Chủ đầu tư địa ốc ‘đau đầu’ vì bị môi giới giả mạo bán trộm dự án
Dù mới mua được quỹ đất và chưa triển khai, phát triển dự án nhưng đã có hàng loạt nhân viên môi giới bất động sản tự ý vẽ ra các dự án rồi chào bán cho khách hàng, khiến Tập đoàn Hà Đô phải phát đi thông báo dự án của mình bị bán trộm.
Thời gian qua, tình trạng nhân viên môi giới lấy thông tin dự án của các công ty bất động sản uy tín rồi liên hệ với khách hàng để giới thiệu, nhận cọc giữ chỗ, thậm chí có dự án còn chưa được triển khai cũng bị những đối tượng này rao bán đang diễn ra ngày càng phổ biến.
Điều đáng nói, nhiều khách hàng do chưa tìm hiểu kỹ thông tin về các dự án hoặc bị những nhân viên môi giới nhà đất cố tình "giăng bẫy", sử dụng những lời quảng cáo "có cánh" để rồi tin theo và rơi vào tình cảnh "tiền mất tật mang". Chưa kể, nhiều công ty, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng bị ảnh hưởng, làm mất uy tín đối với khách hàng vì thương hiệu của mình bị chính những đối tượng này giả mạo.
Đủ kiểu bán trộm
Điển hình là mới đây, Công ty CP Hà Đô (Tập đoàn Hà Đô) đã phát đi thông báo liên quan đến việc, Công ty CP Minh Long Đông Sài Gòn thời gian qua liên tục nhận được phản ánh của khách hàng, khi có nhiều cuộc điện thoại của môi giới liên hệ để giới thiệu, nhận cọc giữ chỗ tại dự án căn hộ của Tập đoàn Hà Đô ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM.
Tập đoàn Hà Đô cho biết, đơn vị và Công ty CP Minh Long Đông Sài Gòn trước đến nay không có chính sách cho phép nhân viên liên tục gọi điện thoại làm phiền khách hàng, làm giảm giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện tại đối với dự án của Tập đoàn Hà Đô tại Linh Trung đang chuẩn bị các giai đoạn thủ tục pháp lý cần thiết để đủ điều kiện mở bán ra thị trường.
Thông tin cảnh báo việc môi giới dự án Hado Linh Trung (TP. Thủ Đức) được đăng tải trên trang wed của Tập đoàn Hà Đô.
"Tập đoàn Hà Đô và Công ty CP Minh Long Đông Sài Gòn rất lấy làm tiếc vì những trường hợp mạo danh nhân viên Công ty đưa thông tin sai lệch và làm phiền tới quý khách. Rất mong quý khách hàng thông cảm và cũng đề phòng cảnh giác đối với những trường hợp mạo danh nêu trên", Tập đoàn Hà Đô cảnh báo.
Trước đó, Công ty CP Địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group) cũng nhận được phản ánh của khách hàng về việc có nhiều cuộc điện thoại của môi giới mạo danh là cán bộ, nhân viên Phú Đông Group liên hệ để mời gọi mua bán căn hộ tại dự án Phú Đông Premier.
Phú Đông Group khẳng định, không có chính sách cho phép nhân viên liên tục gọi điện thoại làm phiền khách hàng, không có chính sách phát hành tờ rơi, tờ bướm làm giảm giá trị thương hiệu của doanh nghiệp và dự án….
"Mỗi khách hàng đã được giao cho từng nhân viên chăm sóc và kết nối với quý khách để quý khách có thể nhận được sự hỗ trợ tốt nhất đối với mọi giao dịch liên quan đến nhà ở của mình. Đồng thời, thông tin nhân viên chăm sóc của từng khách hàng đã được Phú Đông Group gửi tin nhắn SMS tới khách hàng qua đầu số định danh "PHUDONG", xin quý khách vui lòng lưu ý", thông báo Phú Đông Group nêu rõ.
Qua đó, Phú Đông Group cũng thông báo quý khách hàng đề cao cảnh giác trước trường hợp mạo danh nhân viên công ty chào mua, bán căn hộ Phú Đông Premier.
Vấn đề tương tự cũng xảy đối với Công ty CP Bất động sản Đại Phúc (Đại Phúc Land) khi nhiều dự án của công ty được nhân viên môi giới giả mạo đem ra quảng cáo rồi rao bán với giá rẻ so với giá thực tế của dự án khiến cho khách hàng hoang mang, cũng như làm mất uy tín của công ty.
Trao đổi với Nhadautu.vn về vấn đề này, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, đây là tình trạng rất phổ biến hiện nay, không chỉ Đại Phúc Land mà nhiều công ty uy tín khác cũng bị nhân viên môi giới giả mạo thương hiệu rồi tự ý đem dự án ra quảng cáo, rao bán sai sự thật. Thậm chí có trường hợp lấy danh nghĩa nhân viên công ty đứng ra ký hợp đồng, nhận đặt cọc lừa đảo khách hàng.
Doanh nghiệp loay hoay bảo vệ mình
Trước thực trạng trên, để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng và củng cố uy tín thương hiệu của công ty, nhiều doanh nghiệp đã dùng rất nhiều biện pháp như: Thông báo cơ quan chức năng, cảnh báo cho khách hàng thông qua các trang web của công ty, hay nhờ báo, đài đăng tải thông tin…
Theo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, khi nhận được phản ánh từ khách hàng, phía công ty đã chủ động đưa thông tin cảnh báo lên các trang điện tử của công ty, cũng như cung cấp thông tin đến các báo, đài để tuyên truyền cho khách hàng biết và đề phòng.
Mặt khác, công ty cũng trình báo cơ quan chức năng vụ việc, tuy nhiên, nhưng vấn đề bất cập này vẫn chưa có các chế tài mạnh mẽ để xử lý, răn đe khiến những đối tượng lừa đảo càng trở nên lộng hành hơn.
"Tình trạng này hiện nay gần như bị thả nổi, dẫn đến môi trường kinh doanh ngày càng xấu đi, nhiều công ty kinh doanh bất động sản chân chính bị mất đi uy tín đối với khách hàng, đây thật sự là vấn đề đáng báo động, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, để sớm có biện pháp xử lý", bà Nguyễn Hương nói.
Trong khi đó, về phương diện luật pháp, trao đổi với Nhadautu.vn , luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trường hợp đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp liên quan đến trách nhiệm dân sự.
Về trường hợp này, các doanh nghiệp có thể căn cứ vào điều 592 Bộ luật Dân sự để yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường thiệt hại do việc sử dụng uy tín công ty trái phép nhằm lừa đảo người khác. Thiệt hại do uy tín bị xâm phạm, bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định…
Còn đối với trường hợp các đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.