Trả lời phỏng vấn tại nhà riêng ngay sau chuyến đi công tác
TP.HCM 8 ngày, "nữ tướng ngành chứng khoán" cho biết chị chỉ dành 1 ngày cho chứng
khoán. 7 ngày còn lại, chị đi chia sẻ về thực dưỡng với cộng đồng doanh
nhân, văn phòng, tu sĩ, trường học, thuyết giảng cho dự án mà mình yêu thích. "Nếu nói
chuyện chứng khoán tôi sẽ không có gì nhiều để chia sẻ. Vai trò hiện tại của
tôi ở VNDIRECT chỉ là tổ chức và con người chứ không còn làm kinh doanh nữa",
người phụ nữ này tâm sự.
Khi bắt đầu bước chân vào lĩnh vực thực phẩm sạch, ăn dưỡng sinh, chị từng chia sẻ: "Chưa có ngành nào thách thức như công việc này". Thách thức ấy đến từ đâu?
Ngành chứng khoán thu hút nhân tài rất dễ, còn ngành này thì
không, toàn lao động thủ công. Do đặc thù công việc, bà con thiếu
tầm nhìn, cũng như hạn chế về khả năng thực hiện theo
quy trình… thành ra có rất
nhiều thách thức. Chưa có người thực sự tâm huyết làm cùng, tôi phải tự làm rất
nhiều thứ. Phải nghĩ như con voi và làm như con kiến. Mất 3 năm mày mò tìm kiếm
và nghiên cứu sản xuất, chúng tôi mới mở được hai cửa hàng ở Hà Nội và một
ở TP.HCM.
Hiện nay, nhiều bạn trẻ bắt đầu kinh doanh thực phẩm sạch nên nguồn lực cho ngành bắt đầu nhiều hơn. Đa số hiện đi theo con đường làm thực phẩm sạch, còn chúng tôi đưa ra cho mọi người một phương pháp ăn đúng. Khi đó, thức ăn sẽ chuyển hóa thành năng lượng tốt nhất, giúp chúng ta khỏe mạnh và thông thái hơn.
Thực phẩm sạch chỉ là một phần. Bạn phải ăn đúng, bởi dù ăn sạch mà sai thì thực phẩm sạch cũng sẽ thành rác trong cơ thể. Với ước nguyện ấy, tôi bắt buộc phải mở cửa hàng để giới thiệu một lối sống mới.
Đến giờ, việc kinh doanh thực phẩm sạch và chay thực dưỡng dưỡng sinh của chị ra sao?
Khi bắt đầu, tôi bị rất nhiều người phản đối. HomeFood cũng chưa có khách. Hồi ấy, cộng đồng chỉ coi đó là quán ăn chay. Tôi cũng chưa đủ trí tuệ để nói về thực dưỡng. Còn bây giờ, khi tôi đi nói chuyện, tỷ lệ tương tác đã tăng lên nhiều vì hỏi ra, ai cũng có bệnh, hoặc về thân hoặc về tâm, hoặc cả hai!
Tôi chỉ thật lòng chia sẻ trải nghiệm từ chính bản thân
mình. Cuộc đời tôi rất may mắn có rất nhiều trải nghiệm: của một người mẹ được
chăm con ốm 17 năm, của một người đã từng bị áp lực công việc đến mức sức
khỏe sa sút trầm trọng do mất cân bằng, và của một người được chuyển hóa nhờ thực phẩm
sau khi biết đến thực dưỡng.
Giờ HomeFood đã dần hết lỗ, đủ nuôi quân, và chúng tôi dự định
mở rộng quy mô. Nhưng tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm. Giờ tôi đã 50 tuổi,,
mà HomeFood thực tế là một sự ngược dòng. Thách thức đặt ra là: Làm sao để mọi
người đều biết, đều hiểu và chấp nhận ăn thực dưỡng một cách tự nhiên, dễ dàng
như ông bà, cha mẹ chúng ta thời trước. Làm sao để chúng ta không bị các định
kiến dẫn dắt, và hồn nhiên chọn ăn những thực phẩm tươi, lành như một bé
thơ? Đó là điều chúng tôi đang
nỗ lực làm.
Kinh doanh thực phẩm và nhà hàng thực dưỡng chắc phải đem lại rất nhiều lợi nhuận thì chị mới làm. Chị giải thích thế nào nếu người khác hỏi như vậy?
