Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: “Thế giới tương lai không có chỗ cho người trung bình”
Dự báo về sự biến đổi thế giới trong tương lai, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh, từ khoảng năm 2035 trở đi, thế giới phát triển rất khác ngày nay. Đó là một thế giới không có chỗ cho những người trung bình, chỉ có chỗ cho những người sáng tạo, đổi mới.
Chia sẻ với các bạn trẻ tham dự lễ tôn vinh và trao giải cuộc thi giải Toán trên Internet - ViOlympic năm học 2015 - 2016 khu vực phía Bắc vừa được tổ chức tại Hà Nội hôm nay, ngày 14/5/2016, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT nhấn mạnh: “Các em là những người chiến thắng và chiến thắng trên quy mô hàng triệu người thì đó còn là một chiến thắng vang dội”.
Xưng thầy với các học sinh THPT, THCS khu vực phía Bắc giành được giải thưởng trong cuộc thi ViOlympic lần thứ 8, ông Trương Gia Bình chia sẻ: “Thầy hiểu là các em thắng lợi trong cuộc thi này không quan trọng bằng nhiều điều khác. Chính vì vậy, thầy rất tuyên dương lòng đam mê Toán học của các em, tuyên dương thời gian các em đã say mê giải các bài Toán, luyện các đề Toán khó. Và đó cũng là sự đồng cảm to lớn của rất nhiều người tham gia tổ chức chương trình hôm nay. Bởi vì nhiều năm trước, các thầy cũng như các em rất say mê Toán học”.
Bản thân Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cũng từng rất may mê Toán học và đánh giá cao môn học này. Trước khi trở về nước và cùng 12 nhà khoa học khác vượt qua nhiều khó khăn để thành lập ra Công ty Công nghệ Thực phẩm FPT (tiền thân của Công ty cổ phần FPT) vào tháng 9/1988, ông Bình đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán Lý tại Liên Bang Nga.
Ông Bình cũng tiết lộ với các em học sinh tham dự lễ trao giải một bí mật: Toán học cũng là một vũ khí bí mật để thành công trong kinh doanh. Toán học cho phép chúng ta tính rất nhanh khi mà đối tác chưa tính ra được. “Cho nên nếu nắm vững tư duy Toán học, các em sẽ có nhiều cơ hội, điều kiện để thành công hơn các bạn khác”, ông Bình nói.
Theo chia sẻ của ông Bình, khi các em học sinh tham dự sự kiện hôm nay bước vào đời, bắt đầu làm những công việc đầu tiên của mình thì thế giới đã rất khác. Ông Bình cho biết: “Thầy đi dự Diễn đàn kinh tế thế giới, các hội nghị, hội thảo quốc tế, người ta thông báo rằng khi các em vào đời, bắt đầu từ khoảng năm 2035 trở đi, thế giới phát triển rất khác ngày nay: một thế giới cực kỳ thông minh, một thế giới mà các học sinh, sinh viên, thanh niên không có sự khác biệt, không có tư duy sáng tạo sẽ không thể tìm được việc làm. Tình trạng này hiện đã bắt đầu diễn ra ở một số quốc gia phát triển như Pháp, Tây Ban Nha, các nước Tây Âu”.
Vì thế, ông Bình nhắn nhủ với các em học sinh: “Chưa nói đến chuyện sẽ thành công vượt trội, nếu các em không hiểu được sự biến đổi sắp tới của thế giới thì sẽ có rất nhiều em sẽ không có được công ăn việc làm. Thế giới tương lai không có chỗ cho những người trung bình, chỉ có chỗ cho những người sáng tạo, đổi mới. Đó chính là kết quả của một cuộc cách mạng mang tên “cách mạng số”. Trong một thế giới mà máy tính đã trở nên thông minh và giúp chúng ta giải quyết hầu hết các công việc, chỗ đứng của các em trong tương lai chỉ có thể có được nếu các em sáng tạo”.
Trên cơ sở nhận định, dự báo về sự phát triển của thế giới trong vài chục năm tới, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã đề xuất Bộ GD&ĐT cần phải làm gì đó để thanh thiếu niên Việt Nam có thể trở thành những công dân “sẵn sàng số”. “Sẵn sàng về số ở đây có thể hiểu là sẵn sàng về Toán, về Tin học và tiếng Anh”, ông Bình lý giải.
Theo thống kê của Ban tổ chức, ở khối lớp 11, trong 503 thí sinh đoạt giải quốc gia cuộc thi ViOlympic năm học 2015 - 2016, có 98 thí sinh đạt giải Vàng, 172 thí sinh đạt giải Bạc và 233 thí sinh đạt giải Đồng.