẽ nếu "đuối" một tí, cũng phải "hùng hục" làm cho đạt thì thôi. "Nếu như người ta chơi cờ tính được 3-5 nước đã là "khủng khiếp" thì ông Long được ví là người chơi cờ tính trước đến 20 nước", một người quen của ông Long nhận xét.
Những người từng tiếp xúc với ông Trần Đình Long thường có cảm nhận về sự cụ thể, rõ ràng, không tránh né. Vì thế, đối với các cổ đông, chất vấn thì chất vấn, đòi hỏi thì cứ đòi hỏi, khi ông Long trình bày xong, quyết xong, cả hội trường phía dưới đều nhất loạt vỗ tay hoan hô. Mới đây "cỗ xe lu" – như ông Long vẫn gọi Hòa Phát - đã gây bất ngờ với kế hoạch doanh thu 100.000 tỷ đồng vào năm 2020, tức tăng gần 3 lần so với năm 2016 – một năm được hưởng nhiều yếu tố thuận lợi đột biến.
Xe lu muốn đổi vận thành máy bay nên quyết liều một phen? Không, ông Long nói chắc chắn: Đó là kế hoạch thận trọng chứ không hề táo bạo. Riêng dự án Dung Quất – dự án đã khiến Ban lãnh đạo công ty mất 4 tháng nghiên cứu kỹ càng trước khi ra quyết định, sẽ là dự án trọng điểm để doanh nghiệp đạt được kế hoạch này.
Với sự thận trọng và kỹ tính của mình, ông Trần Đình Long rất tự tin khi nói rằng "Nếu thị trường có sập, Hòa Phát sẽ là người chết cuối cùng". Cũng tại đại hội thường niên, cổ đông thường chất vấn câu hỏi: Tại sao chia thưởng và trả thù lao cho Ban lãnh đạo cao? Ông Long nổi giận: "Tôi đã nói nhiều lần, người có công người có của".
Hiện tại, Hòa Phát là doanh nghiệp lớn nhất ngành thép đang niêm yết trên thị trường chứng khoán. Doanh thu, lợi nhuận luôn tốt, ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất. Hàng năm đều trả cổ tức bằng tiền mặt. Trong 2 năm qua, giá cổ phiếu liên tục chinh phục đỉnh cao lịch sử.
"Nói vậy là không công bằng với những người đã một nắng hai sương, vất vả cực khổ để công ty có được doanh thu, lợi nhuận cao như vậy!" – Chủ tịch Hòa Phát nói.
Lương ở Hòa Phát thấp hơn so với khối lượng công việc và thấp hơn so với các công ty khác, điều này được cả người trong công ty và người bên ngoài đều biết. Thế nhưng, tại sao những người ở đây đều một lòng một dạ với công ty?
Làm "hùng hục" và cống hiến hết mình là điều ông "vua Thép" đòi hỏi. Văn hóa của Hòa Phát phản ánh chính xác tính cách của ông Chủ tịch HĐQT và có lẽ những con người đã bước chân vào bộ máy đều ít nhiều mang trong mình những tố chất này.
Ông Trần Đình Long luôn trân trọng điều đó và luôn nói rằng, Hòa Phát như ngày hôm nay là nhờ tất cả lãnh đạo và 14.000 cán bộ nhân viên dành trọn tâm huyết và sức lực cho Hòa Phát. Nghe đâu, ông Long sẽ không hài lòng khi nhân viên nào đó không toàn tâm toàn ý mà "léng phéng" làm việc khác ngoài công ty.
Đòi hỏi khắt khe về sự "chung thủy" như thế nên ông Long cũng căm ghét thói tham nhũng. Tất cả những hành vi không minh bạch, dù ở Hòa Phát hay của đối tác đều bị ông Long ghét cay ghét đắng và trừng phạt.
Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát kể: "Tôi từng đọc trên CAFEF một bài về ông Carlos Ghosn – CEO của Nissan, người vừa về giải cứu Mitsubitshi. Ông ấy nói, một trong những vấn đề lớn đối với Mitsubishi là công ty này không tăng trưởng. Sản lượng của hãng giữ ở mức khoảng 1 triệu xe mỗi năm trong suốt nhiều năm. Như thế là dậm chân tại chỗ. Đứng lại là chết, đi chậm cũng chết."
Với suy nghĩ ấy, ông Long cùng các đồng nghiệp anh em của mình đã không ngừng đổi mới và nâng tầm Hòa Phát từ khi khởi nghiệp đến nay. Từ một công ty nhỏ chuyên buôn bán các loại máy xây dựng, Hòa Phát tấn công ngành thép và trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất. Rồi từ sự thành công trong ngành thép, Hòa Phát tiếp tục đá chân sang bất động sản, điện lạnh, nội thất rồi làm dự án nông nghiệp…
"Tôi là con người hành động, giải quyết việc rất nhanh, luôn nhìn về phía trước và không hài lòng với những gì mình đang có." - "Vua Thép" tự nhận xét về mình.
Trong những chia sẻ của ông Trần Tuấn Dương – Tổng giám đốc hiện tại của Hòa Phát nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập doanh nghiệp, những người quan tâm được biết đến câu chuyện "các anh em" đi buôn tiểu ngạch thuở đó đã phải bò lên núi bằng 2 tay 2 chân, bê bết bùn đất mới vượt qua biên giới. Trải qua nhiều khổ cực, đúc kết nhiều kinh nghiệm, Hòa Phát mới được như bây giờ.
