Chủ quán 9X: Không thể vươn xa nếu không có ứng dụng đặt đồ ăn
Đam mê ẩm thực Hàn Quốc, chị Trầm Bội Trân cùng em gái khởi nghiệp kinh doanh đồ ăn vặt xứ kim chi. Mỗi tháng, quán bán hàng nghìn đơn hàng nhờ bắt tay với các ứng dụng đặt đồ ăn cũng như không ngừng học hỏi, hoàn thiện mô hình kinh doanh.
Chị Trầm Bội Trân (29 tuổi, Tân Phú, TP.HCM) có nhiều năm làm trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn trước khi khởi nghiệp ở tuổi 23 với quán Rjncooking - Ăn vặt Hàn Quốc vì yêu thích các món ăn trong các bộ phim nổi tiếng từ xứ kim chi.
Sau thời gian học hỏi một số công thức món cơ bản từ một người bạn Hàn Quốc và tự mình tìm tòi, phát triển những công thức riêng, chị Trân hoàn thiện các món ăn và hiện đang phục vụ khoảng 20 món, chuyên về đồ ăn đường phố của Hàn Quốc.
Chốt nghìn đơn mỗi tháng nhờ app đặt đồ ăn
Nhiều người cho rằng kinh doanh online dễ dàng hơn khi chủ cửa hàng không cần tốn nhiều chi phí mặt bằng, cơ sở vật chất, thuê nhân viên… như kinh doanh offline. Tuy nhiên, theo chị Bội Trân, kinh doanh online khó hơn nhiều. "Với khách hàng ăn tại chỗ, bạn trực tiếp tiếp xúc với họ, nếu họ không hài lòng thì bạn có thể hỏi thăm và khắc phục ngay tại chỗ. Còn với kinh doanh online, bạn phải chỉn chu ngay từ đầu, đảm bảo đơn hàng làm hài lòng khách hàng, những người thường bạn không biết họ là ai. Đó là cái khó của kinh doanh online", cô chủ 29 tuổi giải thích. Theo chị, sự chỉn chu đến từ việc chăm chút chất lượng món ăn, phương thức đóng gói, bao bì…
Người chủ cũng cần cải tiến, hoàn thiện mô hình vận hành sao cho tinh gọn và hiệu quả. "Đặc thù của kinh doanh online là một đơn hàng phải làm trong tầm 15 phút để thuận tiện cho tài xế đem hàng đi giao. Thứ hai là trong quá trình vận chuyển, đồ ăn của mình phải giữ được chất lượng ban đầu khi đến tay khách hàng. Đó là lý do mình cần đầu tư vào mô hình. Bạn cũng cần biết mình phải vận hành khu bếp như thế nào để đem lại hiệu quả làm việc", chị Trân chia sẻ.
Chị Bội Trân lấy ví dụ đặc thù đồ ăn Hàn Quốc là không thể chuẩn bị sẵn nên khi tài xế tới, Rjncooking mới bắt đầu chế biến. Chị rút ngắn thời gian bằng cách cân sẵn phần nguyên liệu, khi tài xế tới lấy đơn, chị đã sẵn sàng bắt tay vào làm. Quán cũng sử dụng thiết bị công suất cao, máy móc công nghiệp để đáp ứng được nhu cầu đơn hàng lớn.
Đa số những kiến thức kể trên đều do chị Trân tự tìm tòi, học hỏi. Chị chia sẻ: "Những kiến thức đó tôi học từ hội nhóm, anh chị em ở trên những cộng đồng kinh doanh như cộng đồng đối tác GoFood của Gojek. Những gì tôi học được từ cộng đồng GoFood giống như kim chỉ nam. Tôi là người kinh doanh tay ngang, không qua trường lớp, và nhờ những kiến thức, kinh nghiệm từ những anh chị đi trước mà tôi tìm được hướng đi đúng".
Nhờ quá trình học hỏi và hoàn thiện không ngừng cùng với việc kết hợp với các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến như Gojek, trung bình mỗi tháng Rjncooking bán hàng nghìn đơn hàng, trong đó hai món ăn bán chạy là khoai tây lốc xoáy và gà sốt.