Tôi không giải thích, cứ làm vậy thôi. Đã từ lâu, tôi không
còn cố kiểm soát suy nghĩ của người
khác. Ngày xưa tôi giải thích vì tôi còn ngạo mạn, muốn người ta khen mình tốt. Bây giờ tôi thấy điều đó không còn quan trọng.
Tất cả những gì ta làm ở cuộc đời này đều là cơ hội để ta
luyện tâm. Tôi biết mình chọn con đường khó. Nhưng không hiểu
vì sao trước những thách thức đó, tôi lại thấy mình luôn tràn đầy sinh khí. Còn
cái gì đã tốt rồi thì tôi lại thấy mình vô dụng.
Chị muốn giúp đỡ nhiều người, đặc biệt là người nghèo. Nhưng thực phẩm sạch giá không hề rẻ, không phải ai cũng mua và sử dụng được?
Bình thường một mớ rau nhặt xong, ta hay vứt đi một nửa. Chưa kể ăn xong vẫn thừa rồi bỏ phí. Còn chúng tôi thì không. Rau hữu cơ mất bao nhiêu công sức chăm bón của người nông dân, nên nhặt rau xong, chúng tôi giữ lại cuống để làm nộm. Dầu ép thủ công và bộ gia vị thực dưỡng cũng giá trị lắm, giá không rẻ, nên dùng ít, vừa đủ thôi. Đó là sự khác biệt giữa ăn lượng và ăn chất.
Làm về thực dưỡng, tôi muốn hướng đến người nghèo để giúp cho họ một giải pháp phòng và chữa bệnh ít tốn tiền nhất. Trên thực tế, hiện mới có 2 nhóm khách hàng đến với chúng tôi. Một là do nghèo quá, không có cơ hội nào khác để chữa bệnh. Họ đành tự chữa bằng ăn thực dưỡng. Nhóm hai là những người có đủ phước duyên, không kể giàu hay nghèo, có trực giác tốt, tin vào trật tự vũ trụ và tinh túy của thiên nhiên, tìm hiểu kỹ lưỡng rồi quyết định ăn theo chế độ thực dưỡng để có một cuộc sống khỏe mạnh.
Chị từng có khát vọng rất lớn với VNDIRECT, giờ thì sao?
Tôi không còn dám ước một cái quả mà mình không gieo nhân. Và làm sao mình chắc chắn sẽ lên số 1? Còn nhiều yếu tố khách quan tác động nữa. Tôi chỉ tự nhủ mình sẽ làm hết sức có thể. Còn công ty đứng thứ mấy, mình cũng sẽ hoan hỉ chấp nhận.
Có vẻ không giống chị ngày xưa?
Tôi đã thay đổi mà. Nếu không thay đổi, chả lẽ tôi vẫn si mê
như ngày hôm qua. (cười)
Vậy bây giờ mục tiêu cuộc sống của chị là gì?
Đó là trước mọi hoàn cảnh, tôi không còn phiền não gì nữa. Nói thế hơi to tát, nhưng thực sự bây giờ tôi không quan trọng chuyện gì có lợi cho bản thân, mà chỉ cần việc có ích cho người khác là tôi làm và thấy rất vui. Việc này không dễ. Khi gặp thách thức quá lớn, tôi vẫn thấy cái "TÔI" của mình nổi lên. Khi thấy người ta không đáp trả lòng tốt của mình, không hiểu mình, lại thấy mình vẫn nổi tâm "sân". Nếu không cảm thấy như vậy, tức là mình đã thành Phật. Nhận diện và đối trị cái tâm của mình trong mọi hoàn cảnh, đó là cách tôi sống hàng ngày.
Một nhóm chúng tôi đang làm một dự án có tên Tâm Yêu Thương, với mong muốn giúp cho mọi
người sống mạnh mẽ và hạnh phúc. Chúng ta sinh ra đời nhưng lại ít được học
cách làm thế nào để sống tốt nhất. Trong đó có việc ăn thế nào để có được thân
thể khỏe mạnh và trí tuệ minh mẫn, làm việc thế nào để có đủ điều kiện sống
theo ước nguyện bản thân, luyện tâm thế nào để có được bình an trước mọi thách
thức của cuộc đời.