Còn năm nay, vì muốn làm một cú cất cánh cho doanh nghiệp "khủng long" của mình, Hòa Phát mới quyết định phát hành cổ phiếu để huy động vốn, đầu tư cho dự án Dung Quất. Đây là lần đầu tiên Hòa Phát phát hành cổ phiếu kể từ khi lên sàn đến nay và có lẽ sẽ là lần phát hành duy nhất trong ít nhất 10 năm tới.
Thị phần thép xây dựng của Hòa Phát hiện tại đứng đầu thị trường với 25%. Theo ông Long, tại một đất nước đang phát triển như Việt Nam, ngành công nghiệp nặng như thép có tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm. Khi thị trường tiếp tục nở to ra mà doanh nghiệp không đầu tư mở rộng, xây dựng nhà máy thì rõ ràng sẽ bị chậm lại, thị phần giảm xuống. Với tính cách của mình, không bao giờ ông để Hòa Phát dừng bước và như vừa nói, ông cũng không để doanh nghiệp đi chậm trong thời buổi này.
Trước những nghi ngại về tình trạng dư thừa thép, về các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài hay hiệu quả đầu tư của dự án Dung Quất thấp hơn nhiều so với dự án Hải Dương hiện tại, Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát chỉ nói ngắn gọn: "Truyền thống của Hòa Phát là cứ xe lu mà giữa đường thẳng tiến, không quan tâm đến ai cả. Không phải nổ đâu mà từ trước đến chúng tôi giờ vẫn thế".
Những người quen của ông Long nói rằng, ông giản dị một cách xù xì. Sự giản dị xù xì thể hiện ngay trong cách ăn mặc, cách thể hiện cảm xúc trong những câu chuyện ngoài công việc.
Là một doanh nhân nổi tiếng, nằm trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán, không ai lại không gọi ông Trần Đình Long là đại gia. Ông Long nói thẳng: "Theo tôi, không ai thích bị gọi là đại gia, nhất là khi mọi người thường có cái nhìn tiêu cực về giới siêu giàu. Nhưng tôi nói thật, mình thích hay không thì người ta vẫn gọi như thế, sống chung với lũ là xong".
Phòng làm việc của Chủ tịch Hòa Phát khá rộng, có treo những bức tranh phong cảnh rất lớn. Cách bài trí tạo nên cảm giác về một phong cách sống phóng khoáng và tự tin. Không chỉ thế, ngoài ban công còn có một tiểu cảnh trồng nhiều cây và hoa khiến người ta nghĩ rằng doanh nhân này thật "thi vị".
"Không, mọi người làm cho, chứ tôi có để ý đâu." – Chủ tịch của Hòa Phát thật thà chia sẻ.
Dân dã và xuề xòa như thế nhưng năm 2010, ông Long đã "chơi trội" khiến dư luận ầm ĩ vì mua máy bay riêng. Khi ấy, báo chí tràn ngập thông tin về máy bay của ông, từ mức giá 5 triệu USD đến chi phí 2 tỷ đồng/tháng để "nuôi" chưa kể nghe đâu, ông còn phải xây một sân bay riêng.
Nhắc lại, ông Long chỉ cười: "Tôi không màu mè gì đâu nhưng mình thích thì mình làm thôi. Có máy bay, đi lên mỏ cũng bớt được nhiều thời gian nhưng chủ yếu để chơi là chính. Tôi dùng tiền riêng chứ có dùng tiền của Tập đoàn đâu".
Trước "thú vui" với phi cơ triệu đô, ông Long cũng nổi tiếng với biệt danh "bầu Long" của đội bóng đá Hòa Phát. Ông say mê bóng đá và hồi sinh viên, ông là một cầu thủ nổi tiếng của đội bóng trường Đại học Kinh tế quốc dân Khóa 22. Năm 2011, Hòa Phát chuyển giao đội bóng cho ACB, tuyên bố từ bỏ bóng đá. Giờ nhắc lại, ông Long vẫn xúc động.
"Làm bóng đá thích lắm. Bây giờ anh em gặp nhau vẫn nói 7 năm làm bóng đá rất hạnh phúc. Tất nhiên là vất vả khổ sở, có thể nói đó là một gánh nặng nhưng lại là gánh nặng êm vai".
Ít ai biết người đàn ông quyết liệt và có phần nóng tính này từng là học sinh giỏi văn, luôn có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi văn của trường. Chất "thi vị" ấy đến giờ cũng không có nhiều thay đổi. Ông Long cho biết, khi có thời gian rảnh rỗi, ông thường chơi golf còn buổi tối hay xem phim, bàn chuyện chính trị, thời sự và nghe các bài hát thời xưa.
Nếu tìm một người bất kỳ đã từng gặp "vua Thép" và hỏi: Ông Trần Đình Long là người như thế nào? Chắc hẳn sẽ được nhận lại rất nhiều câu trả lời. Là một người nóng tính, đáng sợ. Một người làm việc như trâu. Một người thân thiện, cởi mở… hoặc có khi lại lời nhận xét: ông ta không sợ trời không sợ đất. Nhưng tựu chung sẽ đều thấy được ở doanh nhân này một cảm giác, đó là đáng tin cậy. Ông ta nói là làm, làm là làm đến cùng và làm một cách đường hoàng.
Trí Thức Trẻ