Theo chị Trân, việc hợp tác với các nền tảng đặt món trực tuyến giúp chị có cơ hội tiếp cận với lượng đơn, lượng khách hàng lớn. Quán cũng có thể phục vụ khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhờ sự hỗ trợ của các tài xế. Nếu không có các ứng dụng như Gojek thì chắc chắn quán sẽ chỉ có thể kinh doanh nhỏ lẻ, phục vụ chủ yếu khách gần nhà, trong khu vực nhỏ chứ không thể vươn xa.
Các quán ăn có thể phục vụ khách hàng nhanh chóng và hiệu quả nhờ sự hỗ trợ của các tài xế từ các nền tảng đặt đồ ăn.
Vực dậy mạnh mẽ sau dịch nhờ được Gojek "xóa nợ"
Chị Trân cho biết, Rjncooking hợp tác cùng Gojek từ những ngày đầu hãng có mặt tại Việt Nam và gắn bó đến hiện tại. Chị xem Gojek là đơn vị đáng tin cậy khi hỗ trợ hết mình cho đối tác, đặc biệt vào những giai đoạn đối tác gặp khó khăn, bên cạnh việc xây dựng được một cộng đồng chia sẻ vô cùng hiệu quả.
"Tôi có ấn tượng rất đặc biệt với Gojek vào thời điểm dịch. Khoảng thời gian giãn cách xã hội, các quán ăn, nhà hàng bị đóng cửa và tôi không kịp xoay sở trước thực tế rằng quán mình sẽ không có khách và khách tới cũng sẽ không được ăn. Tôi không tiếp nhận nổi điều đó dẫn đến bị trầm cảm. Tôi nợ nhiều đến mức đã có ý định đóng cửa", chị Trân nhớ lại khoảng thời gian khó khăn.
Cô chủ 9X tiếp tục: "Lúc đó tôi cũng có nợ Gojek một số tiền dịch vụ, số tiền không lớn nhưng tôi không còn khả năng chi trả. Tôi đã định buông tay nhưng sau đó, bất ngờ Gojek gọi đến cho tôi nói rằng tôi có thể mở app lên bán lại bình thường. Tôi được Gojek hỗ trợ ‘xóa nợ’. Câu chuyện này không quá to tát với nhiều người nhưng với tôi, đây là động lực rất lớn giúp Rjncooking hoạt động trở lại. Và với tôi, bây giờ Gojek không còn là một đối tác kinh doanh bình thường mà là một người bạn, một điểm tựa tinh thần giúp mình vượt qua khó khăn".
Chị Trân chia sẻ ngoài lý do kể trên, chị chọn đồng hành lâu dài cùng Gojek bởi hãng có đội ngũ mạnh về mảng chăm sóc và hỗ trợ các đối tác nhà hàng. "Gojek tạo được một cộng đồng nhà bán hàng có tính tương tác cao. Cộng đồng này không đơn thuần là sự hỗ trợ từ những nhà bán hàng với nhau mà còn có được sự hỗ trợ từ phía Gojek. Hầu hết những câu hỏi ở trên trang của Gojek đều được giải đáp một cách hợp lý", chị chia sẻ.
Chị Bội Trân cho biết thêm, bên cạnh sự hỗ trợ của Gojek, khách hàng cũng là động lực to lớn giúp Rjncooking vực dậy. "Nhiều khách không thấy quán hoạt động, họ nhắn tin trên page hỏi han và tâm sự họ thèm đồ ăn của quán. Thế là tôi quyết tâm vực dậy cửa hàng. Hiện tại doanh thu đã ổn định, khôi phục được 70 - 80%", cô chủ trẻ tuổi chia sẻ.
Nói về bí quyết tăng đơn, nhất là vào mùa lễ hội, cô chủ của Rjncooking cho biết chị không có bí quyết gì đặc biệt. "Với tôi, việc tham gia các chương trình khuyến mãi của các ứng dụng, cho dù là giảm giá cũng là một sự tri ân của mình đến với khách hàng. Nhiều khi có những đơn hàng giảm giá mạnh nhưng chúng tôi vẫn đầu tư chỉn chu như những đơn hàng bán nguyên giá. Khi khách hàng nhận được và thấy hài lòng thì chắc chắn họ sẽ trở lại. Đó là bí quyết của tôi: mình phải luôn tôn trọng khách hàng", chị Trầm Bội Trân đúc kết.