Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm VN: Các doanh nghiệp bảo hiểm đã cử người xuống hiện trường, kịp thời giải quyết quyền lợi bảo hiểm, tạm ứng bồi thường

13/09/2024 16:04 PM | Kinh doanh

Bảo Hiểm Bảo Việt đã tiếp nhận 692 vụ tổn thất với tổng bồi thường ước tính 950 tỷ đồng. Bảo hiểm Bưu điện thông báo tiếp nhận 700 tổn thấn về tài sản kỹ thuật và xe cơ giới, hiện đã giám định xong 85% yêu cầu bồi thường về xe cơ giới, chờ đưa vào sửa chữa.

Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm VN: Các doanh nghiệp bảo hiểm đã cử người xuống hiện trường, kịp thời giải quyết quyền lợi bảo hiểm, tạm ứng bồi thường- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

“Thiên tai luôn là thử thách lớn đối với tất cả chúng ta”, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Nguyễn Xuân Việt cho biết.

Bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Sau khi Bão qua đi, hoàn lưu bão đã và đang tiếp tục gây ra mưa lớn, nguy cơ lũ quét và sạt lở ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đại diện Hiệp hội, ông Việt cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã khẩn trương thực hiện trách nhiệm bảo hiểm, cử cán bộ xuống hiện trường để nắm bắt thông tin thiệt hại, thăm hỏi tình hình khách hàng và kịp thời giải quyết quyền lợi bảo hiểm, tạm ứng bồi thường.

Theo thông tin từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, số vụ thiệt hại được các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận hơn 9.000 vụ tổn thất có yêu cầu bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm tài sản (nhà máy công nghiệp, xưởng sản xuất, máy móc, thiết bị, hàng hóa), bảo hiểm xe cơ giới… và bảo hiểm nhân thọ, tổng số thiệt hại ước tính lên đến 7.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, tạo niềm tin và sự an tâm cho khách hàng, qua đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

Đồng thời, bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, duy trì tinh thần đoàn kết và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan để đẩy nhanh quá trình thẩm định, bồi thường thiệt hại.

Hiệp hội mới đây cũng đã đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm ủng hộ 500 triệu đồng đến các tỉnh, thành phố bị thiệt hại.

Liên quan đến thiệt hại sau cơn bão, Bảo hiểm PVI ghi nhận tổn thất lịch sử. Tính đến chiều ngày 11/9/2024, đơn vị này ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người).

"Đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và Bảo hiểm PVI nói riêng", đơn vị này cho biết.

Tính đến sáng ngày 12/9/2024, Bảo Hiểm Bảo Việt tiếp nhận 692 vụ tổn thất với tổng bồi thường ước tính 950 tỷ đồng. Các tổn thất chủ yếu tập trung vào các loại hình bảo hiểm con người và tài sản, như bảo hiểm ô tô, bảo hiểm nhà ở tư nhân, công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa.

Doanh nghiệp hiện đang khẩn trương tiến hành giám định và tạm ứng bồi thường cho các thiệt hại nghiêm trọng.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã ghi nhận hơn 200 vụ tổn thất về tài sản kỹ thuật, hàng hải; 500 vụ tổn thất về xe cơ giới, ước tính số tiền bồi thường trên 200 tỷ đồng. PTI cho biết đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã giám định xong 85% số yêu cầu bồi thường về xe cơ giới và chờ đưa vào sửa chữa.

Trước đó, ngày 9/9, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) có văn bản đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Đồng thời, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM