Chủ tịch Hà Nội nói về nguyên nhân rác thải ùn ứ, bốc mùi hôi thối ở 4 quận nội thành
Sáng 17/7, nhiều người dân quanh bãi rác Nam Sơn vẫn tiếp tục tập trung, dựng lều để chặn xe rác do bức xúc với các chính sách đền bù, di dời của thành phố.
Chính vì vậy, vào thời điểm này tại 4 quận nội thành đang xuất hiện tình trạng rác thải ùn ứ chưa được thu gom, vận chuyển. Trong đó, nhiều nơi rác chất thành nhiều đống lớn, bốc mùi, gây mất mỹ quan đô thị.
Cận cảnh rác thải rỉ nước ở khu bãi rác Nam Sơn
Trả lời tại buổi tiếp xúc cử tri vào sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn thừa nhận người dân quanh Khu xử lý chất thải Nam Sơn rất khổ, nguyên nhân ban do nước rỉ rác ở các hồ chứa cạnh khu chôn lấp bốc mùi rất mất vệ sinh.
Theo ông Chung, hệ thống xử lý rác thải của Hà Nội chủ yếu đang sử dụng phương pháp chôn lấp. Cứ 1 m3 rác thải thì sinh ra 1,3 m3 nước rỉ rác. Trong khi đó, tại khu vực nhà máy rác Nam Sơn có 3 hồ để chứa nước rỉ rác.
Nước rỉ xuống hồ
Người đứng đầu TP cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, Hà Nội đang xây dựng và chuẩn bị đưa vào khai thác nhiều nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao theo tiêu chuẩn châu Âu.
Nhà máy điện rác Nam Sơn với công suất 4.000 tấn/ngày đêm, đưa tỷ lệ rác thải chôn lấp xuống dưới 5%. Khí thải từ các nhà máy này đảm bảo hoàn toàn không độc hại, được Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học Công nghệ kiểm định.
Nếu đưa vào hoạt động, thì đảm bảo không hại sức khỏe cho người dân vì bộ lọc khí thải rất hiện đại.
Dự án nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng được UBND Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017 do Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, lớn nhất Việt Nam hiện nay, nguồn rác sẽ được lấy ở 9 quận nội thành. Dự án sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ.
Dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện mỗi giờ. Tiến độ dự kiến tháng 8/2020 sẽ hoàn thành và vận hành chính thức vào tháng 10/2020.
Vướng mắc đền bù
Liên quan đến việc người dân phản đối không cho xe rác đi vào nhà máy Nam Sơn, ông Chung cũng thẳng thắn thừa nhận do vướng mắc, hiện TP đã phân công một phó chủ tịch UBND và một phó bí thư Thành ủy trực tiếp lên đối thoại với người dân nhằm giải đáp thắc mắc và tháo gỡ khó khăn.
Vấn đề di dời các hộ dân xung quanh được Chung nhắc đến những vướng mắc mà người dân chưa đồng tình.
"Vướng mắc thứ nhất là giá và đất nhà tái định cư đã được thành phố bố trí xong. Thứ hai là kinh phí cho việc tái định cư thành phố đã đảm bảo đủ. Vấn đề thứ 3, cũng là vướng mắc nhất hiện nay là hạn định nguồn gốc đất", ông Chung nói trước cử tri.
Nhà máy xử lý rác thải đang hoàn thành
Theo chủ tịch Hà Nội, thành phố xác định nguồn gốc đất của người dân để đền bù theo các vùng là trong bán kính từ 0 m đến 1.000 m; từ 1.000 m trở lên và từ 1.200 m trở lên.
Tuy nhiên, hiện tại thành phố lại quy định lại, bồi thường cho nhà người dân trong bán kính 400 m, còn trên 400 m thì chỉ nhận được hỗ trợ.
Do các công trình, tài sản trên đất ở trên 400 m đang chỉ được nhận mức hỗ trợ thấp hơn nên người dân không đồng tình.
Người dân dựng lều
Cũng trong sáng nay, trao đổi với chúng tôi hầu hết người dân đang tập trung để phản đối xe rác đi vào Nam Sơn, họ đều mong muốn được đối thoại với cấp cao nhất về vấn đề đền bù thỏa đáng.
"Nhà tôi có 100 mét thổ cư, vài trăm mét liền kề. Nếu với mức thành phố đang đưa ra thì không thể đủ điều kiện để dời ra chỗ mới. Trong khi đó, cũng tại địa bàn xã này chỉ cách vài trăm mét đến chỗ tái định cư, người dân chúng tôi phải bỏ ra giá tầm 4 triệu đồng/m thì quá vô lý", một người dân chia sẻ.