Vừa rồi, chúng tôi vào Sài Gòn để giúp một ngôi chùa chuyển
đổi toàn bộ bếp thành bếp thực dưỡng. Chúng tôi cũng
đã thuyết phục được một trường mầm non chuyển đổi sang cách ăn dưỡng sinh và
sau này mong muốn sẽ nhân rộng ra nhiều nơi dù lộ
trình sẽ phải mất nhiều năm. Tôi ước ao chương trình
Bếp thực dưỡng của Tâm yêu thương sẽ được đưa đến các trại trẻ mồ côi.
Quá trình này khó hơn nhiều so với cải tổ công ty chứng khoán, nhưng tôi tin sẽ làm được (cười).
Sự thực dụng trong ngành chứng khoán rất lớn. Có vẻ không có sự liên quan giữa ngành chứng khoán với những gì chị đang nói?
Từ lúc bấm một nút là ra tiền đến việc đi bán từng mớ rau để
có lời một nghìn thôi đã khiến tôi thay đổi rất nhiều. Kinh doanh lĩnh vực này khó khăn nhưng giúp tôi
trân quý đồng tiền hơn. Ngày xưa làm ra tiền quá dễ, khi mất cũng rất nhanh, còn giờ tôi tiết kiệm hơn. Tôi học được cách cảm thông hơn với người lao động.
Giờ đi mua rau, bạn hãy chọn mớ rau héo vì đó là chính là phần lãi của người
bán. Tôi thực sự thay đổi, và đó là cái lãi lớn nhất.
Vậy chị có thay đổi
cách suy nghĩ khi làm chứng khoán không?
Bây giờ đối với tôi, khi mình làm việc
hết sức, với mong muốn mang lại dịch vụ và cơ hội tốt nhất cho khách hàng thì
việc lỗ hay lãi là nhân duyên, nên chẳng vì thế mà áp lực. Giờ
tôi điều hành nhẹ nhàng hơn rất nhiều, khác hẳn với ngày xưa lúc nào cũng canh
cánh lo âu vì công việc.
Tất nhiên không phải là tôi không cố hết sức, làm gì tôi cũng quyết tâm làm đến cùng, không bao giờ bỏ cuộc. Nhưng giờ có xảy ra vấn đề thì cũng không sao cả, mình học cách chấp nhận như một nhân duyên.
Chứng khoán luôn biến động.
Nếu ta không có độ tĩnh lặng, sẽ không thể có sự lựa chọn thông thái. Trong
nhóm môi giới của VNDRECT, bạn nào "động" thì sẽ "cháy", còn bạn nào "tĩnh", lại rất thành công. Có những người
trước đây tôi nghĩ sẽ không bao giờ thành công thì lại thành công. Có người tôi
nghĩ là thông minh, cuối cùng lại không được như ý.
Người ta nói "Việc hôm nay chớ để ngày mai", chị lại nói "Để mai tính". Tại sao vậy?
Ngày xưa tham lam, cái gì cũng muốn làm còn bây giờ tôi thông thái hơn, biết chọn cái gì để làm trước. 50 năm trên cuộc đời, đủ biết
đâu là giá trị cần giữ và cái gì cần bỏ. Còn tính tôi là đã muốn thì sẽ làm bằng
được.
Trước đây, người ta gọi chị là "nữ tướng ngành chứng khoán". Giờ, để miêu tả về mình, chị sẽ dùng từ nào?
Đại sứ Thực dưỡng. (cười)
Tôi nói vui vậy thôi, tôi không nghĩ đến một mục tiêu quá lớn
lao, chỉ nghĩ rằng mình còn sức thì còn giúp cho mọi người là
được rồi.
Chị có nghĩ rằng, thay vì đi thuyết phục 100 người được 1 người mua rau, nếu dùng thời gian đó để làm chứng khoán sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, giúp được nhiều người hơn không?
Nhiều người kiếm tiền rất giỏi, giỏi hơn tôi nhiều. Có lẽ nhiều người trong số họ cũng đồng ý với tôi rằng: So với bất động sản hay chứng khoán, chỉ khi xắn tay đi làm những thứ không ra nhiều tiền mà vẫn có lợi cho người khác như giáo dục hay nông nghiệp, ta mới thực sự cảm nhận được nỗi khổ, niềm đau của người khác.
Với tôi, đó là cơ hội được trải nghiệm và thực hành yêu thương, trọn vẹn và đích thực.
By : Minh Châu
Nguyễn Lân
Designed by : 7pm
Theo Trí Thức Trẻ/CafeF
Theo Trí Thức Trẻ/CafeF